Sau 25 năm phát triển, đã đến lúc thị trường chứng khoán Việt Nam cần lột xác

Ngày 23-7, tại Hà Nội, Báo Tài chính - Đầu tư (thuộc Bộ Tài chính) phối hợp cùng các đối tác tổ chức tọa đàm “Lực đẩy dòng vốn mới”, nhân dịp kỷ niệm 25 năm thị trường chứng khoán Việt Nam chính thức vận hành (2000 - 2025).

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã đánh giá lại chặng đường phát triển 25 năm qua của thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam sau 25 năm xây dựng và phát triển từ con số 0, đến nay, dù vẫn còn điều phải bàn, song so với khu vực cũng như các mục tiêu, thành quả hôm nay rất đáng để tự hào. Thị trường chứng khoán Việt Nam đã thiết lập được khuôn khổ, hành lang pháp lý để thị trường vận hành hiệu quả, xây dựng và phát triển một hệ thống các thành viên của thị trường với đầy đủ tiềm lực về tài chính, năng lực về chuyên môn trình độ để xây dựng và tham gia thị trường”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhận xét.

z6832108606079_09f98487b3767fac17f9ddfefdd75323.jpg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi phát biểu tại tọa đàm

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, sau 25 năm, thị trường chứng khoán Việt Nam đã xây dựng và phát triển một hệ thống 10 triệu tài khoản cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Từ việc đi vận động các doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên thị trường thì nay vốn hóa thị trường chứng khoán đã đạt trên 60% GDP, có lúc lên đến 70%, một quy mô đáng tự hào.

Việt Nam cũng xây dựng được những nền tảng hạ tầng kỹ thuật cho thị trường. Mới đây nhất, hệ thống công nghệ thông tin mới cho thị trường là KRX được áp dụng để đáp ứng nhu cầu của thị trường chứng khoán. Chúng ta cũng có một đội ngũ quản lý thị trường tốt, các hệ thống thanh toán, chuyển nhượng chứng khoán cũng được xây dựng vận hành và hướng tới thiết lập mô hình đối tác thanh toán trung tâm để đáp ứng nhu cầu thị trường.

z6832199079923_76d6c527bf73526721074b450aca788e.jpg
Các đại biểu dự tọa đàm

Về định hướng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, thị trường chứng khoán cần trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn, phải là “hàn thử biểu” phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, năng lực của các doanh nghiệp.

“Sau 25 năm phát triển, chúng ta đã xây dựng và tích lũy được một lượng rất đáng kể về mọi mặt, để từ đó bàn với nhau liệu có thể đưa thị trường lên một tầm cao mới chưa?”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi đặt vấn đề.

Đồng thời, Thứ trưởng khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu với thị trường tài chính, thị trường chứng khoán chính là yêu cầu về sự phát triển vượt bậc, thu hút các dòng vốn trung và dài hạn, thu hút đáp ứng các nhu cầu cho đầu tư, phát triển xây dựng hạ tầng của đất nước với dự án quy mô rất lớn.

Tại tọa đàm, các nhóm vấn đề quan trọng được đưa ra thảo luận và lấy ý kiến nhằm xây dựng và phát triển thị trường chứng khoán trong giai đoạn mới. Đó là: vấn đề khuôn khổ pháp lý để phát triển thị trường để đưa thị trường thay đổi về chất và có tầm cao mới, xác định những gì “điểm nghẽn” cần tháo gỡ; xác định giải pháp để có thêm nhiều hàng hóa trên thị trường, nhất là những hàng hóa mới đáp ứng được yêu cầu thị trường với chất lượng tốt, vốn hóa lớn và thu hút được nhà đầu tư lớn; về cấu trúc, hạ tầng thị trường làm sao để tăng tỷ lệ nhà đầu tư tổ chức trên thị trường và nâng hạng thị trường chứng khoán lên sớm nhất.

Tin cùng chuyên mục