
Tạm rời xa gia đình với những công việc đồng áng, nhiều cô gái ở vùng quê đã lao vào chốn thị thành đầy cám dỗ hầu mong một ngày nào đó có cuộc sống tốt hơn, nhưng…
Ước vọng đổi đời
Cánh đồng mùa nước nổi nắng chói vàng. Đàn vịt chạy đồng của Hai Khải có cả ngàn con, ráp nhau kêu inh ỏi. Hai Khải cầm chiếc roi sậy dài hơn một thước đi phía sau bầy vịt, tay vung roi đập xuống nước bành bạch thúc đàn vịt chạy, còn miệng thì la: “Có hai con vịt chạy lạc bầy kìa, con Thơm mầy lùa nó vô… Còn con Tho nữa, đã tìm thấy thúng lúa chưa”. Thấy chúng tôi, Hai Khải nhảy cẫng lên: “Xuống hồi nào mà không cho hay trước vậy mấy cha?”.

Nuôi vịt chạy đồng - một nghề phổ biến các các tỉnh miền Tây Nam bộ. Ảnh: NGÂN MINH
Hai Khải làm nghề nuôi vịt chạy đồng ở Thoại Sơn, tỉnh An Giang, đã hơn 15 năm. Nhìn cha con Hai Khải, chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Mùa lúa vừa xong, chưa kịp nghỉ ngơi lại đến mùa chăn vịt. Đứa con gái lớn của Hai Khải vừa tròn 18, còn đứa em thì 16 tuổi. Lứa tuổi đang thì con gái nhưng chúng đâu có được ăn diện se sua với bạn bè trang lứa. Con gái nhà nông, lại còn nhà nghèo nữa. Chiếc chòi nhỏ là chỗ để cha con Hai Khải nghỉ ngơi lúc làm lúa, chăn vịt. Trong chòi chỉ có tấm vạt tre dùng để ngả lưng, một cái bếp gồm ba cục đá chụm lại và một cái nồi đen kịt, móp méo.
Trên bờ đê, một người phụ nữ đang đi về căn chòi của Hai Khải, trên tay cầm hai con cá lóc xỏ xâu. Hai Khải xởi lởi giới thiệu: “Đây là cô Sáu Bảnh, cũng nuôi vịt chạy đồng như tui. Chòi vịt của cổ cách đây một giang đồng”.
Trạc ngoài bốn mươi tuổi, cô Sáu Bảnh trông mặn mòi, duyên dáng, hàm răng trắng đều cùng cái lúm đồng tiền trên má. Hai Khải với lấy hai con cá lóc còn nhúc nhích từ tay của cô Sáu Bảnh: “Để tui nướng trui, sẵn có hai anh bạn xóm cũ từ TPHCM về, mình lai rai”.
Trưa hôm đó, ngồi nhậu trong chòi bên đống lửa un đã tàn mấy bận, gió mênh mông từ cánh đồng trắng xóa nước nổi thổi về mát rượi, chúng tôi và Hai Khải, Sáu Bảnh trò chuyện rôm rả. Hai đứa con gái của Hai Khải cũng tham gia, với những câu hỏi về cuộc sống ở thành phố, từ chuyện phố xá, nhà cửa, việc làm, đến đến chuyện ăn mặc, vui chơi.
Chầu nhậu dần tàn, chợt bé Thơm thổ lộ: “Con nói thiệt nhe, con chỉ muốn lên thành phố kiếm chuyện làm cho thay đổi cuộc sống. Ngặt nỗi con học ít quá, chữ nghĩa chẳng đầy lá mít, nghề nghiệp cũng không”.
Nghe vậy, bé Tho xía ngang: “Sợ gì mấy chuyện nhỏ đó. Xóm mình cũng có mấy chị đi làm ở thành phố vậy, có người nào học tới nơi tới chốn đâu. Vậy mà ai cũng khá ra, về quê nhìn mọi người bằng nửa con mắt”. Nghe Thơm, Tho nói, chúng tôi chỉ biết khuyên hai đứa rằng ở thành phố phức tạp lắm, nếu không có nghề, không có vốn thì khó sống lắm, đừng có dại dột bỏ quê ra đi.
Em chỉ là lục bình trôi...
“Cần Thơ có bến Ninh Kiều/Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân”. Những năm gần đây, TP Cần Thơ - thủ phủ của miền Tây Nam bộ, được đô thị hóa mạnh ra nhiều phía, đặc biệt là phía Nam, với nhiều khu dân cư mới, khang trang như: Phú An, Hưng Phú, Long Thịnh, khu cao ốc - thương mại Cái Khế… Cầu Cần Thơ - niềm mơ ước của bao đời của người dân nơi đây - đang vươn đến ngày hợp long. Bến Ninh Kiều được chỉnh trang thật đẹp. Bờ sông được lót gạch mới, bờ kè lót đá, dưới sông tàu thuyền xuôi ngược chở đầy sản vật đồng bằng. Từ vốn hỗ trợ của World Bank, những con hẻm chật chội ở Ninh Kiều đã được mở rộng.
Cần Thơ xưa nay đẹp là vậy, nhưng cũng như nhiều tỉnh thành khác, ở đây vẫn đang còn loại tệ nạn dường như không dẹp nổi, đó là bia ôm.
Bước vào một nhà hàng có sân đậu xe khá rộng rãi ở khu Bãi Cát, chúng tôi được cô tiếp tân đưa vào một phòng riêng ẩm thấp. Chưa kịp ngồi yên, một “má mì” vào mời: “Em tuyển mấy em vào ngồi chơi với các anh cho vui nha”. Khi mọi người đã có cặp có đôi, “má mì” lại vào nói: “Bây giờ các em… chào hàng đặc sản nha. Hàng của ai thì người đó có trách nhiệm bo cho em nhen”. Thế là từng em một bước lên bàn đứng dang tay dang chân, ưỡn mông ưỡn ngực. Có em còn cởi cả áo ra…
Cô gái ngồi bên tâm sự: “Lúc đầu em xấu hổ lắm nhưng không chấp hành thì bị đuổi ra khỏi quán tức thì. Riết rồi thấy quen. Thôi thì cũng vì cuộc sống, nhắm mắt cho qua”.
Cô gái ngồi bên cạnh nghe được câu chuyện tằng hắng xen vào: “Nước nhiều, cơm hơi nhão đó nghe. Bây giờ là dân chơi thứ thiệt rồi. Dân chơi đâu sợ mưa rơi, đúng hôn”.
Sau màn “đặc sản”, không khí có vẻ chùng xuống. Có tiếng anh bạn bên cạnh mời: “Kiều nữ, uống với anh 50% nhe”. “Hổng dám là kiều nữ đâu. Em chỉ là lục bình trôi sông, trôi rạch…”.
Đi Lạng Sơn gặp… Phụng Hiệp
Lạng Sơn mùa thu tiết trời thật tuyệt. Núi non hùng vĩ, muôn ngàn sắc hoa hòa vào sắc lúa vàng của các cánh ruộng bậc thang làm ngây ngất khách đường xa. Chúng tôi vào một khách sạn nhỏ ở gần chợ Kỳ Lừa, cô chủ liền đon đả: “Các bác lên xứ Lạng với chúng em, ở đây các bác cứ vô tư”.
Vừa nhận xong phòng nghỉ thì phía ngoài cửa phòng có tiếng phụ nữ nói giọng miền Nam: “Nước sôi đây anh ơi”. Chúng tôi mở cửa, gặp một cô gái khoảng 25-26 tuổi trên tay cầm bình thủy nước sôi.
- Em là người miền Nam?
- Dạ phải. Các anh ở trỏng mới ra?
Chúng tôi gật đầu. Cô em mừng rỡ: “Lâu quá gồi mới được nghe lại giọng miền Nam, thiệt lòng cảm động. Tối nay hẹn anh tại phòng massage số 7 nha. Gặp “Linh miền Nam” nha. Những gì thuộc về khách sạn, anh phải mua phiếu, những gì thuộc về em, em miễn phí”.
Đêm đó, mải vui chầu rượu Mẫu Sơn với các đồng nghiệp báo Lạng Sơn, chúng tôi không đến gặp Linh. Đến sáng hôm sau, chúng tôi mời Linh đi ăn sáng, không thấy cô trách cứ gì cả, mà chỉ hỏi thăm về quê em ở Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nay có gì mới. Giọng nói của Linh chợt nghẹn ngào: “Em muốn về quê lắm nhưng phải nán ở lại một thời gian nữa để kiếm thêm chút tiền”.
Khắc Văn - Tường Lộc
Bài 2: Những “cuộc say đầy tháng”