
Theo tính toán của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN), toàn quốc có khoảng 1,3 triệu hộ gia đình đang sử dụng điện. Nếu mỗi hộ dân giảm sử dụng một bóng đèn 40W thì cả nước sẽ “có thêm” một nhà máy điện công suất 500 MW, gần gấp ba lần Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ (Phú Yên), tiết kiệm gần 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư. Tuy nhiên ít ai lưu tâm về việc này…
- Bật sớm, tắt muộn

Giảng đường B205 Trường ĐH KHXH-NV TPHCM không một bóng người nhưng đèn vẫn sáng, quạt vẫn chạy (ảnh chụp lúc 12 giờ 40 phút ngày 11-3). Ảnh: ĐỖ MINH QUÂN
Mới hơn 17 giờ, mặc dù trời vẫn còn rất sáng nhưng đèn cao áp trên đường Trần Văn Thời huyện Hóc Môn đã bật sáng. Bác Nguyễn Thành Dân, một cư dân ở đây nói, trời còn sáng như thế có thắp đèn công suất lớn cỡ nào cũng chẳng có nghĩa gì. Bật sớm, tắt muộn là hiện tượng khá phổ biến của hệ thống đèn chiếu sáng công cộng và đèn dân lập hiện nay.
Gần 6 giờ sáng, nắng đã bắt đầu chiếu vào mặt người nhưng hệ thống đèn cao áp trên đường Kha Vạn Cân quận Thủ Đức, đường Đinh Bộ Lĩnh quận Bình Thạnh vẫn sáng choang. Mỗi tháng, riêng ngân sách TP cấp cho hệ thống chiếu sáng công cộng lên đến gần 8 tỷ đồng. Quả là hào phóng! Nếu sử dụng một cách hợp lý, không lãng phí chắc chắn sẽ tiết kiệm được một lượng điện không nhỏ.
Một sự lãng phí rất lớn nữa trong sử dụng điện là hệ thống điện chiếu sáng dân lập. Hệ thống này do ngành điện thỏa thuận với địa phương để gắn, sau đó người dân tự quản lý việc đóng mở. Chính vì thế phần lớn người dân đều tranh thủ mở sớm cho “sáng đường sáng nhà” nhưng buổi sáng hôm sau lại tắt rất muộn, thậm chí có trường hợp để luôn cả ngày.
Tại các công sở, cơ quan tình trạng lãng phí điện khá phổ biến. Vào giờ nghỉ buổi trưa nhưng không ít cơ quan vẫn cho máy lạnh chạy đều và các bóng đèn trong phòng vẫn bật sáng. Chúng tôi đến liên hệ công tác tại một trường học vào đầu giờ chiều. Trong phòng vị hiệu trưởng bốn bóng đèn vẫn sáng choang, cứ nghĩ vị này đi đâu đó nên chúng tôi ngồi chờ. Ba mươi phút sau hiệu trưởng xuất hiện và cho biết vừa ở nhà vào. Cửa bật mở, hơi lạnh từ trong phòng dội ra. Hóa ra trong suốt giờ nghỉ trưa, phòng này vẫn giữ nguyên đèn, máy lạnh và các thiết bị sử dụng điện khác.
- Cha chung không ai khóc?

Theo ghi nhận của chúng tôi, trên các con đường ở TP thì nửa đêm về sáng, tình hình lãng phí điện diễn ra rất phổ biến. Các hộp đèn quảng cáo ngoài trời vẫn hoạt động hết công suất, mặc dù người qua lại trên đường còn chẳng bao nhiêu. Vào buổi tối, do đặc thù của một số mặt hàng kinh doanh người bán hàng buộc phải trang trí theo kiểu “ càng sáng càng tốt” nhưng một số chủ cửa hàng lại cho sáng “quá cỡ” nhất là các tiệm mắt kiếng, shop thời trang...
Dọc các con đường Điện Biên Phủ, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt…, hầu như tiệm mắt kiếng nào cũng cho ánh sáng quá mức cần thiết. Khi chúng tôi hỏi một chị nhân viên tại một cửa hàng bán quần áo trên đường Nguyễn Đình Chiểu về việc tại sao không tắt bớt đèn cho đỡ tốn điện. Chị ta đáp: “Tiền tôi tôi trả, việc gì đến anh, vô đây không mua hàng còn hỏi… lung tung”.
Buổi trưa, chúng tôi đến một số giảng đường của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM… chứng kiến tất cả đèn trong phòng vẫn được bật sáng. Trưa 11-3, tại các giảng đường A202, A301, B302 Trường Đại học Sư phạm TPHCM (cơ sở đường Lê Văn Sỹ)…, một số sinh viên ở lại ngủ trưa phải lấy báo che mặt lại cho… dễ ngủ vì chói! Một sinh viên tại đây cho biết: “Tụi em cũng biết như vậy là lãng phí nhưng lười tắt đèn”.
Trưa cùng ngày, tại giảng đường B205 Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học QG TPHCM), hàng chục bóng đèn, quạt máy vẫn hoạt động mặc dù giảng đường có sức chứa hàng trăm chỗ ngồi không một bóng người. Mới đây, qua khảo sát của Sở Công nghiệp TPHCM về việc sử dụng năng lượng (trong đó có điện) tiết kiệm và hiệu quả theo tinh thần Nghị định 102 của Chính phủ và Thông tư 01 của Bộ Công nghiệp cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất trên địa bàn TP vẫn sử dụng năng lượng chưa hiệu quả và lãng phí. Qua ghi nhận thực tế của phóng viên, tình hình lãng phí điện hiện nay là rất phổ biến, một bộ phận không nhỏ cán bộ, người dân chưa quan tâm
TRÀ GIANG-PHƯƠNG THÚY