
Hầu hết các quán cơm trên tuyến đường Bắc – Nam đều có một vài “mối” là những xe khách đường dài và mỗi lần ghé vào, nhà xe gồm gần chục người đương nhiên được phục vụ ăn uống miễn phí. Để “lo” cho khoản này, các chủ quán cơm chỉ còn một cách là “chặt”, “chém” khách đi đường vì biết rõ những “thượng đế” này không có sự lựa chọn nào khác. Đồng hành với nạn “chém”, “chặt”, trên suốt tuyến đường Bắc – Nam còn có nạn “mãi lộ” hoạt động công khai và hậu quả gánh chịu bao giờ cũng thuộc về những hành khách đáng thương.
- Không ăn thì... nhịn!
Tại các quán cơm dọc đường, mặc dù khách vào ăn không bị ép và phía ngoài cũng không còn những hàng rào “nhốt” như trước kia nhưng nếu ai đã từng ăn những bữa cơm “bụi” này đều có ấn tượng hãi hùng mỗi khi nhắc đến. Tại quán cơm Cư dưới chân đèo Mang Yang (tỉnh Gia Lai), một đĩa cơm giá 15 ngàn đồng chỉ có 3 miếng trứng chiên bằng hai ngón tay và ít dưa khú lót phía dưới. Cơm thì nguội lạnh, đóng cục không sao nuốt nổi. Một số khách gọi món thịt kho thì thịt có mùi ôi thiu, đành bỏ luôn cả đĩa cơm.

Một bác hành khách độ hơn 50 tuổi suốt từ hôm qua đến giờ cứ lên xe là ói xanh cả mặt, cũng cố nuốt vài cục cơm cho lại sức để đi tiếp. Do không thể ăn được món thịt kho đã dậy mùi ôi, bác lên tiếng hỏi xin ít nước tương với quả ớt liền bị cô chủ quát: “Trong cơm có nước thịt rồi, xin gì nữa. Một suất ăn chỉ thế thôi, không ăn thì nhịn!”. Tại quán cơm Thanh Thủy, trên quốc lộ 1A đi qua tỉnh Bình Định; quán Yên Ngân ở ngoại ô thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), mỗi đĩa cơm có giá từ 13 đến 15 ngàn đồng nhưng đều là cơm nguội, vón cục và thức ăn chỉ loe ngoe vài cọng rau kèm quả trứng, hoặc mấy miếng thịt mỡ.
Phần lớn các quán ăn này rất mất vệ sinh. Bàn ghế được xếp thành dãy cáu bẩn, bụi bậm; đũa, muỗng thì chỉ nhìn thôi đã có cảm giác không thể nuốt cơm. Các bữa ăn trên đường cũng không theo giờ giấc nhất định vì nhà xe chỉ dừng lại khi đã đến quán “ruột”, mặc cho bữa trưa có thể đến 2, 3 giờ chiều mới được ăn. Chịu trận hơn 2 ngày đường và phải ăn những bữa cơm thiu, thịt ôi với giá cắt cổ này, một hành khách đi trên xe 19L-4692, đã thốt lên: “Có đến chết, tôi thề không bao giờ bước lên những chiếc xe này nữa”.
- Tất cả các xe “dù” đều vô tư qua trạm
Một ghi nhận khác của chúng tôi trên dọc tuyến đường từ Nam ra Bắc là nạn “mãi lộ” hoành hành cánh tài xế xe khách như một thứ “luật” bất thành văn. Suốt hơn 2 ngày đường, chúng tôi đã đếm được có tất cả 28 trạm kiểm soát của cảnh sát giao thông (trung bình mỗi tỉnh 2 trạm) – mà bất cứ xe khách nào muốn qua đều phải làm “luật”. Anh Thành, tài xế xe 98K-4239 cho biết, trạm ít phải chung chi 50 ngàn đồng, trạm nhiều phải 200 ngàn đồng mới qua được. Tận mắt chứng kiến những trạm kiểm soát dọc đường này, chúng tôi thấy, khi thực thi nhiệm vụ, không hề có một cảnh sát giao thông nào bước lên xe kiểm tra xem có bao nhiêu hành khách và trên xe chở hàng hóa gì. Vậy họ kiểm soát cái gì?
Qua quan sát, chúng tôi thấy, khi phát hiện có trạm kiểm soát từ xa, người phụ xe nhét tiền vào cuốn sổ, chạy tới trình vào tay cảnh sát giao thông là qua trạm “vô tư”. Có những đoạn như chân đèo Mang Yang, đèo An Khê tiếp giáp giữa 2 tỉnh Gia Lai và Bình Định - đoạn đường chỉ hơn 10 cây số nhưng có tới 4 trạm kiểm soát (!?). Dòng xe cứ nối đuôi nhau qua trạm và thời gian làm “thủ tục” chỉ chưa đầy 2 phút là xe tiếp tục lăn bánh.
Tại trạm kiểm soát km số 610 quốc lộ 1A, thuộc địa phận xã Quảng Tùng, huyện Quảng Trạch (tỉnh Quảng Bình), một CSGT sau khi kiểm tra trong cuốn sổ mà người phụ xe trình phía trong có kẹp tờ 50 ngàn đồng, liền quát: “Yêu cầu lái xe cho kiểm tra bằng lái và giấy tờ xe”. Vừa nghe đến đó, người lái xe mặt cắt không còn giọt máu vội buông tay lái lẩn nhanh vào hàng ghế giữa trốn biệt.
Chủ xe vội nhét thêm 2 tờ 100 ngàn đồng cho một lái phụ chạy xuống trình cho cảnh sát. Chỉ trong nháy mắt, anh này đã xong “thủ tục” và bước về xe, vào vị trí lái. Đến lúc này, mọi người trên xe mới tá hỏa khi biết người đã lái chiếc xe 19L-4692 chở họ trên quãng đường hơn 300 km vừa qua không hề có giấy phép lái xe. Một khách trên xe lên tiếng: “Không có bằng lái sao lại điều khiển xe với cả trăm hành khách, lỡ có gì thì sao?”. Chủ xe ngồi phía trên vội lên tiếng: “Cháu nó lái tốt chứ có sao đâu, có bằng lái chắc gì đã an toàn (!?)”.
- Nguy cơ tai nạn luôn rình rập
Theo quy định, lái xe các tuyến đường dài không được lái liên tục trong 6 giờ đồng hồ. Trên thực tế, quy định này rất ít được chủ xe thực hiện. Như tài xế của xe 98K-4239, tiết lộ: “Một ngày trên đường chỉ chợp mắt được 2, 3 tiếng. Nhiều lúc buông lái ra là không còn biết gì hết”. Do tiết kiệm chi phí của mỗi chuyến đi, nhiều chủ xe chỉ thuê một lái chính và sử dụng các phụ xe lên thay để lái chính tranh thủ ngả lưng. Những tháng cận tết, xe quay đầu liên tục và người lái xe chỉ được nghỉ ngơi thời gian ít ỏi ở 2 đầu bến, sau đó lại tiếp tục ôm vô lăng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây là nguyên nhân chính khiến cho nhiều tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra thời gian qua trên tuyến đường Bắc – Nam.
Sẽ còn vô số điều ngang trái đã tai nghe mắt thấy trên suốt chuyến xe “dù” Nam- Bắc mà tác giả bài viết này không thể kể hết vì giới hạn của bài báo. Điều bức xúc nhất cần phải cảnh báo là tình trạng xe “dù” “hành” khách đang tồn tại, là nguy cơ tai nạn giao thông thảm khốc luôn “rình rập”, bất cứ lúc nào đều có thể “đổ ập” xuống đầu hàng chục cho đến hàng trăm sinh mạng, là sự vô cảm thậm chí vô trách nhiệm của một số cảnh sát giao thông trước những chuyến xe “hành” khách… Báo chí đã cảnh báo nhiều, dư luận đã lên tiếng mạnh mẽ, Chính phủ cũng đã có ý kiến chỉ đạo không ít lần, vậy mà “đâu vẫn hoàn đó”. Vì sao?
Bài 1: Hành trình xe “dù” Tết
PHẠM HOÀI NAM