Họ đã thành công như thế nào?

Bài 2: Ông trùm thời trang may sẵn tại châu Âu

Bài 2: Ông trùm thời trang may sẵn tại châu Âu

Trong số không nhiều các tỷ phú tại cựu lục địa xây dựng đế chế từ con số không không thể không nhắc tới Amancio Ortega, người sáng lập hãng thời trang Zara nổi tiếng toàn thế giới với tài sản cá nhân lên tới 24 tỷ USD…

Bài 2: Ông trùm thời trang may sẵn tại châu Âu ảnh 1
Amancio Ortega

Amancio Ortega sinh ra tại miền Bắc Tây Ban Nha trong một gia đình nghèo khó. Trước khi trở thành tỷ phú, Ortega đã trải qua tất cả mọi giai đoạn thăng trầm của cuộc đời - một cậu bé làm việc sai vặt, người bán hàng tại cửa hiệu quần áo, ông chủ một hiệu may nhỏ trước khi trở thành chủ nhân một cửa hàng thời trang đầu tiên vào năm 1975. Và cửa hàng này giờ đây đã phát triển thành một mạng lưới kinh doanh toàn cầu với tổng cộng 1.142 cửa hàng tại 68 quốc gia khác nhau.

Zara chỉ là một nhãn hiệu của tập đoàn Inditex do Ortega sáng lập. Sau khi thành lập ra Inditex, Ortega đã có quyết định rất táo bạo khi tìm mọi cách để đưa công ty của mình ra thị trường chứng khoán một cách nhanh nhất. Thành công đã vượt cả sức tưởng tượng, khi cổ phiếu của Inditex đã tăng tới 26% chỉ sau vài phút giao dịch đầu tiên, giúp cho tài sản cá nhân của Ortega tăng thêm 6 tỷ USD trong vòng 30 phút.

Theo nhận định của những người quen biết, Ortega hầu như không thay đổi gì, kể cả khi có mặt trong danh sách những người giàu nhất thế giới. Ông vẫn trung thành với lối sống khép kín, hầu như không xuất hiện trước công chúng. Công chúng chỉ được biết nhiều về Ortega sau khi ông ly hôn với người vợ cũ, để lại cho bà ta số tiền 600 triệu USD, một kỷ lục về chia tài sản sau ly hôn tại Tây Ban Nha.

Miệt mài chạy đua theo mốt

Cho tới giờ, các chuyên gia đã đúc kết lại 3 yếu tố chính giúp tạo nên thành công của Ortega: Nguồn nhân lực rẻ, tốc độ sản xuất cực nhanh và hệ thống phân phối cực kỳ hoàn hảo.

Các xưởng sản xuất của Ortega là nơi thu hút nguồn nhân công rất lớn từ những tỉnh nghèo nhất của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Khi các đối thủ cạnh tranh bắt đầu chiến lược chuyển sang đầu tư tại châu Á (nơi còn có nguồn nhân công rẻ hơn nữa), Inditex lại tận dụng một thế mạnh khác của mình - đó là tốc độ sản xuất đồ thời trang cực nhanh.

Trong thế giới hiện nay, khi xu hướng thời trang có thể thay đổi chỉ sau một chương trình truyền hình vào cuối tuần, chậm trễ trong việc tung ra sản phẩm cũng đồng nghĩa với thất bại. Trong cuộc đua này, tập đoàn của Ortega hiện được đánh giá là không có đối thủ - mẫu sản phẩm mới nhất của ông từ bàn thiết kế cho tới khi xuất hiện tại cửa hàng chỉ mất có 10 ngày.

Một xu hướng kinh doanh mới đây giúp đảm bảo mức doanh số rất cao trong ngành may mặc tại châu Âu được mệnh danh là “thời trang cấp tốc” (fast fashion), hiện đang là thành công mang tính hiện tượng của Zara và những đối thủ cạnh tranh hàng đầu khác của họ như Uniqlo và H&M.

Bí quyết của xu hướng này là đánh vào tâm lý người tiêu dùng muốn thường xuyên thay đổi thời trang bằng những trang phục rẻ đẹp và được thay đổi mẫu mã thường xuyên. Chính vì vậy, trung bình mỗi tuần tại các cửa hàng thời trang của Ortega có tới 35% số sản phẩm được đổi mới.

Hệ thống phân phối đặc biệt của Inditex giúp cho tập đoàn này hầu như không phải tốn tiền cho việc lưu kho, một chi phí rất đáng kể trong giá thành sản phẩm. Tất cả các sản phẩm đều được để tại trung tâm phân phối chính ở La Coruna, trước khi được chuyển ngay bằng xe tải tới các nước châu Âu và bằng máy bay tới các khu vực khác trên thế giới.

Tự chọn con đường riêng

Điều đặc biệt là thành công của Amancio Ortega dựa nhiều vào những quyết định “ngược đời” trong xu hướng kinh doanh chung của các đối thủ cạnh tranh. Trong khi H&M chi trung bình hàng năm tới 5% tổng doanh số cho các hoạt động quảng cáo và khuếch trương, thì chi phí loại này của Zara chỉ là 0,3% (một con số khó tin đối với một nhãn hiệu nổi tiếng toàn thế giới). Khi các đối thủ thường có xu hướng cộng tác với những người mẫu và nhà thiết kế nổi tiếng, Zara lại lẳng lặng tìm tòi, chắt lọc những nét mới từ các show diễn thời trang trên khắp thế giới để nhanh chóng áp dụng và tung ra sản phẩm của mình.
 
Và khi nhiều công ty đua nhau để chuyển sản xuất sang châu Á, Ortega vẫn “bình chân như vại” tại châu Âu. “Trong khi nhiều tập đoàn như GAP, Limited, Nike, H&M chuyển hướng đầu tư sản xuất sang những khu vực xa xôi; Zara đã chứng minh rằng, có những yếu tố còn quan trọng hơn cả chuyện giá thành đơn thuần - đó là tốc độ và khả năng thay đổi linh hoạt. “Họ đã đặt cược toàn bộ sự nghiệp kinh doanh của mình vào những nguyên tắc tưởng như đã lạc hậu và họ đã thành công” - đó là nhận xét của các chuyên gia nghiên cứu thị trường của hãng tư vấn SupplyChange.

Những chi tiết trên không có nghĩa Ortega là một ngưởi bảo thủ, khi ông lại rất quan tâm đến việc lắng nghe ý kiến khách hàng. Tất cả các cửa hàng trong hệ thống Zara đều được trang bị những chiếc máy tính nhỏ nối mạng. Mỗi khi có khách hàng bước vào với những yêu cầu gì đó, nội dung trên sẽ được truyền trực tiếp tới văn phòng của Inditex để nghiên cứu.

“Khách hàng đồng thời cũng đóng vai trò là cộng sự của chúng tôi” - Ortega có lần đã giải thích như vậy. Cần nói thêm tại trụ sở trung tâm tại La Coruna có một vài tòa nhà thiết kế ngầm dưới đất được bảo vệ nghiêm ngặt chẳng khác gì một căn cứ quân sự. Đó chính là bộ phận thiết kế, được đánh giá là “chốn thâm nghiêm nhất” của đế chế Amancio Ortega, nơi có tới 200 chuyên gia thiết kế thời trang ngày đêm làm việc miệt mài để tạo ra những mẫu thời trang mới nhất cho ngày hôm sau. Tên tuổi của tất cả những người này đều được giữ kín, mà theo như Ortega giải thích, khách hàng chỉ cần biết duy nhất một cái tên chung - đó là Zara.

Bài 3: Khi kinh doanh là ý tưởng của cuộc sống

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

Bài 1: “Nữ hoàng rác thải” Trung Quốc

Tin cùng chuyên mục