Xóa độc quyền sách giáo khoa

Bài 1: Tổng GĐ NXBGD Ngô Trần Ái:Tôi cũng không chịu nổi tai tiếng “ông độc quyền”!

° Sách giáo khoa vừa quá tải vừa dở: tại độc quyền!?° Thay sách giáo khoa liên miên: do độc quyền!?° Nhà xuất bản Giáo dục siêu lợi nhuận: nhờ độc quyền!?° Sinh viên đại học “đói” giáo trình: vì…bận độc quyền!?
Bài 1: Tổng GĐ NXBGD Ngô Trần Ái:Tôi cũng không chịu nổi tai tiếng “ông độc quyền”!

° Sách giáo khoa vừa quá tải vừa dở: tại độc quyền!?
° Thay sách giáo khoa liên miên: do độc quyền!?
° Nhà xuất bản Giáo dục siêu lợi nhuận: nhờ độc quyền!?
° Sinh viên đại học “đói” giáo trình: vì…bận độc quyền!?

Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi thẳng thắn với Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Ngô Trần Ái nhiều vấn đề dư luận đang đặt ra xung quanh hoạt động “độc quyền” của NXBGD hiện nay.

Xin xóa “độc quyền”: Vì sự phát triển hay áp lực dư luận?

° Phóng viên: Có ai đó đã gọi những đơn vị độc quyền bằng cái tên “thưa ông độc quyền!”, NXBGD của ông cũng thuộc cái “họ” đáng buồn này. Và, bây giờ NXBGD đang trở thành điểm nóng của dư luận xã hội, ông nói gì về tình trạng này?

° Tổng Giám đốc NXBGD NGÔ TRẦN ÁI: Đáng buồn lắm chứ! Với cái tiếng “độc quyền” như thế này, NXBGD của chúng tôi phải nhận mọi lời phê phán của dư luận, dù có những việc làm không do chúng tôi gây ra!

° “Tiếng oan” sao, thưa ông?

Bài 1: Tổng GĐ NXBGD Ngô Trần Ái:Tôi cũng không chịu nổi tai tiếng “ông độc quyền”! ảnh 1

Sách giáo khoa trên thị trường hiện nay đa số là của NXB Giáo dục. Ảnh: HOÀNG ANH THƯ

° Chương trình SGK do Bộ GD-ĐT quyết định. Các tác giả biên soạn nội dung SGK do Bộ GD-ĐT chọn. Hội đồng thẩm định SGK cũng của Bộ. NXBGD chỉ có trách nhiệm biên tập, chủ yếu về mặt kỹ thuật.Do đó, nội dung, chương trình SGK - hay, dở - NXB chúng tôi đâu có quyền sửa đổi, chỉ có thể góp ý kiến, tác giả (và Hội đồng thẩm định) có nghe hay không là quyền của họ.

Vì vậy, nói nội dung SGK hay-dở là do NXBGD thì cũng... oan thật! Mà, chuyện thay SGK là chủ trương mang tính chiến lược của Bộ GD-ĐT, và cũng là của quốc gia theo Nghị quyết số 40 của Quốc hội. Là đơn vị của ngành giáo dục, NXBGD được phân công nhiệm vụ xuất bản – phát hành sách giáo khoa. Quyền hạn của chúng tôi là như vậy.

° Cụ thể, ai là người trong Bộ ký quyết định công bố chương trình, chọn tác giả, Hội đồng thẩm định…?

° Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký chọn tác giả và tổng chủ biên, cũng như Hội đồng thẩm định. Biên tập viên NXBGD làm việc với chủ biên và nhóm tác giả để biên tập bản thảo, chứ không phải là cùng soạn. Khi thành bản thảo, gửi lên Hội đồng thẩm định Bộ GD-ĐT thẩm định để có một bộ sách thí điểm.

Sau ít nhất 2 vòng dạy thí điểm, lấy ý kiến của các nơi thí điểm, sách được sửa chữa rồi được thẩm định lần thứ hai thành quyển sách giáo khoa in thử. Sách giáo khoa in thử cũng được gửi đi lấy ý kiến góp ý, sách được biên tập viên và tác giả sửa chữa lại, gửi thẩm định lần thứ ba; khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, sách mới in đại trà số lượng lớn.

° Ai là người đưa ra danh sách tác giả biên soạn cho Bộ trưởng chọn và ra quyết định?

° Bộ trưởng ký chọn căn cứ vào đề nghị của Hội đồng bộ môn, Viện Chiến lược và Chương trình giáo dục, Vụ GD Trung học, ĐH Sư phạm Hà Nội và NXBGD.

° Vậy NXBGD được độc quyền cái gì, thưa ông?

° Xuất bản SGK gồm 4 công đoạn: Biên soạn (Bộ chịu trách nhiệm), còn khâu biên tập - in và phát hành thuộc về NXBGD. Tuy nhiên, mấy năm nay, NXBGD cũng đã tổ chức cho 80 nhà in tham gia đấu thầu. Mỗi năm đều có đấu thầu. Khi in xong thì nhập vào NXBGD. NXBGD tổ chức phát hành đến 64 công ty thuộc Sở GD-ĐT.

° Tác giả thì do Bộ GD-ĐT chọn, in thì dù có đấu thầu nhưng cũng là nhà in ngành giáo dục, phát hành thì công ty ở 64 tỉnh - thành cũng của ngành giáo dục… Nghĩa là một sự “độc-quyền-khép-kín”?

° Không hẳn là như vậy. 80 nhà in tham gia đấu thầu không phải là của ngành giáo dục. 80 nhà in này vừa là của Trung ương vừa là của địa phương, ở khắp mọi miền đất nước. NXBGD chỉ có 4 nhà in.
° Gần đây, ông lên tiếng bày tỏ muốn xóa độc quyền vì sự phát triển hay do áp lực của dư luận?

° Tôi đã có kiến nghị rất cụ thể về việc phá bỏ sự độc quyền này. Hiện nay cái xã hội cần, nhân dân cần là có bộ sách hay. Ta tự làm thế này, tự chọn tác giả, tự tổ chức không có tính cạnh tranh gì thì sẽ không thể có bộ sách hay được.

° Ông đề nghị từ bao giờ?

° 2-3 năm rồi. Năm ngoái tôi cũng mong có một chương trình chuẩn. Nhưng xin thưa là chương trình chuẩn và chi tiết chỉ có cách đây mấy tháng thôi. Khi có chương trình chuẩn, tôi càng thấy gấp rút phải phá độc quyền. Chương trình chuẩn đã in trên 50 số công báo.

Thanh tra sẽ công bố con số lợi nhuận chính xác

° Dư luận đặt ra con số cả trăm triệu USD lợi nhuận của NXBGD. Thực chất các ông lời bao nhiêu mỗi năm? NXBGD sử dụng số tiền lời ấy như thế nào?

° Dư luận nói rất nhiều về doanh thu và lợi nhuận của NXBGD. Tôi xin nói là doanh thu của NXBGD về tất cả các loại sách là khoảng 700 tỷ đồng/năm. Năm 2004 là 695 tỷ đồng. Năm 2005 là gần 700 tỷ đồng. Lợi nhuận chỉ khoảng từ 4% đến 5% giá bìa. Nếu so với biến động về giá giấy tăng, công in tăng…thì lợi nhuận nhiều khi không đảm bảo được tình trạng trượt giá.

Nói lợi nhuận cả trăm triệu USD tức 1.600 tỷ đồng là không đúng. Về việc sử dụng tiền lãi, vì NXBGD là một doanh nghiệp Nhà nước, giá bán sản phẩm (sách) này được phép của cơ quan chức năng nên tất cả lợi nhuận này được hạch toán theo Luật Doanh nghiệp của Nhà nước.

° Trong 700 tỷ đồng doanh thu, chỉ của riêng SGK?

° SGK chiếm 2/3, khoảng trên 500 tỷ đồng. Còn lại là doanh thu của sách tham khảo.

° Vâng, Tổng Giám đốc NXBGD khẳng định là vậy, nhưng tất nhiên sự thật thế nào thì sẽ do Thanh tra làm rõ. Hẳn các ông cũng nghe thông tin về việc sắp tới Đoàn Thanh tra sẽ thanh tra NXBGD?

° Tôi mong trong đợt kiểm tra này có một công bố con số chính xác để xã hội hiểu được.

“Trăm hoa đua nở”: 32 NXB làm sách tham khảo!

° Dư luận cũng rất bức xúc việc NXBGD độc quyền cả sách tham khảo?

° Làm sao độc quyền khi có tới 32 NXB đang tham gia làm sách tham khảo hiện nay!

° Thương hiệu NXBGD có mang lại lợi thế trong việc làm STK?

° Lợi thế thì có, nhưng nên nhớ đây là mảng sách thị trường, có thương hiệu mà biên soạn sách vừa dở vừa đắt cũng không ai mua. Hiện nay, mỗi năm chúng tôi in khoảng 30 triệu bản STK.

° Là một trong 32 NXB làm sách tham khảo, ông đánh giá như thế nào về thị trường STK hiện nay?

Bài 1: Tổng GĐ NXBGD Ngô Trần Ái:Tôi cũng không chịu nổi tai tiếng “ông độc quyền”! ảnh 2

Chọn mua sách giáo khoa tại Nhà sách Nguyễn Văn Cừ.

° Có lẽ tôi đánh giá thì chủ quan. Nhưng theo tôi, đáng nói nhất là tình trạng rất rối loạn của STK trên thị trường hiện nay. Đấy là chưa nói đến tình trạng ăn cắp, xào xáo lẫn nhau, chủ yếu giải bài tập trong SGK là chính. Có người chưa đỗ tú tài mà cũng làm STK thi ĐH. Điều đó khiến phụ huynh học sinh không biết như thế nào để lựa chọn.

° Làm thế nào để ổn định tình hình này?

° Phải tăng cường về mặt quản lý nhà nước.

Giáo trình đại học: Khó làm, ít lời nên... bỏ qua!?

° Về nhiệm vụ, NXBGD phải tham gia làm giáo trình ĐH song một thực tế: mảng sách này dường như bỏ trống. Vì sao như vậy?

° Đúng là NXBGD cũng có chức năng làm sách ĐH. Thời gian vừa qua do tập trung vào nhiệm vụ chính là phục vụ việc đổi mới chương trình nội dung SGK, chúng tôi chưa đầu tư nhiều vào mảng sách ĐH. Không phải là chúng tôi không làm.

° Làm giáo trình ĐH vừa khó làm vừa ít nên NXBGD không làm. Vậy thì giáo trình ai làm? Ông có biết sinh viên các trường rất “đói” giáo trình?

° Làm sách ĐH hiện nay có nhiều trường ĐH làm. Hơn nữa, cũng đã có nhiều trường ĐH có nhà xuất bản riêng. Đúng là sinh viên rất khổ vì không có giáo trình. Do giá cao nên các em phải photocoppy giáo trình để học. Không phải là chúng tôi không làm. Cách đây 3 năm, chúng tôi có thành lập một công ty cổ phần sách ĐH, dạy nghề. Số lượng phát hành cũng khá, doanh thu 20 tỷ, mỗi năm từ 1,8 đến 2 triệu bản sách ĐH và dạy nghề.

° Cuối cùng, ông có thể cho biết: Áp lực lớn nhất của Tổng Giám đốc NXBGD hiện nay là gì?

° Chính là cách làm độc quyền.

° Từ nãy giờ, ông đã tỏ một thái độ rất dứt khoát: NXBGD cũng đòi chống độc quyền trong làm SGK. Liệu bỏ độc quyền thì doanh nghiệp của ông thế nào?

°  Tôi tin là tốt hơn.

°  Cơ sở nào để ông tin tưởng điều đó?

°  Độc quyền làm cho bộ máy thụ động mang tính bao cấp, làm ít đòi hưởng nhiều, không phát huy sức sáng tạo của anh em trong công việc. Cạnh tranh sẽ khác, đứng trước sự sống còn, họ buộc phải làm việc tốt hơn. Mặt khác, về mặt tài chính, mấy năm nay, chúng tôi chuẩn bị cho việc xóa độc quyền bằng cách đa dạng hóa, phong phú hóa sản phẩm, tăng cường làm các loại sách tham khảo nâng cao dân trí, vở học sinh… doanh thu cũng khá.

° Xin cảm ơn ông!

MAI LAN - HỒNG QUÂN

Tin cùng chuyên mục