
Số phận của con tàu “Al-Khaleej” của UAE, bị bắt cóc chỉ một ngày sau tàu “Playa de Bakio” (ngày 21-4), có vẻ may mắn hơn. Trong vụ này, bọn hải tặc ngang nhiên đến nỗi sau khi cướp tàu đã đưa nó vào một vũng nằm gần cảng của thành phố Bossaso (là thủ đô vùng bán tự trị Puntland của Somalia). Nhờ đó, quân đội đã nhanh chóng phát hiện ra và tấn công chiếc tàu. Tất cả các con tin được giải phóng và bọn cướp bị bắt giữ. May mắn, trong vụ chạm súng này chỉ có 3 người bị thương.
Vụ giải cứu tàu “Al-Khaleej”
Với một đội ngũ đông đảo các nhóm hải tặc đang hoành hành tại vùng vịnh Aden, hiện một mình lực lượng quân đội Somalia vẫn chưa đủ khả năng để giải quyết triệt để. Cũng trong ngày 21-4 đó, những tên cướp trên một ca nô tốc độ cao đã âm mưu đánh chiếm chiếc tàu chở dầu “Takayama” của Nhật đang trên hành trình từ Hàn Quốc tới Saudi Arabia. Phía bọn hải tặc đã sử dụng súng phóng lựu (theo một số nguồn tin còn dùng cả tên lửa) để tấn công, khiến chiếc “Takayama” bị bắn thủng một lỗ lớn, làm nhiên liệu tràn ra ngoài.

Một hải tặc bị bắt giữ trong vụ cướp tàu “Al-Khaleej” của UAE
Rất may là con tàu chở dầu đã được cứu nhờ chiến hạm “Emden” của Đức, lúc đó đang tuần tiễu cách đó 90km trên vùng vịnh Aden, trong khuôn khổ chiến dịch chống khủng bố Enduring Freedom. Sau khi nhận được tín hiệu cấp báo từ tàu “Takayama”, chiếc “Emden” ngay lập tức cử một chiếc trực thăng bay thẳng tới hiện trường, trước khi mở hết tốc độ tiếp cận khu vực trên. Bọn cướp đã nhanh chóng chạy trốn khi phát hiện ra chiếc trực thăng của hải quân Đức.
Đáng chú ý là chỉ vài giờ trước vụ cướp tàu “Takayama”, chiếc “Emden” còn bắt gặp một con tàu đáng ngờ khác, trên boong có nhiều kẻ được vũ trang, kể cả súng phóng lựu. Các thủy thủ Đức dù vậy vẫn phải bỏ đi, do họ không được quyền lên kiểm tra trên tàu khác, trừ trường hợp tàu có phát tín hiệu khẩn cấp.
Vì sao lãnh hải Somalia thành thiên đường của hải tặc?
Các con số thống kê đều cho thấy, số vụ tấn công của những tên hải tặc tại Somalia đang tăng lên rất nhanh. Chỉ riêng trong năm 2007, những tên cướp tại khu vực này đã chiếm được gần 30 chiếc tàu khác nhau, một tỷ lệ bằng 50% tổng số vụ cướp trên khắp các đại dương. Trong lĩnh vực này, vấn đề không chỉ nằm ở khả năng đối phó kém của các thủy thủ đoàn hay tỷ lệ lọt lưới lớn của những tên cướp. Nếu nhìn từ một khía cạnh khác, còn có nhiều yếu tố phức tạp liên quan đến bản thân đất nước Somalia.
Trong một bài trả lời phỏng vấn của tờ Der Spiegel, chuyên gia nghiên cứu nạn cướp biển Klaus Hympendahl đã bình luận rằng, hiện không tồn tại một chính phủ đúng nghĩa tại Somalia. Tại quốc gia này từ nhiều năm nay đang diễn một cuộc chiến giữa quân đội chính phủ (được quân đội Ethiopia hỗ trợ) với các tay súng Hồi giáo từ một tổ chức gọi là Liên minh các tàu của đạo Hồi. Đó là lý do quyền hành thực tế tại Somalia không nằm trong tay chính phủ, mà lại thuộc về những thủ lĩnh của rất nhiều bộ lạc và sắc tộc khác nhau.
Trong tình trạng chiến tranh liên miên và kinh tế gần như hoàn toàn suy sụp, khả năng sinh sống và kiếm tiền duy nhất của những nhóm vũ trang kiểu này chủ yếu dựa vào cướp bóc, phần lớn là cướp biển. Dần dần, nhiều bộ lạc đã biến tướng trở thành những cơ cấu tương tự như mafia. Họ có các nguồn tin riêng của mình trong những công ty vận tải biển, nhờ đó có thể nắm được mọi dữ liệu quý giá: từ hành trình, thời gian, cho tới những loại hàng quý hiếm, hay cả số lượng container trên các tàu…
Trong quá khứ, bản thân khu vực Puntland từ xa xưa đã được coi là một địa bàn hoạt động thuận lợi của những tên cướp biển, do đây là đầu mối buôn bán nô lệ và hàng hóa giữa châu Phi với Trung Đông. Ngày nay, Puntland vẫn là điểm trung chuyển quan trọng của nạn buôn bán ma túy, vũ khí của những người nhập cư trái phép đang muốn kiếm tiền tại những vương quốc giàu có của khu vực Trung Đông.
Đâu là giải pháp?
Trước khi chính quyền Somalia có thể được củng cố để có thể đương đầu với nạn cướp biển, bản thân các chủ tàu đã phải tự vận động tìm ra những biện pháp bảo vệ tàu, thủy thủ, hàng hóa và hành khách của mình. Giải pháp đầu tiên nghe có vẻ đơn giản là trang bị vũ khí cho thủy thủ đoàn để có thể đánh lui những tên cướp. Vấn đề là mọi vũ khí có trên tàu theo nguyên tắc thường phải được khai báo mỗi khi tàu ghé vào hải phận một quốc gia nào đó.
Trong trường hợp hải quan phát hiện những loại súng không khai báo, con tàu thậm chí có thể bị tịch thu. Hơn nữa theo thống kê của Klaus Hympendahl, trong tổng số 46 vụ cướp gần đây nhất, chỉ có duy nhất 2 vụ các thủy thủ đã dùng vũ khí đuổi được bọn hải tặc.
Sự chống cự của họ trong nhiều trường hợp khác chỉ làm căng thẳng thêm tình hình, khiến các con tin sau đó sẽ bị đối xử thô bạo, hơn nữa là nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì vậy mà Văn phòng hàng hải quốc tế tại Singapore đã khuyên các thuyền trưởng và thủy thủ “nên bình tĩnh” mỗi khi bị cướp biển tấn công.
Một số chủ thuyền lại trang bị cho thủy thủ đoàn những vũ khí thuộc loại “bảo vệ thụ động” - chẳng hạn như loại súng âm thanh LRAD (Long Range Acoustic Device) có tác dụng làm đau tai đối phương. Một số công ty du lịch đường thủy lớn như Mediterranean Shipping Cruises, Carnival, Royal Carribbean hay Celebrity lại sử dụng một đội ngũ các chuyên gia an ninh được trang bị và huấn luyện tốt để đối phó với hải tặc. Ngoài ra, một vài tổ chức và công ty vận tải quốc tế còn tính tới khả năng mời hải quân các nước bảo vệ các tàu chở hàng của mình mỗi khi đi qua vùng lãnh hải đầy nguy hiểm của Somalia.
Linh Nga (tổng hợp)
- Thông tin liên quan:
Bài 1: Vấn nạn của Chính phủ Somalia