Cuộc chiến chống ma túy ở Mexico

Bài 2 : Quyết tâm của chính quyền

Mexico quyết tâm, Mỹ hỗ trợ
Bài 2 : Quyết tâm của chính quyền

Ngay sau khi nhậm chức ngày 1-12-2006, tân Tổng thống Mexico Felipe Calderón đã thể hiện quyết tâm cao độ trong việc đấu tranh chống tội phạm ma túy. Tuy nhiên, những thách thức là không nhỏ. 
 
Mexico quyết tâm, Mỹ hỗ trợ

Bài 2 : Quyết tâm của chính quyền ảnh 1

Lực lượng quân đội Mexico trấn áp tội phạm ma túy

Trên thực tế, các cuộc tranh giành địa phận giữa các tập đoàn buôn bán ma túy đã nổ ra kể từ năm 1989 sau khi trùm buôn lậu ma túy ở Mexico Miguel Ángel Félix Gallardo bị bắt. Tình trạng bạo lực tiếp diễn sau đó và thực sự bùng phát vào năm 2000.

Cựu Tổng thống Mexico Vicente Fox đã phải cho triển khai một lượng quân tới Nuevo Laredo, Tamaulipas để trấn áp tội phạm ma túy nhưng không đạt nhiều thành công. 
 
Tình hình bắt đầu biến chuyển thực sự từ ngày 11-12-2006, khi tân Tổng thống Felipe Calderón gửi 6.500 quân tới bang Michoacán để chấm dứt cuộc bạo lực do các tập đoàn ma túy gây ra. Theo ông Jose Luis Santiago, Phó Tổng chưởng lý Mexico, mỗi năm Chính phủ Mexico chi khoảng 2,5 tỷ USD và huy động 50.000 lính và cảnh sát cho cuộc chiến chống tội phạm có tổ chức và các tập đoàn buôn bán ma túy. 
 
Bên cạnh việc phát huy nội lực, Tổng thống Calderón cũng liên tục kêu gọi sự giúp đỡ của Mỹ. Ông Calderón nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng Chính phủ Mỹ phải đảm nhận phần của mình trong cuộc chiến gay go này”, ám chỉ cuộc chiến chống ma túy có tác động trực tiếp tới tình hình trật tự, an toàn xã hội ở bên kia biên giới Mexico.

Tháng 10-2007, đáp ứng lời kêu gọi của người đồng cấp Mexico, Tổng thống Bush đã yêu cầu Quốc hội nước này thông qua Sáng kiến Merita, hỗ trợ trang thiết bị và hậu cần trị giá 1,4 tỷ USD trong thời hạn 3 năm giúp Mexico và các nước Trung Mỹ tăng cường phòng chống ma túy và tội phạm. Khoản tài trợ đầu tiên là 400 triệu USD, dự kiến giải ngân trong năm tài khóa 2008.

Theo sáng kiến này, Mỹ có thể sẽ không giao tiền trực tiếp cho Mexico mà sẽ cung cấp các trang thiết bị như máy bay trực thăng, thiết bị kiểm tra an ninh, đào tạo cảnh sát và công tố viên…
 
Kết quả còn khiêm tốn
 
Những nỗ lực của Chính phủ Mexico và sự phối hợp của lực lượng Mỹ đã mang lại những kết quả ban đầu. Giữa tháng 1-2008, phía Mỹ thông báo số lượng ma túy mà nước này thu giữ và tiêu hủy trong năm 2007 đã giảm xuống còn 210 tấn, so với mức 262 tấn năm 2006. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2003. 
 
Về các đối tượng buôn bán ma túy, bước đầu đã phát hiện nhiều quan chức cảnh sát tham nhũng ở địa phương câu kết với các tập đoàn buôn bán ma túy. Nhiều nhân vật quan trọng của các băng đảng cũng bị bắt hoặc bị thủ tiêu. Đáng chú ý, trong tháng 3-2008, các lực lượng chức năng Mexico đã bắt được hai nhân vật quan trọng trong đường dây tội phạm ma túy.

Tên đầu tiên là Gustavo Rivera Martinez, quốc tịch Mỹ, đối tượng quản lý tài chính hàng đầu của băng nhóm buôn bán ma túy Tijuana. Rivera Martinez là đối tượng truy nã của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và từng được Cơ quan chống ma túy Mỹ (DEA) treo giải thưởng 2 triệu USD cho ai cung cấp thông tin về hắn. Chỉ 5 ngày sau đó, cảnh sát Mexico lại bắt được Saul Montes de Oca - người có biệt danh “El Ciego” (gã mù). “Gã mù” được cho là sát thủ hàng đầu và rất thân cận với các ông trùm thuộc gia đình Arellano Felix điều hành băng nhóm Tijuana.

Trước đó, hồi tháng 1-2008, quân đội Mexico cũng đã bắt được Alfredo Beltran Leyva, một trợ tá thân cận của Joaquin “Shorty” Guzman, trùm buôn bán ma túy tại bang Sinaloa, bị truy nã gắt gao nhất tại Mexico…
 
Trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy, nhiều nhân viên cảnh sát và quân đội bị tấn công. Trong tháng 1-2008, bọn tội phạm đã phục kích và sát hại hơn 20 quan chức cảnh sát. Gần đây hơn, trong tháng 5-2008, Phó cảnh sát trưởng thành phố biên giới Ciudad Juarez là Juan Antonio Garcia đã bị trúng đạn khi ngồi trên xe. Trước đó, trưởng đơn vị chống bắt cóc của thành phố Mexico và giám đốc điều hành lực lượng cảnh sát chống buôn lậu ma túy quốc gia cũng bị bắn chết…
 
Dù khó khăn vẫn không khoan nhượng
 
Chống tội phạm ma túy ở đâu cũng khó nhưng khó như ở Mexico thì ít người tưởng tượng ra. Theo cảnh sát Mexico, 100% các vụ bắn giết có liên quan tới ma túy đều được thực hiện bằng các loại vũ khí tối tân được đưa từ Mỹ sang. Cảnh sát Mexico có thể bị bất ngờ vì bọn buôn lậu ma túy được trang bị các loại vũ khí hạng nặng như AK-47, súng bắn tỉa, pháo cối, thậm chí có cả loại “cop-killer” có thể xuyên thủng áo chống đạn. 
 
Không chỉ được “trang bị đến tận răng”, các tổ chức buôn lậu ma túy ở Mexico còn tuyển mộ được một đội ngũ thuộc hạ hiếu chiến và xây dựng mạng lưới người cung cấp tin ngay bên trong các cơ quan chính quyền và lực lượng an ninh, quân đội.

Lực lượng Zetas - tập hợp những tay sát thủ chuyên nghiệp của tập đoàn ma túy Gulf - là một điển hình. Thành viên lực lượng này bao gồm nhiều cựu lính đặc công Mexico được huấn luyện ở Mỹ nên rất “thiện chiến”. Lực lượng này còn sử dụng một mạng lưới người cung cấp tin hết sức rộng và thông thạo, trong đó có những nhân viên lái xe taxi, nhân viên bán hàng, người bán hàng rong, thậm chí cả… cảnh sát địa phương. 
 
Một số cảnh sát địa phương phàn nàn họ không có đủ phương tiện và quyền lực để trấn áp tội phạm ma túy. Cụ thể là hỏa lực của họ yếu so với bọn tội phạm, lương thấp và chậm được chi trả, dễ bị lôi kéo tham ô và không đủ thẩm quyền để điều tra những kẻ buôn bán ma túy. Trong khi đó, lực lượng cảnh sát liên bang có thẩm quyền để làm việc này, lại chỉ được triển khai đến địa phương trong một khoảng thời gian nhất định, rồi sẽ lại bị rút đi.
 
Chắc hẳn khi quyết định đẩy mạnh chống tội phạm ma túy, Tổng thống Mexico Calderón đã lường trước được những khó khăn trước mắt. Mới đây, tổng thống một lần nữa khẳng định chính phủ nước này không bao giờ khoan nhượng và không lùi dù một bước trước những hành động tội ác của các băng nhóm tội phạm có tổ chức và buôn bán ma túy ở Mexico.


 Hà Vy (tổng hợp)
(Báo SGGP 12 giờ)

Tin bài liên quan:
- Bài 1: An ninh bất ổn và những hệ lụy về kinh tế

Tin cùng chuyên mục