Đến với những anh hùng

Bài 2: Người bảy lần được gặp Bác Hồ

Bài 2: Người bảy lần được gặp Bác Hồ

A Lưới chon von vắt vẻo ở lưng chừng dãy Trường Sơn hùng vĩ, đây là nơi sinh sống của các dân tộc anh em Pa Kô, Vân Kiều, Pa Hy, Cơ Tu... Mảnh đất này trong kháng chiến đã sinh ra tám AHLLVT. Anh hùng trong chiến tranh thì Việt Nam, nơi đâu cũng có, nhưng một dòng họ Pa Kô có tới bốn AHLLVT trong đó có một nữ là Hồ Kan Lịch thì chỉ nghe nói ở A Lưới (Thừa Thiên - Huế).

  • Lên nương nghe kể chuyện
Bài 2: Người bảy lần được gặp Bác Hồ ảnh 1
Bác Hồ và các Anh hùng LLVT miền Nam, từ phải sang, hàng sau, người thứ nhất là Anh hùng Hồ Kan Lịch. Ảnh: T.L.

Trường Sơn mùa này sụt sùi mưa. Căn nhà của Kan Lịch nép mình bên đường Hồ Chí Minh. Tận dụng điều này, chị mở quán cà phê kiếm đồng ra đồng vào. Không có khách, quán tồn tại được hai tháng thì đóng cửa. Kan Lịch bảo đây là lần làm ăn thất bại thứ... nhiều rồi, chị không thức thời với thị hiếu thì đành chịu vậy, chỉ một thứ mà ba chục năm nay giúp kinh tế gia đình bớt khó khăn, con cái học hành tới nơi tới chốn, dựng vợ gả chồng được cho chúng... là các mùa rẫy.

Kan Lịch nói: “Làm rẫy là tốt nhất, rẫy đã nuôi mình trưởng thành để chiến đấu, cũng như nuôi sống những đồng bào anh em khác trong vùng, rừng núi Trường Sơn đâu có phụ bạc mình”.

63 tuổi, chị vẫn từng ngày lên nương. Tôi theo chân chị lên núi A Bung, nơi Kan Lịch chuẩn bị thu hoạch gần 5ha sắn, cà phê và nhiều thứ cây khác. Bước chân chị vượt dốc thoăn thoắt, nước da đồng hun càng đi càng đỏ au. Dọc đường, chị chẳng nói nhiều về thành tích, gặng mãi tôi mới nghe kể đôi điều, sau những làn thuốc rê.
 
Anh hùng Hồ Kan Lịch sinh năm 1943, 13 tuổi theo cách mạng làm liên lạc bí mật, năm 14 tuổi bị bắt giam cùng chú ruột là AHLLVT Hồ Đức Vai. 18 tuổi, Kan Lịch đã là nữ Đảng viên cộng sản đầu tiên của dân tộc Pa Kô rồi. Lúc thoát khỏi nanh vuốt chúng, chị chiến đấu trong tình thế không có cơm ăn, nước uống luôn thiếu nhưng vẫn bắn cháy máy bay Mỹ (1967) ngay cạnh sân bay A Lưới, tiêu diệt 60 lính Mỹ chuẩn bị đi càn.

Kan Lịch chiến đấu giỏi nên 160 chị em du kích người dân tộc ở A Lưới theo chị. Giặc Mỹ mỗi lần nghe đến đội du kích Kan Lịch là run sợ bỏ chạy không dám giáp mặt. Những thành tích đó Kan Lịch cứ nói là thành tích của tập thể, chẳng nhận riêng về mình.

  • Bảy lần gặp Bác Hồ
Bài 2: Người bảy lần được gặp Bác Hồ ảnh 2

Tuy đã 63 tuổi nhưng Anh hùng Hồ Kan Lịch vẫn hàng ngày lên nương lên rẫy chăm lo sản xuất. Ảnh: DƯƠNG NGUYỄN

Sau Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần hai, nữ AHLLVT người Pa Kô Hồ Kan Lịch được vinh dự ra Bắc gặp Bác Hồ. Trên đường đi dọc đại ngàn Trường Sơn, Kan Lịch bị sốt rét hành hạ đến mức tự cắn... đứt lưỡi, may có những bác sĩ giỏi giúp Kan Lịch nối lại lưỡi để nói chuyện được với Bác Hồ.

Kan Lịch kể rằng: “Biết mình là người Thừa Thiên - Huế nên Bác đã dặn nhà thơ Tố Hữu bảo nhà bếp chuẩn bị món ăn Huế. Nhìn Bác gắp thức ăn và lo cho mình ăn, mình chỉ biết nhìn Bác khóc rồi thưa rằng: Cháu là người dân tộc, tuy ở Huế nhưng sống khổ trong núi quen rồi, ăn gì cũng được, không cần cầu kỳ đâu Bác ạ! Mình thật vinh dự và sung sướng khi trong hai năm 1967-1968 được bảy lần gặp Bác Hồ, trong đó có năm lần được ăn cơm cùng Bác.

Bác còn dặn mình: Cháu trở về trong đó nhớ chuyển lời Bác thăm hỏi đồng bào, cháu nói với các dân tộc anh em rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta nhất định thắng lợi, hãy đoàn kết để đánh thắng giặc. Cháu Lịch à, làm ra Anh hùng đã khó mà giữ Anh hùng lại khó hơn. Những câu nói đó, mình ghi trong dạ suốt đời”.

Hôm ấy, mỗi người được Bác Hồ tặng một chiếc đồng hồ. Riêng Kan Lịch, Bác tặng thêm chiếc đài bán dẫn để chị về cùng đồng bào nghe thời sự, để có cảm giác gần Bác và miền Bắc hơn. Khi được Bác hỏi về chuyện có thích đi học tập ở Liên Xô không, Kan Lịch thưa: “Thưa Bác, cho cháu xin được trở về miền Nam chiến đấu, đợi đến ngày hai miền Nam - Bắc đoàn tụ, cháu đón Bác vào thăm miền Nam được rồi thì đi học mới ưng cái bụng!”. Khi ấy, mọi người thấy Bác Hồ rơi nước mắt...

  • Làm Anh hùng khó, giữ khó hơn!

Sau ngày nghỉ hưu, người dân A Lưới ngày nào cũng thấy Kan Lịch lên nương lên rẫy chăm lo sản xuất. Cơ ngơi của chị nay có nhiều trâu trên núi, lắm bò bên đồi, ruộng nước luôn cho lúa năng suất cao, sắn bắp luôn sẵn trong nhà không khi nào thiếu đói. Chị không những cật lực làm cho gia đình mình mà còn hướng dẫn bà con, các đồng bào anh em cùng làm. Chị tất bật trong mọi công việc xã hội, vừa nói vừa làm nên được nhân dân trong vùng tin yêu, họ coi chị như ngọn đuốc sáng dẫn đường cho bà con noi theo để tiến kịp miền xuôi.

Gia đình Kan Lịch được đánh giá là gia đình gương mẫu nhất A Lưới, chỉ sinh hai con, con trai đầu sinh năm 1974 hiện làm công an tại thị trấn, con gái út làm truyền thông kế hoạch hóa gia đình. Nuôi con ăn học thành người, chị còn nuôi thêm 6 đứa cháu mồ côi. Nay các cháu đã trưởng thành, ai cũng ra riêng và được Kan Lịch làm cho căn nhà để bắt đầu xây dựng cuộc sống riêng.

Dân bản vùng A Lưới mỗi khi nhắc về thiếu tá Kan Lịch thường tự hào kể rằng mỗi tháng, khi nhận lương hưu hai triệu mốt (hai triệu một trăm ngàn đồng), chị phân phát cho những người khó khăn trong vùng như sự hỗ trợ về vốn để đồng bào làm ăn.

Chị làm tự giác, không lấy lãi, thậm chí có khi không đòi lại vốn. Chúng tôi hỏi chuyện này, chị nhoẻn cười: “Dân bản mình nghèo, Kan Lịch có cái gì thì bà con có cái đó mà”. Nghe vậy chúng tôi nói vui: “Bác Hồ bảo làm ra Anh hùng đã khó, giữ được Anh hùng lại khó hơn, Hồ Kan Lịch làm được rồi đấy...”. Hồn hậu như bông hoa rừng, Kan Lịch nói: “Chưa đâu, mình phải đảm đang việc nhà, việc xã hội đến khi chết mới nói là giữ được danh hiệu Anh hùng”.

 Chia tay chị về xuôi, bên dòng suối A Ki, chị tiễn chúng tôi bằng giọng hát trong veo: “... vì đất nước quê hương em bước lên đường, dù gian khổ vượt núi băng rừng, dù mưa bom em vẫn không ngại chi. Đi cứu nước, giữ núi rừng, gùi trên vai súng đạn ra hỏa tuyến, gạo ngàn cân em gùi tới chiến trường, để bộ đội chúng ta ăn no mà đánh thắng. Giặc chưa hết em chưa về dù rừng thương núi nhớ, người con gái Pa Kô con cháu Bác Hồ... ê...!”.

 Ấn tượng từ những AHLLVT trong một dòng họ Pa Kô với những cái tên Hồ Kan Lịch, Hồ Đức Vai, Hồ A Nun, Hồ Dục cứ xoắn lấy tâm trí chúng tôi. Mỗi cái tên như thế làm cho người ta nhớ đến chiến công của họ trong chiến đấu và trong sử sách, những chiến công anh hùng chỉ có ở thời đại Hồ Chí Minh.

MINH ANH-DƯƠNG NGUYỄN


Bài 1: Tên anh tạc vào đá núi

Tin cùng chuyên mục