“Cơn bão” mới trên chính trường Mỹ

Bài 2: Những “đồng phạm” trực tiếp

Bài 2: Những “đồng phạm” trực tiếp

Những gì được tiết lộ trong cuốn sách cho thấy, không chỉ tuyên truyền những thông tin gian lận, chính quyền Bush còn tìm mọi cách ngăn chặn những thông tin được coi là không có lợi.

Phê phán mọi người nhưng không cho mình là vô tội

Bài 2: Những “đồng phạm” trực tiếp ảnh 1
Scott McClellan khi còn là phát ngôn viên Nhà Trắng

Điển hình như một trường hợp hồi tháng 9-2002, khi Larry Lindsey (cố vấn kinh tế hàng đầu của Bush) nói với phóng viên tờ The Wall Street Journal rằng, chi phí của cuộc chiến Iraq nếu diễn ra sẽ phải nằm trong khoảng từ 100 tỷ đến 200 tỷ USD.

Ông Bush khi biết được chuyện này đã nổi giận và nói rằng, những phát biểu của viên cố vấn kinh tế này là “không thể chấp nhận được”. “Lindsey đã vi phạm nguyên tắc kỷ luật đầu tiên của Nhà Trắng dưới thời Bush: Đó là không được phép nêu ra những thông tin mới trừ khi bạn được phép làm như vậy” - McClellan viết trong cuốn sách.

Hậu quả là 4 tháng sau, Lindsey buộc phải ra đi với lý do phải thay đổi lại đội ngũ cố vấn kinh tế của Bush.

Cựu phát ngôn viên Nhà Trắng cũng có thái độ không thân thiện lắm với Ngoại trưởng Condolezza Rice. Theo ông ta, trên cương vị cố vấn an ninh quốc gia khi đó, bà Rice “đôi khi đã quá tốt bụng”, sẵn sàng né tránh mọi chuyện để bảo vệ uy tín của bản thân mình.

“Không quan trọng ở chỗ mọi chuyện diễn ra như thế nào, bà ấy dù sao luôn có khả năng giữ cho mình được đôi tay sạch -  McClellan giải thích trong cuốn sách - Bà ấy biết cách thích nghi với những rắc rối, nhắm mắt trước những vấn đề gay cấn và trong bất cứ tình huống nào vẫn thể hiện mình là một ngôi sao”.

Phê phán mọi người nhưng McClellan cũng không cho mình là kẻ vô tội. “Trong nhiều trường hợp, tôi đã không thể hành động đúng theo kiểu mẫu của một nhân viên nhà nước dù tôi rất muốn làm theo” -  McClellan thừa nhận như vậy.

Ông ta không quên gọi một số phương tiện truyền thông đại chúng là “kẻ đồng phạm trực tiếp” trong chiến dịch thông tin giả của Nhà Trắng ngay trước cuộc chiến Iraq.

“Đó không phải là Scott của chúng tôi!”

Cuốn hồi ký của Scott McClellan không phải là chuyện quá hiếm trên chính trường Mỹ. Trước đó đã có nhiều cựu quan chức của chính quyền Bush khi về nghỉ cũng cho công bố những hồi ký với không ít nội dung phê phán gay gắt nhằm vào tổng thống.

Chẳng hạn như mới chỉ vài tuần trước, độc giả Mỹ cũng vừa được giới thiệu về cuối hồi ký của trung tướng về hưu Ricardo Sanchez, người đã gay gắt buộc tội Bush và các cố vấn thân cận của mình về “khả năng thiếu hiểu biết không thể chấp nhận được và những chính sách vi phạm nghĩa vụ quân sự”.

Nhưng cuốn sách của McClellan có những đặc điểm riêng đáng chú ý. Thứ nhất, không ai trong số những “công tố viên” trước đây lại gần gũi với Bush đến như vậy. Thứ hai, McClellan khác với những trường hợp trên ở chỗ, trong suốt quá trình làm việc tại Nhà Trắng, ông ta không hề tỏ rõ bất cứ dấu hiệu nào khiến các ông chủ tại đây nghi ngờ về lòng trung thành của mình.

McClellan (người vừa tròn 40 tuổi vào tháng 2 vừa rồi) làm phát ngôn viên của Nhà Trắng từ tháng 7-2003 cho đến tháng 4-2006. Xuất thân từ một gia đình chính trị có nòi tại Austin (Texas), McClellan bắt đầu tham gia hoạt động chính trị vào năm 1990, khi chỉ đạo một vài chiến dịch tranh cử ở cấp bang dưới sự hỗ trợ của mẹ mình, về sau trở thành người đứng đầu cơ quan giám sát tài chính tại Texas.

Một thời gian sau, Karen Hughes (một nhân vật thân cận của Bush) đã lôi kéo McClellan vào bộ sậu của Bush (lúc đó đang là thống đốc bang Texas). Nhanh chóng chiếm được lòng tin của sếp, McClellan ngay từ năm 1999 đã được cử làm phát ngôn viên cho ông Bush.

Tiếp đó, ông ta làm phát ngôn viên cho chiến dịch tranh cử của liên minh Bush-Cheney năm 2000, rồi trở thành phó của người tiền nhiệm Ari Fleischer vào giai đoạn đầu trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Bush.

Trong suốt con đường thăng tiến sự nghiệp của mình cho đến khi chính thức trở thành phát ngôn viên hàng đầu của Nhà Trắng, McClellan ngoài việc chính thức công bố những quan điểm của chính quyền Bush đã không ít lần bảo vệ ông này (trong tổng cộng khoảng 300 bài phát biểu khác nhau trong suốt hơn 2 năm) trước vô số những lời chỉ trích của phe đối lập.
 
Sau khi cuốn hồi ký được công bố, cựu cố vấn Karl Rove đã phải lên tiếng với vẻ phẫn nộ cho rằng, McClellan khi còn làm việc tại Nhà Trắng chưa bao giờ tỏ vẻ nghi ngờ về chính sách chung cũng như những quyết định của tổng thống.

“Nghịch lý” về cuốn sách này cũng là lời nhận xét của một cựu quan chức Nhà Trắng Dan Bartlett, người trong giai đoạn 2002-2007 từng là cố vấn về quan hệ công chúng của Bush. Barlett cũng nhận xét rằng, McClellan như ông ta tự giới thiệu về mình trước độc giả cuốn sách hoàn toàn khác hẳn với McClellan mà các đồng nghiệp đã biết đến trước đó. “Đó không phải là Scott của chúng tôi” - Bartlett phát biểu như vậy.


LINH NGA (tổng hợp)
(SGGP 12G)


Bài 3: Phản pháo từ đồng nghiệp cũ


Thông tin liên quan: 
-
Bài 1:Cú đâm từ sau lưng George Bush

Tin cùng chuyên mục