5 cánh quân giải phóng Sài Gòn

Bài 2: Quân đoàn 2 tiến về Sài Gòn từ hướng Đông Nam

Bài 2: Quân đoàn 2 tiến về Sài Gòn từ hướng Đông Nam

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng với ông ký ức hào hùng, oanh liệt về những ngày cuối cùng của tháng 4 lịch sử cách đây 35 năm và những trận đánh tốc chiến tốc thắng của Quân đoàn 2 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vẫn như còn rất mới. Nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, chúng tôi được trò chuyện với ông - Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, hiện là Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam để nghe ông kể về những kỷ niệm đáng nhớ của tháng tư năm xưa.

Quân đoàn 2 còn gọi là “Binh đoàn Hương Giang”, được thành lập ngày 17-5-1974 tại tỉnh Thừa Thiên (nay là Thừa Thiên - Huế).
 
Quân đoàn 2 ban đầu gồm các sư đoàn bộ binh: 325, 304, Lữ đoàn pháo binh 164, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Lữ đoàn công binh 219, Trung đoàn đặc công 116, Sư đoàn pháo cao xạ 673. Tổng số xe chở hàng và chở người của Quân đoàn 2 lên tới 2.267 chiếc.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Quân đoàn 2 do Thiếu tướng Nguyễn Hữu An làm Tư lệnh và Thiếu tướng Lê Linh là Chính ủy đã được giao nhiệm vụ tiến công đánh chiếm căn cứ Nước Trong, chi khu Long Bình, căn cứ Long Bình, chi khu Nhơn Trạch, thành Tuy Hạ… cảng và bến phà Cát Lái, đánh chiếm Vũng Tàu, thị xã Bà Rịa, pháo kích vào sân bay Tân Sơn Nhất, quận 9 và quận 4 và hợp điểm tại Dinh Độc Lập.

Chiếc xe tăng số hiệu 390 của Đại đội 4, Lữ đoàn tăng thiết giáp 203, Quân đoàn 2 là chiếc tăng đầu tiên đã húc đổ cánh cổng sắt lạnh lùng của Dinh Độc Lập và đại úy Bùi Quang Thận đã cắm lá cờ chiến thắng lúc 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 trên nóc Dinh Độc Lập kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

T.L.

Một buổi sáng sớm cuối tháng 4, trong căn phòng trang trí giản dị của Hội Nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh hào hứng kể cho chúng tôi nghe về những ngày oanh liệt của Quân đoàn 2 trong chiến dịch Hồ Chí Minh.

Theo ông, chiến dịch Hồ Chí Minh dù chỉ diễn ra trong vòng 5 ngày (từ 26-4 đến 30-4-1975) nhưng là một chiến dịch điển hình về nghệ thuật quân sự Việt Nam trong sự phối hợp hiệp đồng tấn công của các binh chủng tạo thành một sức mạnh tổng hợp để tiêu diệt quân thù.

Theo Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (khi ấy là Tham mưu phó Sư đoàn 325), các lực lượng của Quân đoàn 2 không chỉ có nhiệm vụ đánh chiếm nhiều vị trí quan trọng của địch trong nội đô Sài Gòn mà còn ngăn chặn, chia cắt đường rút của quân địch qua sông Lòng Tàu và căn cứ hải quân Cát Lái. Hơn nữa, vùng Đông Nam Sài Gòn địa hình khá phức tạp, bị chia cắt bởi nhiều đồng lầy lớn và sông ngòi chằng chịt nên trong quá trình đánh chiếm các vị trí của địch Quân đoàn 2 phải cố gắng bảo vệ các cây cầu trên đường tiến quân, không để địch phá hoại nhằm tránh gây khó khăn cho những trận đánh vào nội đô của quân ta. Vì vậy Quân đoàn 2 được Bộ chỉ huy chiến dịch cho lệnh “khai hỏa” sớm hơn một ngày so với các hướng tấn công khác để đảm bảo thời gian hiệp đồng cùng với các cánh quân khác đánh vào nội đô Sài Gòn cùng một lúc.

17 giờ ngày 26-4-1975, các sư đoàn, binh đoàn trong Quân đoàn 2 bắt đầu tấn công trên mặt trận phía Đông và Đông Nam Sài Gòn. Tiếng pháo của Lữ đoàn pháo binh 164 cùng các sư đoàn, tiểu đoàn khác của quân đoàn đồng loạt nã vào các mục tiêu trên đường tấn công. Địch kháng cự rất quyết liệt, chúng dùng pháo binh bắn vào đội hình của ta, dùng xe tăng - thiết giáp để cố bịt các cửa vừa bị quân ta mở ra.

Trước hỏa lực mạnh của chúng ta, cùng với sự quyết tâm, quả cảm của các lực lượng bộ binh, xe tăng, pháo binh mà các cụm quân địch nằm trên tuyến phòng ngự vòng ngoài như căn cứ Nước Trong, Trường Thiết giáp, chi khu Long Thành, thành Tuy Hạ đã không thể cầm cự lâu hơn chờ viện binh mà lần lượt bị đập tan.

Chiều ngày 29-4, tất cả mục tiêu của địch ở phía vòng ngoài để bảo vệ nội đô Sài Gòn ở hướng Đông Nam đều bị Quân đoàn 2 tiêu diệt. Sau khi chiếm được khu vực Nhơn Trạch, sáng sớm ngày 29-4, theo đúng kế hoạch đã định pháo 130mm của Lữ đoàn 164 đã nã liên tục vào sân bay Tân Sơn Nhất nhằm khống chế sân bay, không cho quân địch chạy thoát.

Các đồng chí chỉ huy Quân đoàn 2 và Sư đoàn 304 trên đường tiến quân vào Sài Gòn. Ảnh: TƯ LIỆU
Các đồng chí chỉ huy Quân đoàn 2 và Sư đoàn 304 trên đường tiến quân vào Sài Gòn. Ảnh: TƯ LIỆU

Lúc này, sân bay Tân Sơn Nhất chìm ngập trong biển lửa, nhiều đoạn đường băng và máy bay của địch bị phá hỏng. Tiếng pháo của các đơn vị thuộc Quân đoàn 2 gầm vang khắp nội đô Sài Gòn, khiến quân địch khiếp đảm.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh cho biết, trong những giờ phút mà khí thế chiến thắng của quân ta đang lên như nước vỡ bờ thì chúng tôi nhận được mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Thần tốc thần tốc hơn nữa, táo bạo táo bạo hơn nữa, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.

Mệnh lệnh này đã tiếp thêm sức mạnh khiến toàn bộ anh em chiến sĩ tham gia chiến dịch thêm quyết tâm chiến đấu để sớm giải phóng miền Nam. Cùng với việc quân ta tiêu diệt nhanh các cứ điểm vững chắc bảo vệ vòng ngoài của địch đã khiến lực lượng ngụy quân còn lại ở trong nội đô Sài Gòn lúc đó vô cùng hoang mang, dao động, tạo thuận lợi cho các mũi tấn công thọc sâu vào nội đô Sài Gòn đánh chiếm những mục tiêu quan trọng một cách nhanh, gọn.

Sau những trận đánh ác liệt diễn ra tại căn cứ Nước Trong, cầu Xa Lộ, Tổng kho Long Bình, Thủ Đức… cho tới trưa ngày 30-4 thì chiếc xe tăng số hiệu 390 cùng với xe tăng số hiệu 843 của Quân đoàn 2 đã húc đổ cổng chính Dinh Độc Lập, buộc Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền ngụy Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện.

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh kể - trong ngày 30-4-1975 Sư đoàn 325 của ông có nhiệm vụ vượt phà Cát Lái đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân, cảng Sài Gòn, Nhà Bè... Khi chúng tôi nhận được thông tin Dinh Độc Lập đã hoàn toàn bị khống chế, cờ giải phóng đã tung bay trên nóc cơ quan đầu não của ngụy quyền Sài Gòn, lúc đó ai cũng rưng rưng, vui mừng khôn xiết, bởi chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng, kết thúc những năm tháng kháng chiến vẻ vang và oanh liệt của dân tộc. Miền Nam đã được giải phóng, non sông đất nước đã thống nhất.

Những ngày cuối tháng 4 này, chúng tôi đã gặp khá nhiều nhân chứng lịch sử. Nhưng, có lẽ ấn tượng nhất là những nhân chứng lịch sử - các chỉ huy và chiến sĩ Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203 – đã lái xe tăng húc đổ cổng và cắm cờ tại Dinh Độc Lập.

Nhằm phát huy sức mạnh của binh khí kỹ thuật, nhất là xe tăng thiết giáp, trong trận quyết chiến cuối cùng này Quân đoàn 2 đã quyết định tổ chức lực lượng hỗn hợp đánh thọc sâu vào nội đô, lấy Lữ đoàn xe tăng 203 làm nòng cốt, khi có thời cơ sẽ đánh thẳng vào trung tâm đầu não của địch ở Dinh Độc Lập.

Khi vào đến cửa ngõ Sài Gòn, xe tăng của Đại đội 4 bị quân địch chặn đánh quyết liệt. Đến ngã tư Hàng Xanh, chiếc xe tăng của đại úy Bùi Quang Thận bắn cháy 2 chiếc M41 tại cầu Thị Nghè rồi cùng về đường Hồng Thập Tự (nay là đường Nguyễn Thị Minh Khai). Đến ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm, đại úy Bùi Quang Thận chỉ đạo xe tăng quẹo trái đến trước cổng Sở Thú, đang băn khoăn tìm đường thì anh gặp được một phụ nữ người Sài Gòn chỉ đường đến Dinh Độc Lập. Xe tăng của Chính trị viên Vũ Đăng Toàn, sau khi bắn cháy 2 chiếc M113 đã đi theo hướng đường Công Lý (Nam Kỳ Khởi Nghĩa bây giờ) và cũng đến được Dinh Độc Lập.

Trong khi xe tăng của đại úy Bùi Quang Thận số hiệu 843 mắc kẹt ở cổng phụ thì Chính trị viên Vũ Đăng Toàn đã cho xe tăng số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập. Đại úy Bùi Quang Thận rút cây ăng ten cao 4 mét trên xe (bên trên có lá cờ giải phóng) và tiến thẳng vào trong dinh. Anh yêu cầu một sĩ quan ở trong Dinh Độc Lập dẫn lên chỗ cột cờ và hạ lá cờ ba sọc đỏ xuống, treo lá cờ Mặt trận giải phóng. Lúc đó là 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975.

Đại tá Bùi Quang Thận (khi ấy là đại úy, Đại đội trưởng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn Tăng thiết giáp 203) – người đầu tiên cắm cờ tại Dinh Độc Lập, kể: “Anh em chúng tôi đã may mắn tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Càng may mắn và tự hào khi chúng tôi tham gia đợt hành quân thần tốc của xe tăng, xe thiết giáp về thủ đô của ngụy quân, ngụy quyền. Vì đây là cuộc hành quân có một không hai trong lịch sử chiến tranh thế giới. Theo đánh giá tổng kết thì đó là cuộc hành quân bằng xe tăng dài nhất mà lại hành quân bằng bánh xích vận hành ngoài quốc lộ chứ không phải do xe hay tàu kéo!”.

Đại úy Vũ Đăng Toàn (nguyên Trung úy, Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, trưởng xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập), cho biết: “Chúng tôi được lệnh thần tốc hành quân. Nhưng, theo chỉ đạo nếu gặp địch không chống cự thì vẫn tiếp tục hành quân. Vì việc tiêu diệt địch đã có bộ đội địa phương. Chúng tôi phải thần tốc hành quân về điểm tập kết theo lệnh của cấp trên. Tinh thần anh em lúc đó quyết tâm lắm. Vừa dừng xe thì anh em kỹ thuật lo bảo dưỡng xe. Máy móc nóng bỏng, nhưng anh em vẫn kiểm tra, mồ hôi tuôn như mưa lên máy. Bằng mọi giá phải vượt qua khó khăn, đảm bảo đúng cung độ, cung đường”.

KHÁNH NGUYỄN - ĐOÀN HIỆP

Thông tin liên quan:

>> Bài 1: Quân đoàn 1 mở cửa hướng Bắc

Tin cùng chuyên mục