Chưa được cấp chứng thư xuất khẩu: Hàng trăm tấn thanh long phải bán tháo, đổ bỏ

Ngày 23-7, ông Huỳnh Cảnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận (tỉnh Lâm Đồng), cho biết, do bị chậm trễ trong việc cấp chứng thư để xuất khẩu qua châu Âu, hàng loạt doanh nghiệp đã bắt đầu đổ bỏ hoặc bán tháo hàng trăm tấn thanh long đạt tiêu chuẩn GolbalGAP.

Đại diện Công ty TNHH Sơn Trà (tỉnh Lâm Đồng) thông tin, sau nhiều ngày mỏi mòn chờ cơ quan chức năng cấp chứng thư nhưng chưa được, khoảng 40 tấn thanh long của doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu qua châu Âu đã phải đổ bỏ, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Ngoài ra, công ty này có khoảng 70 tấn thanh long đang chín rộ, nếu việc cấp chứng thư tiếp tục chậm trễ thì số lượng thanh long này cũng chưa biết xử lý ra sao. Tương tự, ông Trần Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Thanh long Thuận Tiến (xã Hàm Liêm, tỉnh Lâm Đồng), cho biết, khoảng 50 tấn thanh long được bảo quản trong kho lạnh đã quá 15 ngày nhưng không thể xuất khẩu. Hiện đơn vị này đã phải đổ bỏ nhiều tấn thanh long, số còn lại đưa đi bán tháo cho các đơn vị thu mua với giá rẻ mạt, từ 1.000-2.000 đồng/kg, trong khi giá mua vào lên tới hơn 20.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, dự kiến trong những ngày tới, hàng chục ngàn tấn thanh long đang lưu trữ trong kho lạnh và sắp thu hoạch của các doanh nghiệp sẽ phải đổ bỏ, nếu cơ quan chức năng chưa cấp chứng thư để xuất khẩu qua thị trường châu Âu. “Theo yêu cầu của thị trường châu Âu, thanh long xuất khẩu qua thị trường này là trái nhỏ, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, nên nếu không xuất khẩu được thì cũng không thể bán qua thị trường khác. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu đã nộp đầy đủ hồ sơ, kèm bản cam kết chất lượng sản phẩm về Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM để được cấp chứng thư xuất khẩu, nhưng đến nay vẫn “bặt vô âm tín”, khiến doanh nghiệp vô cùng lo lắng”, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận, chia sẻ.

Trước đó, ngày 16-7, Báo SGGP có bài viết “Chưa được cấp chứng thư: Nông sản qua thị trường châu Âu bị tắc”, phản ánh việc từ ngày 1-7, phía châu Âu yêu cầu việc cấp chứng thư để xuất khẩu nông sản qua thị trường này phải do cơ quan nhà nước Việt Nam thực hiện. Sự thay đổi này khiến việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam qua châu Âu bị ách tắc. Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NN-MT) đã có văn bản giao Sở ATTP TPHCM thực hiện việc cấp chứng thư, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, đại diện Sở ATTP TPHCM cho biết đã nhận được công văn 2121/TTTV-ATTPMT ngày 11-7 của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ NN-MT) về việc kiểm tra ATTP đối với thực phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu theo quy định tại Thông tư số 12/2025/TT-BNNMT. Tuy nhiên, tại điều 24 Thông tư 12 và Quyết định số 2286 của Bộ NN-MT không quy định, hướng dẫn thành phần hồ sơ nộp đăng ký thủ tục và kết quả giải quyết thủ tục. Do đó, hiện không có căn cứ pháp lý để Sở ATTP TPHCM thực hiện cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, tại Công văn số 2121, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn cấp giấy chứng nhận theo yêu cầu của Liên minh châu Âu căn cứ quy định tại khoản 1 điều 42 Luật ATTP. Thế nhưng, tại Luật ATTP lại giao Bộ NN-MT quy định hồ sơ, thủ tục cấp các loại giấy chứng nhận. Vì vậy, Sở ATTP TPHCM đã có văn bản xin hướng dẫn của Bộ NN-MT đối với các vướng mắc nêu trên.

Doanh nghiệp có nhu cầu thẩm định sẽ nộp hồ sơ và yêu cầu cho Sở ATTP TPHCM. Sở tổng hợp, thẩm định và trình UBND TPHCM ký, bởi theo Thông tư 12, thẩm quyền kiểm tra nhà nước về ATTP đối với thực vật xuất khẩu được chuyển về chủ tịch UBND cấp tỉnh thực hiện.

Tin cùng chuyên mục