Họ đã thành công như thế nào?

Bài 1: “Nữ hoàng rác thải” Trung Quốc

Bài 1: “Nữ hoàng rác thải” Trung Quốc

Được xếp trong danh sách những người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc, Zhang Yin hiện đang nắm trong tay một tài sản khổng lồ khoảng 3,4 tỷ USD. Đáng chú ý là Zhang Yin lại bắt đầu xây dựng đế chế của mình từ… rác thải. Chính vì vậy mà bà đã được mệnh danh là “nữ hoàng rác thải” tại Trung Quốc…

Con gái của cách mạng văn hóa

Bài 1: “Nữ hoàng rác thải” Trung Quốc ảnh 1

Zhang Yin (giữa) cùng giới lãnh đạo tại “Nine Dragons Paper”

Mới chỉ 6 năm trước, không có mấy người tại Trung Quốc biết được về Zhang Yin và những công ty của bà. Bản thân “nữ hoàng rác thải” cũng không dám nghĩ tới tới một ngày mình sẽ tích lũy được một số tài sản lớn đến như vậy.

Cùng với chồng, Zhang Yin trên chiếc xe hòm nhỏ Dodge Caravan lăn bánh khắp nước Mỹ để tìm kiếm các loại rác thải và thường chẳng mất xu nào để thu gom lại chúng. “Một vài người cho rằng những tờ giấy đã qua sử dụng là rác nhưng tôi lại coi chúng như một khu rừng quí giá”, Zhang Yin tâm sự.

Zhang Yin sinh ra trong gia đình quân nhân tại một tỉnh phía Đông Bắc Trung Quốc. Sau khi cha (quan quân đội) bị gán mác phản cách mạng trong cuộc cách mạng văn hóa và bị tống vào tù, cuộc sống cả gia đình rơi vào tình trạng kiệt quệ, thường xuyên phải nhịn đói.

Năm 1985, Zhang Yin lần đầu tiên đặt chân tới đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc gần sát với Hồng Công và kiếm được chân kế toán trong một công ty thương mại. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, cô bị sa thải vì không đủ học vấn cần thiết. “Khi bị mất việc - Zhang Yin kể lại - tôi đã phải hết sức phân vân để lựa chọn: Hoặc quay trở về Trung Quốc hoặc tìm kiếm công việc mới tại Hồng Công”. Nhưng Zhang Yin cuối cùng lại chọn con đường hoàn toàn khác.

Đúng lúc và đúng chỗ!

Một thương gia quen biết đã cho Zhang Yin vay số vốn ban đầu là 30.000 nhân dân tệ (vào thời điểm đó là 3,8 ngàn USD). Với số tiền mặt này, bà mua lại một công ty sản xuất giấy và bìa các tông khi đó đang trên bờ phá sản. Nguyên liệu sản xuất dưới dạng giấy lộn được Zhang Yin mua qua các nhà trung gian cỡ nhỏ tại Mỹ. Công việc cứ thế bắt đầu theo guồng, cho dù Zhang Yin tới nay vẫn thừa nhận đây là quãng thời gian nặng nề và vất vả nhất của bà. Phương châm của Zhang Yin là luôn vượt qua tất cả những trở ngại bằng mọi cách.

Thành quả có được như hiện nay một phần lớn là nhờ Zhang Yin biết thể hiện những phẩm chất nhạy bén và kiên quyết thực sự của một doanh nhân. Nhiều đối tác nhận xét, đặc điểm nổi bật của bà không chỉ ở sự miệt mài trong công việc, sự kiên trì để đạt được các mục đích đề ra mà cả “tính cách khôn ngoan của người phương Đông”. Dù có không ít những ưu điểm nổi bật của một thương gia nhưng sự nghiệp của Zhang Yin khó có thể thành công đến vậy nếu không nhờ sự phát triển nhanh chóng của mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung.

Chỉ sau một thời gian ngắn, Trung Quốc đã vượt qua Mexico để trở thành đối tác kinh tế lớn thứ hai của nước Mỹ, chỉ sau EU. Cả một đại dương hàng tiêu dùng phổ thông của Trung Quốc được đóng gói trong các hộp bìa các tông gần như thống trị thị trường Mỹ. Trung Quốc hiện đang tiêu thụ tới 21 triệu tấn bìa các tông mỗi năm, chiếm 18% nhu cầu bìa loại này trên toàn thế giới.

Nếu như vào cuối những năm 1990, giá một tấn bìa các tông tại Trung Quốc chỉ vào khoảng 100 USD thì hiện nay đã tăng lên thành 135 USD. Sự mất cân bằng trong cán cân thương mại Mỹ-Trung dẫn tới tình trạng, các container chở đầy hàng của Trung Quốc tới Mỹ, khi trở về thường… trống không.

Những hộp giấy bìa các tông để đóng gói hàng từ Trung Quốc tới Mỹ thường không quay trở lại mà lại rơi vào… thùng rác của các gia đình Mỹ. Thành công nhanh chóng của Zhang Yin chính là bà đã biết cách xuất hiện “đúng lúc và đúng chỗ”. Điều ngạc nhiên là ý tưởng nối liền vòng tuần hoàn khép kín của sản phẩm bìa các tông không phải thuộc về những “con cá mập” hàng đầu trong ngành công nghiệp giấy của Mỹ, mà lại thuộc về một người phụ nữ Trung Quốc. Zhang Yin bắt đầu thu mua giấy lộn với giá rẻ mạt tại Mỹ, phân loại chúng rồi thuê tàu biển chở về Trung Quốc để bán.

“9 con rồng” làm nên sự nghiệp

Đặt chân tới Mỹ vào giữa những năm 1990, Zhang Yin hiểu rất rõ rằng, thị trường giấy tại đây từ lâu đã được phân định rõ ràng và việc cạnh tranh với những tập đoàn khổng lồ như International Paper, Weyerhaeuser hay Smurfit Stone gần như là chuyện không thể. Zhang Yin đã tìm được cái mình cần, đồng thời lại không phải cạnh tranh với những ông lớn ở bản địa.

Chẳng bao lâu, Zhang Yin đã thành lập ra Công ty America Chung Nam Inc và nhanh chóng đưa công ty này thống trị trên thị trường xuất khẩu giấy lộn từ Mỹ vào năm 2005, trước khi trở thành một trong những tập đoàn kinh doanh giấy lớn nhất thế giới. Zhang Yin dần dần có trong tay cả một mạng lưới xí nghiệp phân loại giấy lộn trên khắp nước Mỹ - từ New York tới Chicago hay California.

Nhưng Zhang Yin vẫn chưa thỏa mãn với những thành quả ban đầu này. Bà thành lập thêm công ty riêng do gia đình điều hành với cái tên khá ấn tượng “Nine Dragons Paper” (Công ty Giấy 9 con rồng). Tất cả các cương vị lãnh đạo tại “Nine Dragons Paper” đều thuộc về các thành viên trong gia đình Zhang. Bản thân bà là chủ tịch hội đồng giám đốc, chồng bà là chủ tịch, còn người em trai là phó chủ tịch. Các thành viên trong gia đình Zhang nắm giữ tới 72% số cổ phần tại “Nine Dragons Paper”.

Tháng 3 năm ngoái, “Nine Dragons Paper” ra thị trường chứng khoán Hồng Công. Chỉ một thời gian ngắn sau, trị giá của công ty có biên chế 5.300 người trên đã nhanh chóng lên tới mức 5 tỷ USD. Doanh thu riêng trong năm 2006 của “Nine Dragons Paper” đã vượt quá mốc 1 tỷ USD, trong đó tỷ lệ lãi ròng tăng tới 349%, lên 175 triệu USD.

Bài 2: Ông trùm thời trang may sẵn tại châu Âu

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục