Tuyển sinh đại học - cao đẳng 2005

Bài 2: Cơ chế cũ không còn thích hợp

Bài 2: Cơ chế cũ không còn thích hợp

Trong tình hình giáo dục đại học (GDĐH) càng có vai trò quan trọng tác động đến sự phát triển KT-XH, tiếng nói chung của nhiều nhà giáo là : hãy nhanh chóng cấu trúc lại hệ thống giáo dục để đẩy nhanh tiến độ đại chúng hóa giáo dục ĐH Việt Nam. Một khi hệ thống GDĐH được cấu trúc lại theo kịp tình thế mới thì mọi cơ chế hoạt động xoay quanh nó cũng phải được đổi mới . Thế nhưng, Bộ GD-ĐT lại cố quản lý nó trong một “chiếc áo” quá chật. Phải chăng vì vậy mà công tác tuyển sinh vừa qua của bộ gặp sự phản ứng trong dư luận?

  • Đại chúng hóa” - “chiếc áo mới”của hệ thống đại học

Khi đề cập đến vấn đề này, PGS. TS Nguyễn Thiện Tống, ĐH Bách khoa TPHCM đã phân tích cụ thể: GDĐH trên thế giới đang trải qua một quá trình phân hóa hàng ngang với các ĐH công, ĐH tư, ĐH bán công… để đáp ứng nhu cầu gia tăng về mặt số lượng của GDĐH. Và sự phân hóa hàng dọc xẩy ra để đáp ứng nhu cầu khác nhau về các loại kỹ năng của GD ĐH, phục vụ thị trường lao động đa dạng.

Bài 2: Cơ chế cũ không còn thích hợp ảnh 1

Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ thay đổi hàng năm làm học sinh lo lắng

GS.TS Ngô Văn Lệ, Hiệu trưởng ĐH KHXH-NV TPHCM cũng cho rằng: sự phân tầng ĐH là một tất yếu trong quá trình phát triển của GDĐH, để tiếp cận với xu thế chung của thế giới. Vì mỗi loại hình đào tạo ĐH có những chuẩn riêng của nó. Do đó đầu vào không thể đòi hỏi như nhau được.

Tuy cùng ý kiến, song PGS.TS Lê Bảo Lâm, Hiệu trưởng ĐH Mở – bán công TPHCM nhìn vấn đề ở góc cạnh: Nếu cứ tuyển sinh theo kiểu “tinh hoa”, loay hoay với điểm sàn như hiện nay, thì ĐH đào tạo ra toàn bác học, lấy ai làm việc cụ thể. Vấn đề cốt lõi là làm sao tuyển được người phù hợp với ngành nghề.

Dòng quan điểm này của số đông các nhà giáo, có được Bộ GD-ĐT đồng tình? GS. TSKH Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT trong một lần trả lời phỏng vấn của báo chí đã thừa nhận: Nền GDĐH Việt Nam đang phải phân tầng, thích ứng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội Việt Nam. Trong xu thế hội nhập, ĐH Việt Nam phải thống nhất với cấu trúc nền GDĐH các nước phát triển. Qua tuyển sinh, có thể thấy ĐH Việt Nam chia làm 3 loại hình: Loại thứ nhất, đào tạo 5-10% nguồn nhân lực tinh hoa. Loại thứ hai, đào tạo 50%-60% nguồn nhân lực để làm việc và góp phần sáng tạo ra việc làm. Loại thứ ba, chiếm 25-30%, chủ yếu để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng nguồn nhân lực theo đặc điểm ngành nghề, vùng miền, địa phương.

Vấn đề đến đây đã khá rõ ràng, ai cũng thấy hệ thống ĐH Việt Nam đang trên đường chuyển động theo xu thế mới của thời đại. Song, vì sao bộ vẫn ôm khư khư cơ chế tuyển sinh cũ với những việc làm mâu thuẫn, phản khoa học?

  • Hứa giao “tự chủ”, làm thiệt thì...vẫn ôm

Thủ tướng Phan Văn Khải tại Hội nghị triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ngày 17-4-2002 đã nhấn rất mạnh đến việc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục. Thủ tướng chỉ đạo 3 điểm rất cụ thể: Thứ nhất, phân biệt giữa hoạt động quản lý hành chánh về GD của các cơ quan quản lý nhà nước với hoạt động tác nghiệp của các cơ sở GD-ĐT. Mở rộng đích đáng quyền và trách nhiệm tự chủ của các trường.

 - Nền giáo dục đại học được xem là dành cho số ít người, khi tỷ số sinh viên so với số thanh niên ở độ tuổi ĐH thấp hơn 15%. Được xem là đại chúng hóa khi tỷ số đó đạt từ 15-50%. Và, được gọi là phổ cập hóa khi tỷ số đó đạt trên 50%.
- Hiện nay tỷ số trên độ tuổi của SVĐH ở Canada và Mỹ là trên 80%, Hàn Quốc trên 70%, ở các nước OECD trung bình trên 50%, Trung Quốc đạt tỷ lệ 18%. Trong khi Việt Nam tỷ lệ chỉ khoảng 8%. 

Hai là, phân định ranh giới về chức năng quản lý nhà nước giữa Bộ GD-ĐT với các bộ liên quan. Ba là, phân cấp quản lý rõ ràng, dứt khoát, nhất quán giữa trung ương và các cấp chính quyền địa phương trong quản lý giáo dục, theo hướng mở rộng quyền hạn và trách nhiệm của chính quyền tỉnh, huyện xã; giao quyền hạn và trách nhiệm đi đôi với giao nguồn lực, phương tiện và điều kiện tương xứng, tránh trùng lặp, chồng chéo.

Sau đó trong nhiều văn bản, tổng kết của Bộ GD-ĐT đều có nhiều hứa hẹn đã và đang mở rộng quyền tự chủ cho cơ sở, và “từng bước khắc phục tình trạng sa đà vào các hoạt động tác nghiệp”. Thế nhưng, chỉ qua công tác tuyển sinh cho thấy bộ đã ôm các hoạt động tác nghiệp đến dường nào.

PGS.TS Ngô Doãn Đãi, ĐH QG Hà Nội đã thống kê những việc “ôm” của bộ: Ngày tổ chức kỳ thi – bộ quy định; việc phát hành hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh và việc nhận hồ sơ – bộ quy định; hình thức ra đề thi, việc làm đề thi - bộ quy định và chỉ đạo; tổ chức thi và coi thi – bộ quy định và điều hành; xây dựng điểm chuẩn và việc xét tuyển – bộ chỉ đạo và điều hành !?

TS Phạm Văn Năng, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế TPHCM tính toán: Thi tuyển sinh kiểu này, chí ít cũng phải tốn trên 2 tỷ đồng mỗi mùa thi. Chi phí đó của ai đi nữa thì cũng gây thiệt hại cho xã hội.

Bức xúc, giảng viên cao cấp Nguyễn Quốc Bảo, Phó hiệu trưởng ĐHDL Kỹ thuật Công nghệ TPHCM đề nghị: cải tổ hệ thống GD từ chuyên nghiệp đến ĐH; cấu tạo chương trình liên thông trong toàn hệ thống; cải tiến các hình thức đào tạo. Và phải có cách học linh hoạt cho SV, họ có thể chuyển đổi thời gian học tập. Trên cơ sở đó xác định phương thức tuyển sinh mới.

Phải chăng gánh nặng tuyển sinh đặt hết lên vai bộ, và bộ “phải” làm cả những công việc tỉ mẩn thay cho trường, nên không chú ý đến công việc của chính mình: Định hướng các cơ chế tổ chức hoạt động và quản lý giáo dục trong tình hình mới của giáo dục!?
 
MAI – THẢO – AN

Bài 1: Tuyển sinh “đèn cù” - bao giờ chấm dứt?

Tin cùng chuyên mục