Chậm chuyển đổi công nghệ đốt rác phát điện
Giám sát tại Nhà máy xử lý nước thải đô thị Thuận An và Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, đoàn giám sát đã có những trao đổi về các vấn đề liên quan công tác xử lý chất thải.

Báo cáo tại buổi giám sát, bà Huỳnh Thị Lan Phương, Phó tổng giám đốc công ty TNHH xử lý chất thải Việt Nam, cho biết, Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước mỗi ngày tiếp nhận, xử lý khoảng 70% tổng khối lượng rác thải của toàn TPHCM (trước đây).
Hiện nay, công ty đang gặp một số khó khăn, công tác phân loại rác tại nguồn vẫn chưa được thực hiện. Trong khi đó, hệ thống phân loại tái chế và rác hữu cơ sạch, sản xuất phân compost đã được công ty hoàn tất xây dựng vào cuối năm 2010. Do vậy, việc vận hành 2 hệ thống này không được thực hiện theo kế hoạch đã ảnh hưởng đến tài chính công ty.
Bà Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, thành viên đoàn giám sát, cho biết, trong quá trình giám sát tại 2 đơn vị trên, nổi lên vấn đề lo ngại là việc người dân sống xung quanh 2 hai đơn vị xử lý rác thải. Do vị trí xử lý rác thải có nơi chỉ cách khu vực người dân sinh sống một bức tường. Bà yêu cầu UBND TPHCM báo cáo rõ quy trình về vấn đề chôn lấp rác thải của các doanh nghiệp tại TPHCM và báo cáo về lộ trình phân loại rác tại nguồn.

Ông Nguyễn Văn An, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, thành viên đoàn giám sát, cho rằng, TPHCM có 5 đơn vị được chuyển công nghệ đốt rác phát điện, tuy nhiên việc triển khai còn chậm, cần sớm có giải pháp phù hợp.
60% rác thải được xử lý bằng chôn lấp
Tại buổi giám sát, ông Nguyễn Hồng Nguyên, phó giám đốc Sở NN-MT TPHCM, cho biết, các địa phương của thành phố trước sáp nhập đã ban hành các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH), xây dựng và đang triển khai thực hiện kế hoạch phân loại CTRSH tại nguồn; xây dựng và ban hành giá dịch vụ vận chuyển CTRSH.
TPHCM đang xây dựng và tổ chức lại mô hình quản lý CTRSH theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp để quản lý hiệu quả công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Hiện ước tính, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn thành phố khoảng 14.000 tấn/ngày (khu vực TPHCM trước đây khoảng 10.500 tấn/ngày, khu vực Bình Dương trước đây khoảng 2.400 tấn/ngày và Bà Rịa - Vũng Tàu trước đây khoảng 1.100 tấn/ngày).
CTRSH được thu gom, vận chuyển xử lý đạt gần 99%, trong đó tỷ lệ xử lý CTRSH bằng công nghệ đốt, compost, tái chế đạt khoảng 40%; còn lại 60% được chôn lấp hợp vệ sinh.

TPHCM hiện có 4 khu xử lý chất thải tập trung hoạt động với tổng diện tích 1.672,88ha (Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc 822ha, Khu liên hợp xử lý chất thải và nghĩa trang Đa Phước 813,88ha, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Bình Dương 100ha; Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên 137ha).
Các khu quy hoạch đang và sắp triển khai có 3 khu, tổng diện tích 750ha (Khu công nghệ môi trường Xanh 200ha; Khu xử lý chất thải Tân Long 400ha; Khu xử lý chất thải Bình Mỹ 150ha) và 6 vị trí thực hiện dự án quy mô nhỏ cho từng địa phương với diện tích hơn 50ha.
Đối với công tác phân loại CTRSH tại nguồn, thời gian qua chủ yếu tập trung tuyên truyền, tập huấn cho các sở, ban ngành, hội đoàn và UBND các địa phương. Cùng với đó, tổ chức phân loại CTRSH tại một số khu phố, phường và đánh giá kết quả thực hiện để nhân rộng.
Qua thực tế triển khai đã rút ra được bài học là để phát huy hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn cần có sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật giữa các khâu từ thu gom, vận chuyển, trung chuyển và xử lý đối với các loại chất thải sau phân loại, trong đó, sự đồng bộ với công nghệ xử lý đầu cuối có vai trò rất quan trọng.
Do vậy, thành phố sẽ rà soát điều kiện hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển, trung chuyển và định hướng công nghệ xử lý để xây dựng đề án thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn cho phù hợp.