
Hội thảo thu hút gần 100 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, nhà khoa học, tổ chức chuyển giao công nghệ hoạt động trong lĩnh vực thủy sản.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Phan Tiến Dũng, Trưởng Ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), nhận định: trước sức ép từ biến đổi khí hậu, kiểm dịch xuất khẩu và các yêu cầu ngày càng khắt khe về an toàn thực phẩm, việc áp dụng khoa học – công nghệ là yếu tố sống còn để ngành thủy sản duy trì và mở rộng thị trường.
Ông Dũng cho biết thêm, thời gian qua Viện đã tập trung nghiên cứu và chuyển giao nhiều công nghệ phục vụ lĩnh vực thủy sản như: giống thủy sản chất lượng cao, công nghệ vi sinh xử lý môi trường ao nuôi, hệ thống giám sát tự động, thảo dược sinh học phòng bệnh cho tôm, và thiết bị nhũ hóa siêu âm trong môi trường nuôi trồng.
Từ góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI), cho biết: nhóm ngành nông – lâm – ngư nghiệp hiện có tỷ lệ đổi mới quy trình sản xuất cao, song vẫn tồn tại khoảng cách lớn giữa nhà khoa học và doanh nghiệp trong triển khai thực tế. Vì vậy, những hội thảo kết nối như thế này là hết sức cần thiết,
Tại hội thảo, các chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã giới thiệu một số sản phẩm, công nghệ nổi bật đã được nghiên cứu thành công như: Chế phẩm vi sinh cải thiện môi trường ao nuôi; thảo dược sinh học phòng bệnh cho tôm; mô hình giám sát chất lượng nước thông qua nền tảng Google Earth Engine; thiết bị nhũ hóa siêu âm trong môi trường nuôi trồng thủy sản...
Công ty ACTIV cũng giới thiệu giải pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản bằng tem chip điện tử, tích hợp 3 công nghệ lõi: RFID, AI và Blockchain. Giải pháp này giúp ghi nhận và lưu vết toàn bộ chuỗi hoạt động từ nuôi trồng, sản xuất đến phân phối, qua đó tăng tính minh bạch và hiệu quả trong công tác phòng chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp.