
Cách đây một năm, các phương tiện thông tin đại chúng đồng loạt lên tiếng cảnh báo về dịch vụ tắm trắng ở TP HCM. Đây là loại hình dịch vụ chưa từng có trong qui định của ngành y tế. Vì cả tin vào những lời quảng cáo hấp dẫn mà nhiều chị em đã phải trả giá cho sự làm đẹp bằng những tháng ngày điều trị tốn kém để đưa làn da về lại “chính mình”! Sau những lời cảnh báo đó, Sở Y tế đã có văn bản kiến nghị UBND TP đình chỉ hoạt động của loại hình dịch vụ phản khoa học này. Tuy nhiên, tắm trắng đến nay vẫn tồn tại và những nạn nhân của tắm trắng ngày càng tăng!
- Cái “bẫy” từ các mỹ viện !
Trong vai một cặp vợ chồng sắp thành hôn, chúng tôi cùng nhau vào mỹ viện Y . trên đường Đinh Tiên Hoàng. Chỉ cần nghe qua lời yêu cầu, bà chủ với nụ cười săn đón cầu tài và xổ một tràng “kiến thức về tắm trắng: “Anh chị yên tâm , với làn da vốn có khá đẹp của chị vào tay tụi em chỉ cần vài lần là nhìn thêm bắt mắt. Công đoạn tắm trắng cũng đơn giản thôi: Chúng em sẽ xoa người chị một lớp thuốc. 4 tiếng sau lột lớp da mỏng đi là chị trắng nõn nà luôn. Sau đó chị phải dùng kem để dưỡng da tiếp”.

Sau 3 tháng điều trị các vết nám do tắm trắng của chị M vẫn thâm đen.
Để củng cố niềm tin của khách, bà chủ xuống giọng: “Em nói thiệt, tắm trắng xong chị phải hạn chế đi nắng. Mấy tiệm khác làm xong nói vẫn đi nắng bình thường là nói xạo đấy”! Khi chúng tôi có ý định xem các hóa chất để tẩy trắng thì bà chủ nhất mực giữ “bí mật”: “Chị cứ vào làm đi rồi sẽ thấy… Hóa chất này tụi em tự pha chế, mỗi mỹ viện có một công thức riêng phải giữ bí mật chứ!” Với lý do đợi 4 tiếng thì lâu quá, chúng tôi rời mỹ viện với lời hẹn sẽ quay lại sau.
Chiều cùng ngày, chúng tôi đến mỹ viện K trên đường Lê Hồng Phong, tại đây lại phải tiếp tục được nghe bài “ca ngợi” về tắm trắng. Như để cầm chân khách, chị chủ tỏ ra thân tình: “Tắm trắng thì nhiều lắm, mỹ viện nào cũng có, nhưng ở mỹ viện chị thì đảm bảo an toàn và giá cả rẻ hơn. Nếu tắm toàn thân ở mỹ viện khác họ tính các em 600.000 đồng thì ở đây chị chỉ lấy cô chú 500.000 đồng. Nếu cô muốn tắm từng bộ phận thì giá cũng rẻ hơn các tiệm khác từ 10% đến 15%”.
Chiều hôm sau, chúng tôi có mặt ở thẩm mỹ viện H. trên đường Nguyễn Trãi. Khi chúng tôi yêu cầu được “thực mục sở thị” hóa chất để tắm trắng thì bà chủ loanh quanh: “Anh chị yên tâm đi, hàng của chúng em là đảm bảo chất lượng. Nếu cần chúng em sẽ viết giấy cam kết”.
Khi biết chúng tôi có ý định tìm hiểu các nạn nhân của tắm trắng, chị M. ở quận 5 ấm ức cho biết, cách đây 6 tháng theo lời quảng cáo, chị đến một mỹ viện trên đường Nguyễn Trãi để tắm trắng. Sau 4 tiếng đồng hồ ngâm bồn với hóa chất thoa đều, da chị bắt dầu bỏng rát. Khi lớp da mỏng được lột đi nhìn có vẻ trắng hơn nhưng vài tuần sau bắt đầu xuất hiện nhiều vết thâm khắp người. Hậu quả là phải đi điều trị ở một mỹ viện khác hơn 3 tháng nay, nhưng ống chân còn đầy vết thâm đen.
Trao đổi với chúng tôi, BS Lý Hữu Đức, Trưởng phòng tổng hợp Bệnh viện Da liễu cho biết, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận điều trị nội trú khoảng 5 ca viêm da nặng do tắm trắng. BS Đức còn cho biết thêm, số bệnh nhân đến khám do hậu quả của tắm trắng thì nhiều lắm!
- Phương pháp phản khoa học vì sao vẫn... nở rộ?
Trao đổi với chúng tôi, các chuyên gia da liễu cho biết, các hóa chất mà các cơ sở dịch vụ thường dùng là A.salicylique, A.benzoique, Atricholoracétique. Đây là những a xít cực mạnh có sức tàn phá da, lột bong lớp thực bì chết trên mặt da làm da sáng lên (vì vậy mà bệnh nhân có cảm giác rát bỏng). Sau khi lột lớp da mỏng sẽ được bôi loại kem cho da dịu di. Khả năng đây là những kem có chứa Coticoit làm giảm viêm bớt đau. Coticoit bôi ngoài da chỉ dùng một lần trên diện rộng rất có hại. Các chuyên gia da liễu khẳng định, tắm trắng chỉ làm da nhạt màu tạm thời. Sau một thời gian da sẽ phục hồi màu trở lại (thường là một năm). Màu da do hắc tố bào sản sinh ra mélamine, thường mang tính di truyền.
Về y khoa, da là một hàng rào điều chỉnh nhiệt độ để cơ thể thích ứng với nhiệt độ bên ngoài. Như vậy, nếu lột bong da hay làm hỏng da thì sẽ ảnh hưởng đến chức năng bảo tồn nhiệt độ cơ thể. Vả lại bề mặt của da có một số vi khuẩn cộng sinh có lợi cho bảo vệ da. Lớp cộng sinh mất đi thì da rất dễ bị nhiễm trùng.
Ngoài ra trên bề mặt của da có chất dầu béo có khả năng bảo vệ cơ thể điều hòa lượng nước và chất điện giải. Nếu bị bóc đi thì các chức năng này không còn nữa. Bên cạnh đó thì còn nhiều biến chứng xảy ra như tình trạng viêm da kích thích do tiếp xúc với hóa chất. Da bị ngứa đỏ rịn nước dẫn tới bị nhiễm trùng.
Theo các chuyên gia da liễu, phương pháp tắm trắng hoàn toàn không có trong y văn và Bộ Y tế chưa từng có chỉ định kỹ thuật này. Ấy vậy mà hoạt động tắm trắng vẫn nở rộ ở TPHCM. Nguy hiểm hơn, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, các thẩm mỹ viện mặc nhiên công khai quảng cáo về dịch vụ tắm trắng với những lời lẽ hấp dẫn mê hoặc.
Khi chúng tôi đặt vấn đề về quản lý dịch vụ này, một cán bộ thanh ta Sở Y tế cho biết dù sở đã nhiều lần có văn bản đề nghị UBND TP để có biện pháp ngăn chặn dịch vụ này . Tuy nhiên, đến nay Sở Y tế vẫn chưa nhận được sự phúc đáp nên không biết xử lý loại hình này ra sao.
Một luật sư nhìn nhận, nói như vậy là thanh tra Sở Y tế đang cố tình lẩn tránh trách nhiệm bởi pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân đã qui định rất rõ những dịch vụ được phép làm, những dịch vụ trái với pháp lệnh đó lẽ dĩ nhiên là phải cấm. Vả lại ngành y tế cũng thừa sức ban hành các văn bản pháp qui về cấm sử dụng một số biện pháp ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Thiết nghĩ, dù là trách nhiệm của cơ quan nào thì vấn đề dịch vụ tắm trắng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân phải sớm được chấn chỉnh.
HỒNG LAM – ĐINH THU