Báo động về nạn cướp biển tại châu Phi - Bài 1: Vấn nạn của Chính phủ Somalia

Báo động về nạn cướp biển tại châu Phi - Bài 1: Vấn nạn của Chính phủ Somalia
Báo động về nạn cướp biển tại châu Phi - Bài 1: Vấn nạn của Chính phủ Somalia ảnh 1
Chân dung một tên cướp biển Somalia

Thế giới một lần nữa lại phải lên tiếng cảnh báo về nạn cướp biển khi chỉ trong tháng 4 vừa qua tại khu vực vịnh Aden gần bờ biển Somalia đã có 3 con tàu là nạn nhân của bọn hải tặc: thuyền buồm du lịch “Le Ponan” của Pháp, tàu đánh cá “Playa de Bakio” của Tây Ban Nha và tàu “Al-Khaleej” của UAE.

Chiến dịch quy mô của hải quân Pháp

“Mùa làm ăn” của bọn hải tặc được bắt đầu vào ngày 4-4 vừa qua, sau khi chúng đánh chiếm chiếc tàu “Le Ponan” của Pháp, bắt giữ toàn bộ 32 thành viên thủy thủ đoàn và đòi một khoản tiền chuộc lớn.

May mắn là thuyền trưởng Patrick Marchesseau của con tàu này ngay trước khi bọn cướp trèo được lên boong đã kịp thời điện báo cho chiến hạm “Var” của hải quân Pháp, khi đó đang làm nhiệm vụ tuần tiễu vịnh Aden.
 
Đô đốc Gerard Valin - Tư lệnh lực lượng hải quân Pháp tại Ấn Độ Dương, khi đó đang có mặt trên chiến hạm “Var” - ngay lập tức thông báo vụ trên cho ban chỉ huy chiến dịch chống khủng bố “Enduring Freedom” của hải quân, còn được biết dưới cái tên Task Force 150. 

Một chiếc trực thăng cất cánh từ chiến hạm “Charlottetown” (Canada) đã phát hiện ra chiếc “Le Ponan” trước khi nó được bọn hải tặc lái đi mất dạng.
 
Song song với việc đàm phán nhằm chuộc lại con tàu, Pháp cũng tích cực chuẩn bị cho một chiến dịch quy mô nhằm dùng vũ lực để giải cứu các con tin. Các tàu chiến Pháp trước đó đã nhận được sự cho phép của Chính phủ Somalia được hoạt động trong vùng lãnh hải nước này.

Bản thân Tổng thống Abdullahi Yusuf Ahmed của Somalia cũng bày tỏ hy vọng, hải quân Pháp nhân chiến dịch này sẽ giúp “dọn sạch” những nhóm cướp biển, một vấn nạn mà Chính phủ Somalia hiện vẫn chưa đủ khả năng để xử lý.
 
Ngoài chiến hạm “Var” đã có mặt tại đây, Pháp đã điều thêm chiến hạm “Commandant Bouan” và tàu sân bay dành riêng cho trực thăng “Jeanne d’Arc” tới vịnh Aden. Tuy nhiên, chiến dịch vẫn phải hoãn lại một thời gian để chờ các đơn vị đặc nhiệm.

Một nhóm đặc nhiệm của hải quân Pháp cùng với một đơn vị chống khủng bố tinh nhuệ của hiến binh Pháp (tổng cộng khoảng 60 tay súng) đã tập trung từ trước tại một căn cứ ở Djibouti, rồi được nhảy dù xuống các tàu chiến của Pháp tại vịnh Aden.
 
Ngày 11-4, sau khi bọn cướp được trả 2 triệu USD tiền chuộc, chúng đã trả tự do cho thủy thủ đoàn, rời bỏ chiếc “Le Ponan”, nhảy lên một chiếc ca nô tốc độ cao hòng trốn chạy. Tuy nhiên, các máy bay trực thăng chở các tay súng đặc nhiệm đã ngay lập tức cất cánh để săn đuổi.

Sáu tên cướp đã bị bắt giữ, sau khi động cơ ca nô bị bắn cháy. Tất cả được áp giải về Pháp để xét xử, nơi gần như chắc chắn phải nhận những bản án chung thân. Nhiều người đã nghĩ rằng, một chiến dịch quân sự quy mô với sự tham gia của các tàu chiến và đặc nhiệm Pháp chắc chắn sẽ khiến những tên cướp còn lại phải “co vòi” ẩn náu. Nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy.
 
Vụ mất tích của tàu “Playa de Bakio”

Ngày 20-4, bọn hải tặc lại tấn công chiếc tàu đánh cá “Playa de Bakio” của Tây Ban Nha, đang đánh bắt cá ngừ tại Ấn Độ Dương. Trong tổng số 26 thủy thủ bị bắt làm con tin có 13 người Tây Ban Nha và 13 người châu Phi.

Có thông tin cho biết, bọn cướp trong quá trình tấn công chiếc tàu trên còn sử dụng cả súng phóng lựu khiến cho một thủy thủ bị thương. Cho tới thời điểm này, các nhà chức trách vẫn chưa xác định được vị trí của con tàu này.
 
Qua điện thoại di động của một thủy thủ, bọn cướp đã liên lạc với chủ nhân con tàu. Chúng giải thích bằng giọng tiếng Anh trọ trẹ rằng, vụ cướp trên chỉ đơn thuần là đòi tiền chuộc và các thủy thủ sẽ không nguy hiểm đến tính mạng.

Chính phủ Tây Ban Nha đã bắt đầu đàm phán với bọn cướp thông qua Đại sứ Nicolàs Martin Cinto của mình tại Kenya. Cùng lúc đó, chiến hạm “Mendez Nunez” của Tây Ban Nha đã được cử đến khu vực bờ biển Somalia. Phía Pháp cũng tuyên bố điều động toàn bộ căn cứ quân sự của mình tại Djibouti để giúp Tây Ban Nha.
 
Hiện vẫn chưa thể rõ phía Tây Ban Nha sẽ định giải quyết vụ việc trên bằng cách nào. Nhưng theo các đại diện Chính phủ Tây Ban Nha, trong bất cứ trường hợp nào vẫn phải đảm bảo an toàn cho tính mạng của các con tin.

Như vậy nhiều khả năng bọn cướp sẽ nhận được tiền chuộc. Dù sao, phương án sử dụng vũ lực vẫn không được loại trừ, nhất là khi chính quyền Somalia tỏ ý tham gia vào chiến dịch giải cứu con tin.

Nạn cướp biển đang trở thành vấn nạn khiến Chính phủ Somalia phải đau đầu và họ đang cố gắng tận dụng mọi cơ hội để giải quyết tình trạng này.

 

Vào ngày 22-4 vừa qua, Pháp và Mỹ đã cùng thống nhất đệ trình một dự thảo nghị quyết về đấu tranh chống nạn cướp biển để đưa ra xem xét tại Liên Hợp Quốc.

Dự thảo này có những điều khoản nhằm tăng cường tàu quân sự tuần tiễu tại những khu vực có nguy cơ cướp biển cao, cũng như yêu cầu có sự thừa nhận trên phạm vi quốc tế về quyền truy lùng những chiếc tàu hải tặc khi chúng lẩn trốn vào hải phận một quốc gia nào đó.

Dự thảo ngay lập tức nhận được sự ủng hộ của Tây Ban Nha, sau khi chiếc tàu “Playa de Bakio” của họ cũng bị bọn cướp đánh chiếm.
 

 LINH NGA (tổng hợp)


Bài 2: Bao giờ xóa sổ “thiên đường hải tặc”?

Tin cùng chuyên mục