Phát triển kinh tế cửa khẩu bền vững gắn liền với việc ổn định đời sống người dân giữa nước ta với các nước có chung đường biên đang được Chính phủ rất quan tâm. Thực tế cho thấy mô hình kinh tế cửa khẩu trên tuyến biên giới Tây Nam giữa Việt Nam và Campuchia những năm qua không ngừng phát triển, hai bên đang hướng tới mục tiêu xuất nhập khẩu thương mại hàng hóa đạt 2 tỷ USD trong năm 2010 và nâng lên 6,5 tỷ USD vào năm 2015.
Bước tiến nhảy vọt
Việt Nam và Campuchia có chung đường biên giới đất liền khoảng 1.137km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia. Toàn tuyến biên giới hiện có 10 cặp cửa khẩu quốc tế, 12 cặp cửa khẩu chính và 25 cửa khẩu phụ, cùng nhiều đường mòn, lối mở, phục vụ giao lưu đi lại của cư dân hai nước và trao đổi hàng hóa rất thuận tiện. Theo Bộ Công thương, hai nước Việt Nam - Campuchia có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời nên sự hợp tác, giao thương thương mại không ngừng phát triển.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho biết: “Năm 2009, dù tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, đã tác động đến trao đổi thương mại hai nước, thế nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Campuchia đạt trên 1,4 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng mỗi năm trên 30%. Riêng 3 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 432 triệu USD, tăng 127% so cùng kỳ năm ngoái. Các cửa khẩu thuộc An Giang, Tây Ninh, Kiên Giang, Đồng Tháp… là những nơi xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức chủ lực hiện nay”.
Ông Lâm Minh Chiếu, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang khẳng định: “Kinh tế cửa khẩu góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh. Những năm qua, An Giang tập trung khai thác quyết liệt mô hình này và hiệu quả mang lại rất khả quan. Toàn tỉnh có 2 cửa khẩu quốc tế (Vĩnh Xương và Tịnh Biên), 2 cửa khẩu quốc gia (Khánh Bình và Vĩnh Hội Đông), cùng một số cửa khẩu phụ đang hoạt động sôi nổi. Năm 2006, kim ngạch xuất nhập khẩu thông qua các cửa khẩu An Giang với Campuchia khoảng 600 triệu USD, đến 2009 nhảy vọt lên 900 triệu USD”.
Phù hợp thị hiếu tiêu dùng
Theo đề án quy hoạch về kinh tế cửa khẩu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Mục tiêu phát triển đến năm 2020, cả nước có 30 khu kinh tế cửa khẩu. Phấn đấu kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 42 - 43 tỷ USD, đón 7,8 - 8 triệu lượt khách du lịch từ các nước vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước láng giềng qua các khu kinh tế cửa khẩu… Đối với các khu kinh tế cửa khẩu giáp Campuchia sẽ xây dựng thành những khu vực trọng điểm kinh tế của từng tỉnh, rà soát phân bổ lại dân cư lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân biên giới. |
Kết quả khảo sát thực tế của Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM cho thấy, sức mua của 14 triệu dân Campuchia không đòi hỏi quá cao về chất lượng mà chú trọng nhiều đến giá cả. Thói quen tiêu dùng của người dân Campuchia tương đồng với nước ta nên hàng Việt được ưa chuộng. Anh Nguyễn Phụng Hoàng, chủ doanh nghiệp sản xuất mắm Bà Giáo Khỏe 55555 kể câu chuyện thú vị: Cách nay vài năm anh đăng ký với ngành công thương An Giang đưa mắm Châu Đốc sang bán ở Campuchia thì ai cũng cười ồ bảo anh “điên”, chở củi về rừng, bởi Campuchia là xứ mắm.
Thế nhưng khi gian hàng mắm Châu Đốc xuất hiện ở Phnôm Pênh với mẫu mã phong phú, nhiều loại thơm ngon, phục vụ ân cần… lập tức được người tiêu dùng ưa chuộng. Từ đó đến nay, mắm Châu Đốc không ngừng phát triển ở thị trường Campuchia, hàng năm đạt trên 30% tổng doanh số bán hàng của công ty. Nhiều doanh nghiệp khác khi đưa hàng sang Campuchia cũng gặt hái thành công ngoài mong đợi.
Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Dương Quang khẳng định: 9 kỳ tổ chức Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao ở Campuchia đều cho thấy sức mua tăng liên tục, người dân đến đông nghẹt. Riêng lần hội chợ gần đây được tổ chức vào tháng 4-2010, đã thu hút khoảng 350.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm, doanh số bán ra đạt hơn 3,3 triệu USD. Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt Nam còn ký được những hợp đồng đầu tư, làm ăn dài hạn.
Ông Nguyễn Minh Trí, Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu An Giang cho biết tại đây hiện có trên 35 doanh nghiệp mở siêu thị bán hàng miễn thuế, với hơn 15.000 nhóm mặt hàng các loại. Nếu như năm 2009, khu thương mại Tịnh Biên thu hút được 592.000 lượt khách (trong đó có 4.445 khách từ Campuchia) đến mua sắm, tổng doanh số bán ra đạt 454 tỷ đồng, thì 4 tháng đầu năm 2010, đã có 784.000 lượt khách (trong đó khách Campuchia là 7.742 lượt) đến mua sắm, với doanh số hơn 475 tỷ đồng.
Sự tăng trưởng ngoạn mục trên cho thấy khu thương mại Tịnh Biên đang là điểm mua sắm lý tưởng của du khách các nơi, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp Campuchia. Để có được khu thương mại nhộn nhịp như Tịnh Biên, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo các ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kèm theo những chính sách ưu đãi như: miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt cho hàng hóa nhập khẩu (trừ ô tô). Hàng hóa từ khu thương mại khi xuất ra nước ngoài cũng được miễn thuế xuất khẩu và không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt…
Tối 21-5, tại Khu công nghiệp Xuân Tô (thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang), Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) phối hợp UBND tỉnh An Giang tổ chức khai mạc Hội chợ Thương mại - Du lịch và đầu tư đồng bằng sông Cửu Long năm 2010. Hội chợ lần này được nâng cao cả về chất lẫn cơ hội kết nối đầu tư, thu hút trên 500 gian hàng của Cộng hòa Pháp (20 gian hàng), Thái Lan (20 gian hàng), Campuchia (30 gian hàng), còn lại là của chủ nhà Việt Nam. Các doanh nghiệp tham gia hội chợ lần này đã đa dạng hóa các sản phẩm tham gia hội chợ trên nhiều lĩnh vực như nông, lâm, thủy sản, hàng tiêu dùng, thực phẩm, gia vị, đồ dùng gia đình, công nghệ phẩm, máy móc, trang thiết bị, đồ gỗ trang trí nội thất, các mặt hàng và sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống, du lịch… Hội chợ diễn ra đến hết ngày 26-5-2010. |
HUỲNH PHƯỚC LỢI