Ngành cơ khí trong tiến trình phát triển và hội nhập

Bài 1: Những tàn dư thời bao cấp

Con nuôi nuôi con đẻ
Bài 1: Những tàn dư thời bao cấp

Nhìn lại chặng đường khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới (1986 - 1996), đặc biệt là giai đoạn chuyển sang cơ chế thị trường, mới thấy ngành cơ khí (CK) Việt Nam gần như bị thả nổi, tự lo về mọi mặt. Đây là thời kỳ ảm đạm nhất của CK trong nước, vốn bình quân cho một doanh nghiệp (DN) chỉ khoảng 0,6 triệu USD, dây chuyền sản xuất chủ yếu là máy móc tiếp quản của chế độ cũ, rất lạc hậu...

Con nuôi nuôi con đẻ

Bài 1: Những tàn dư thời bao cấp ảnh 1

Nhà máy cơ khí Lilama 45-1 chế tạo thiết bị, kết cấu thép nhà máy điện xuất khẩu qua Nhật Bản. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Nhắc lại giai đoạn vừa chân ướt chân ráo chuyển qua cơ chế thị trường, một lãnh đạo Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn - Samco (Sài Gòn Công Xưởng cũ) cho biết, giai đoạn này công ty hầu như sản xuất theo kiểu “cây nhà lá vườn”, chủ yếu tự mày mò chế tạo trên công cụ thô sơ như máy tiện, bào, phay… tiếp quản từ chế độ cũ. Còn linh kiện CK thì mua từ chợ trời Dân Sinh. Doanh thu của công ty là từ nguồn sửa chữa xe cộ, máy móc nên không đáng kể, sản xuất rất ít.

Cùng thời điểm này, Công ty cổ phần Cơ khí và Xây lắp Công nghiệp (Imeco) cũng rơi vào hoàn cảnh vô cùng bi đát, kinh phí để hoạt động gần như tự “bơi”. Toàn bộ tài sản công ty vỏn vẹn gồm vài máy tiện, hàn… thô sơ. Do thiếu kinh phí hoạt động, cán bộ công nhân viên còn lại không đủ đếm trên đầu ngón tay. Doanh thu lĩnh vực CK gần như bằng không nên công ty phải sản xuất kinh doanh mặt hàng không chuyên để “nuôi” sống lĩnh vực “con đẻ”. “Lúc đó cả công ty chỉ có 6 - 7 nhân viên, do thiếu thốn vật chất để sản xuất nên rất khó khăn. Cũng may, nhờ anh em, bạn bè một số lĩnh vực khác giúp đỡ cho một dây chuyền sản xuất mì tôm và bia đã cũ nên công ty chuyển sang sản xuất hai mặt hàng này, còn CK thì chỉ sản xuất cầm chừng”, ông Bùi Quang Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty Imeco, nhớ lại.

Ngoài hạn chế về điều kiện sản xuất, vào khoảng năm 1995, nhiều DNCK khác còn phải chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt của hàng nhập khẩu ồ ạt tràn qua đường phi mậu dịch. Hàng loạt DNCK phải lập tức chấp nhận chuyển đổi công năng sản xuất hoặc đóng cửa. Nguyên nhân chính là do sản phẩm trong nước sản xuất trên dây chuyền quá… cổ, lạc hậu, do đó chất lượng sản phẩm kém hơn hàng ngoại, trong khi giá thành cũng không thấp hơn bao nhiêu. Ngoài ra, sự dung túng trong chỉ đạo và chậm trong chính sách đã góp phần làm cho CK tụt hậu trong thời gian dài. 

Tự bơi trong cơ chế thị trường

Bài 1: Những tàn dư thời bao cấp ảnh 2

Công ty Cơ khí-Xây lắp công nghiệp chế tạo bồn bể chứa khí hóa lỏng. Ảnh: ĐỨC THÀNH

Theo các chuyên gia lĩnh vực CK, trong 10 năm đầu của thời kỳ đổi mới, do đặc thù của ngành còn mang nặng tính bao cấp, trong khi trên thực tế cần đầu tư ban đầu lớn, chu kỳ sản xuất dài, vòng quay vốn chậm, lợi nhuận thấp hơn các ngành khác và thu hồi vốn lâu, lại đòi hỏi tổ chức chuyên môn hóa, hợp tác hóa cao nên khi chuyển sang kinh tế thị trường đã không kịp thời chuyển đổi. Thêm vào đó, thiếu các chính sách hỗ trợ phát triển và bảo vệ thị trường trong nước nên ngành CK không đáp ứng nhu cầu của đất nước, thị trường bị thu hẹp do hàng lậu chèn ép, kể cả những sản phẩm trước đây từng là thế mạnh như máy công cụ, máy động lực nhỏ, máy kéo nhỏ, máy bơm nước… Do những bất cập trên, trong 10 năm đổi mới, ngành cơ khí gần như giậm chân tại chỗ.

Theo số liệu điều tra năm 1998, toàn ngành có 463 DN Nhà nước (trước khi sắp xếp theo Nghị định 388/HĐBT có 610 DN), trong đó có 207 DN quốc doanh trung ương và 256 DN quốc doanh địa phương (tập trung tại Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nam Hà). Số DN hoạt động trong lĩnh vực CK chế tạo là 50,2%, còn lại là DN hoạt động trong lĩnh vực sửa chữa ô tô, máy kéo, tàu thuyền, máy móc xây dựng công trình..., 927 cơ sở sản xuất tập thể, 43 xí nghiệp tư doanh và 28.464 hộ sản xuất cá thể. Tổng tài sản cố định của 463 DN Nhà nước là 300 triệu USD, trong đó có 4 DN có vốn khoảng 4 triệu USD/DN. Vốn bình quân cho một DNCK khoảng 0,6 triệu USD. Giá trị sản xuất CK năm 1996 của 463 DN Nhà nước là 250 triệu USD. Xuất khẩu trung bình đạt 8 triệu USD/năm, bằng 0,1% tổng giá trị xuất khẩu, quá nhỏ so với các nước công nghiệp (35% - 40%).

Nhìn chung, thực trạng ngành CK giai đoạn đầu đổi mới đã không được đầu tư đáng kể, toàn ngành giai đoạn 1990 - 1995 cũng chỉ đầu tư 180 tỷ đồng. Công nghệ sản xuất CK lạc hậu so với thế giới 30 - 40 năm, 95% thiết bị là không đồng bộ, không có chuyển giao công nghệ, hầu hết đã hết khấu hao. Cơ cấu trong nội bộ ngành cũng không hợp lý, chủ yếu là cơ khí sản xuất hàng tiêu dùng, còn cơ khí cao cấp như chế tạo, cơ khí chính xác chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Do thiếu đầu tư nên tốc độ đổi mới thiết bị trong ngành rất chậm.

Theo chiến lược phát triển ngành CK TPHCM, mục tiêu phấn đến năm 2010 sẽ đáp ứng 30% - 40% nhu cầu sản phẩm CK của cả nước, trong đó xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng. Liệu với năng lực hiện tại, ngành CK có đạt được mục tiêu đề ra?

Lạc Phong

Tin cùng chuyên mục