
Cơn sốt đất đai và đô thị hóa đã chi phối, làm đảo lộn cuộc sống của không ít gia đình nông dân. Bên cạnh những hộ “mèo lại hoàn mèo”, vẫn có nhiều trường hợp thật sự đổi đời nhờ đất, là mảng sáng trong bối cảnh đổi thay đó...
- Khá lên nhờ đất
Nhờ ngay từ đầu đã có kế hoạch sử dụng đồng vốn “trên trời rơi xuống” một cách căn cơ, nên nhiều gia đình thoát nghèo trở nên khá giả. Có người vừa nhận được tiền đền bù đã nhanh chóng qua các tỉnh lân cận Đồng Nai, Long An, Tây Ninh... mua lại đất nông nghiệp để tiếp tục sản xuất. Nhưng đa số sau khi nhận tiền đền bù đều mua đất ngay tại địa phương hoặc vào những xã vùng sâu như Nhà Bè, Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ mua lại đất giá rẻ hơn để chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản...

Với tốc độ mua bán đất ồ ạt, căn nhà nhỏ của bà P.T.H. xã Tân Phú Trung, Củ Chi, TPHCM đã bị bao vây bởi “cây xi-măng” của những chủ đất mới.
Điển hình là ông T.V.G. ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh có miếng đất nằm cạnh hương lộ bán được 80 lượng vàng. Ông qua xã Tân Quý Tây mua miếng đất khác 65 lượng vàng để tiếp tục trồng lúa, còn 15 lượng ông xây một căn nhà nhỏ và làm vốn mua bán thức ăn gia súc. Hiện nay có người trả giá cả tỷ đồng nhưng ông không bán mảnh đất đó, vì nghề kinh doanh thức ăn gia súc giúp ông sống rất căn cơ.
Còn ông Đ.V.Đ. ở cùng xã, sau khi được đền bù 100 triệu đồng, đã mua 2 chiếc máy cày cho các con làm ăn với mục đích theo đuổi nghề nông. Anh Đổng Văn Minh, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, được người cha cho 1 ha đất ruộng, anh mạnh dạn chuyển nhượng hết phần đất này, lấy số tiền đầu tư mở xưởng sửa chữa nông ngư cơ.
Do chịu khó học hỏi, đến nay anh đã có cơ ngơi bạc tỷ, với 3 người con phụ giúp và 5 nhân công.
Hay như hộ anh Trần Văn Tài, ấp 2, Đông Thạnh, Hóc Môn. Gia đình đông con, làm ruộng không đủ ăn, anh đã bán đất mở lò bánh mì, nhờ “bắt đúng mạch” thị trường, mỗi ngày lò anh cung ứng hàng ngàn ổ bánh cho các nơi. Ngoài ra, nhận thấy nhu cầu về nhà ở của nhiều công nhân, anh đã xây một dãy nhà 6-7 căn cho thuê, mỗi tháng trừ các chi phí, còn thu được 3-4 triệu đồng. Ông Đỗ Lưu Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND quận 12 cho biết, nhiều gia đình thấy được bài học nhãn tiền của những hộ đi trước đã ý thức hơn việc sử dụng đồng vốn.
- Nghèo khó cũng vì... đất
Giám đốc Sở Lao động-Thương binh-Xã hội TPHCM Lê Thành Tâm cho biết, chỉ riêng huyện Củ Chi đã có hàng ngàn ha phải giải tỏa đền bù để thực hiện các dự án công nghiệp và công trình phúc lợi như: Thảo Cầm viên Sài Gòn (500ha), phim trường (70ha), dự án cụm công nghiệp Samco và cơ khí TP (300ha), Khu CN Tây Bắc (giai đoạn đầu 650ha)... Vì thế, sẽ có hàng chục ngàn nông dân nhận đền bù với số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu chỉ lo đền bù, giải tỏa mà xem nhẹ chuyện tư vấn và tái định cư cho bà con khi nhận số tiền quá lớn sẽ khó tránh khỏi trường hợp trở lại đói nghèo như đã xảy ra ở nhiều địa phương thời gian qua.
Ông Võ Văn Tốt, Chủ tịch Hội Nông dân quận 12 cho biết, nhiều bà con nhận tiền đền bù tiêu xài hoang phí, nhưng nếu nhắc nhở nên sử dụng tiền đúng mục đích liền bị phản ứng “tiền của tui, việc gì mà dòm ngó!”. Bà Trần Ngọc Tuyết, Trưởng phòng-LĐ-TB-XH huyện Hóc Môn cho rằng, đây là thực trạng đáng báo động ở ngoại thành. Nếu không có biện pháp cụ thể, sẽ còn nhiều hộ nông dân lâm vào cảnh đói nghèo, trở thành gánh nặng xã hội.
- Cần có biện pháp cụ thể
Có ý kiến cho rằng, chính quyền địa phương cần tổ chức những buổi họp, mời bà con đến tư vấn một cách cụ thể, sử dụng số tiền đó như thế nào cho phù hợp và đúng với khả năng từng gia đình. Đội ngũ tư vấn cũng có thể đến từng gia đình để hướng dẫn cách thức sử dụng đồng tiền sao cho hiệu quả; giúp cho con em nông dân học nghề. Ông Lê Văn Hiệp, Trưởng ban Xóa đói giảm nghèo huyện Hóc Môn cho rằng, cần tập trung việc giáo dục, đào tạo. Ai chưa có nghề buộc phải học nghề.
Theo ông Nguyễn Văn Tươi, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, để ngăn chặn tình trạng này, huyện đã chỉ đạo ban giải phóng mặt bằng hướng dẫn nông dân gửi tiền vào ngân hàng và lo hết thủ tục để giữ tiền cho nông dân. Nhưng do thiếu trình độ học vấn và tuổi cao nên việc đào tạo nghề cho nông dân để trụ lại trên mảnh đất đô thị hóa không phải là chuyện đơn giản. Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè Võ Minh Thành kiến nghị, khi lập Khu CN, nên quy hoạch khu dịch vụ phục vụ. Dân di dời sẽ sống bằng nghề dịch vụ “ăn theo” KCN này (bán đồ ăn uống, cho thuê chỗ ở...).
Đồng quan điểm này, ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở LĐTBXH đề nghị, chủ đầu tư và chính quyền cần bố trí khu tái định cư ở những vị trí thích hợp, sao cho người dân khi vào ở có thể sống bằng những nghề dịch vụ, phục vụ khu đô thị hay khu công nghiệp. Chính quyền địa phương phối hợp với chủ đầu tư đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con em nông dân khi không còn đất sản xuất. Nhưng thời gian qua những vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức. Qua khảo sát ban đầu, chỉ có 20% số hộ di dời vào ở các khu tái định cư.
NHÓM PV NÔNG THÔN
Các tin, bài liên quan:
Bài 1: Tỷ phú trở thành... tay trắng