Thực trạng các vườn quốc gia: Rừng... chết!

Bài 3: Bảo vệ rừng - Một người giữ, trăm người phá

Bài 3: Bảo vệ rừng - Một người giữ, trăm người phá

Thực trạng về nạn xâm hại rừng tại các vườn quốc gia hết sức phức tạp. Có sự “chênh lệch” giữa một bên là lực lượng ít ỏi những cán bộ, chiến sĩ kiểm lâm đang ngày đêm làm nhiệm vụ giữ rừng và một bên là lâm tặc với muôn ngàn mưu kế “làm thịt” rừng. Do vậy, công việc giữ rừng thực sự là một cuộc chiến cam go và không cân sức… 

Tiền tỷ đổ vào rừng!

Tại Vườn quốc gia Yok Đôn, để quản lý, bảo vệ và chăm sóc 115.545ha rừng, Bộ NN-PTNT đã khoán cho vườn 150 cán bộ, nhân viên kiểm lâm (trung bình, một kiểm lâm viên quản lý hơn 700ha rừng). Chi phí tiền lương cũng khoán cho mỗi kiểm lâm viên 45 triệu đồng/người/năm. Khoản cố định này tính ra mỗi năm hơn 6 tỷ đồng.

Một chốt kiểm lâm lẻ loi trên sông Giăng - Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An).

Một chốt kiểm lâm lẻ loi trên sông Giăng - Vườn quốc gia Pù Mát (Nghệ An).

Còn các khoản khác như: khoán bảo vệ rừng (3 tỷ đồng cho hơn 30 hộ), chi ngoài định mức, quản lý phí…, cũng xấp xỉ gần chục tỷ đồng. Nếu tính luôn con số 10 tỷ đồng đầu tư cho cơ sở vật chất, xây dựng đường tuần tra, các chốt kiểm lâm…, mỗi năm Nhà nước đã chi ra để quản lý, bảo vệ vườn quốc gia rộng nhất nước này gần 40 tỷ đồng. Thế nhưng, cây rừng, thú rừng quý hiếm vẫn bị sát hại và có nguy cơ… biến mất. Theo số liệu chúng tôi có được, mỗi tháng rừng Vườn quốc gia Yok Đôn mất khoảng 1.500 - 2.000m³ gỗ, cả năm con số này xấp xỉ 20.000m³ gỗ. Tính giá 1m³ gỗ được lâm tặc “trao tay” ngay cửa rừng là 20 triệu đồng/m³ (gỗ hương, cẩm lai, căm xe), thì giá trị rừng bị mất mỗi năm khoảng 400 tỷ đồng, gấp 10 lần số tiền Nhà nước bỏ ra để quản lý, bảo vệ.

Ở Vườn quốc gia Pù Mát, do địa hình rừng núi hiểm trở, địa bàn rộng, dân cư sinh sống trong vùng đệm và cả vùng lõi đông nên công tác quản lý, bảo vệ rừng khá phức tạp và tốn kém. Để xây dựng một con đường dài hơn 8km (đường cấp 6 miền núi) vào điểm tái định cư di dân vùng lõi thuộc bản Bá Hạ, xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông (tỉnh Nghệ An), số tiền đầu tư lên tới gần 40 tỷ đồng.

Hay dự án đầu tư tuyến đường tuần tra bảo vệ rừng và phục vụ dân sinh cho các tộc người Đan Lai thuộc vùng lõi, chi phí đầu tư theo dự toán cũng gần 200 tỷ đồng. Cộng với nhiều khoản đầu tư khác, mỗi năm Nhà nước phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để quản lý, bảo vệ hơn 93.000ha rừng. Thế nhưng, theo tính toán, mỗi năm Vườn quốc gia Pù Mát vẫn bị mất trắng khoảng 100ha rừng cho các mục đích khai thác lấy gỗ, lấy đất làm nương rẫy…

Tương tự, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, mỗi năm cũng có hàng trăm hécta đất rừng (chủ yếu vùng đệm) mất trắng. Điều đáng nói ở đây là nhiều khu rừng đặc hữu có giá trị kinh tế cao, được bảo vệ nghiêm ngặt, song vẫn không ngăn được tình trạng xâm hại… Như vậy, để quản lý, bảo vệ 17 vườn quốc gia và 40 khu bảo tồn thiên nhiên trên cả nước, ngân sách Nhà nước đã phải chi mỗi năm hàng trăm tỷ đồng.

Giữ rừng bằng đôi chân quấn xà cạp 

Trong những ngày đi thực tế tại các vườn quốc gia, chúng tôi cũng tận mắt chứng kiến cảnh sống và sinh hoạt của các cán bộ, nhân viên kiểm lâm nơi rừng xanh núi thẳm. Tại Trạm quản lý, bảo vệ rừng Khe Thơi thuộc Vườn quốc gia Pù Mát, quân số trạm chỉ 7 người, nhưng phải quản lý, bảo vệ 19.115ha rừng (bình quân mỗi người quản lý, bảo vệ hơn 1.000ha). Do địa bàn trải rộng, địa hình hiểm trở, mỗi đợt tuần rừng, anh em phải đi từ 8 đến 10 ngày.

Chỉ vào đôi chân và hai tấm vải quấn xà cạp, anh Nguyễn Kim Minh, trạm trưởng nói: “Đây là phương tiện đi rừng của anh em chúng tôi. Trong chuyến tuần rừng, mỗi người còn phải cõng trên lưng hàng chục ký lương thực thực phẩm, nồi xoong, quần áo, chăn màn…” - Lỉnh kỉnh vậy, khi gặp lâm tặc thì sao? - “Thì… đuổi. Đuổi không kịp thì nhìn chúng… chạy”, anh Minh cười nói.

“Văn phòng” của Trạm kiểm lâm 37, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, là căn nhà cấp 4, mái tôn lụp xụp, diện tích khoảng 40m² ở giữa rừng già. Đó cũng là nơi ăn ở, sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí của 14 cán bộ, nhân viên có nhiệm vụ bảo vệ diện tích lên đến hàng ngàn hécta rừng được xếp loại di sản thiên nhiên thế giới.

Trạm kiểm lâm Cò Phạt có 7 người, chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ đồn trú bên cạnh bản Cò Phạt thuộc huyện Con Cuông tỉnh Nghệ An. Tiếng là gần bản gần dân, nhưng từ trung tâm xã Môn Sơn vào đến trạm, đi đường bộ phải mất gần 2 ngày; theo đường sông - như chúng tôi đi, cũng hết 4 giờ vừa ngồi thuyền vừa chống thuyền, đẩy thuyền vượt thác. Đây là một trong những địa bàn “7 không”: không điện, đường, trường, trạm, chợ, thông tin liên lạc và không... có khách. 7 người quản lý bảo vệ hơn 10.000ha rừng địa hình hiểm trở, mỗi đợt tuần rừng của họ kéo dài cả chục ngày đi bộ với hành trang trên lưng như bộ đội hành quân vượt Trường Sơn thời đánh Mỹ...

Ai là lâm tặc?

Phá rừng, trước hết là lâm tặc. Nhưng “lâm tặc” là ai? Tại Vườn quốc gia Yok Đôn, hiện có 7 xã với hơn 40.000 dân đang cư trú tại vùng đệm và vùng lõi. Tại Vườn quốc gia Pù Mát, cũng có hơn 1.000 hộ với gần 8.000 người sinh sống, làm ăn ngay trong khu vực vườn, trong đó khoảng gần 300 hộ cư trú trong vùng lõi. Còn ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, một lượng lớn cư dân ở vùng đệm sống chủ yếu dựa vào những sản phẩm động thực vật rừng và… đất rừng. Chính những bất cập này khiến họ trực tiếp hoặc gián tiếp trở thành… lâm tặc.

Một nguyên nhân khác, đó là tình trạng chia cắt trách nhiệm giữa kiểm lâm và các lực lượng quản lý ở địa phương. Rừng thì rộng, cửa thì nhiều và phối hợp ra sao để góp phần ngăn chặn gỗ lậu và thú quý về xuôi? Theo một doanh nghiệp kinh doanh lâm sản có tiếng ở miền Trung, các chốt kiểm soát của kiểm lâm chỉ để kiểm soát… người ngay. Còn với dân làm gỗ lậu chuyên nghiệp, có bao nhiêu, đi cũng lọt. Tất nhiên đến nay, chưa ai lôi được ra ánh sáng những vụ “có tổ chức” thông đồng, tiếp tay lâm tặc của kiểm lâm, nhưng thỉnh thoảng cũng có vài vụ “lẻ tẻ” bị phát hiện rồi… hóa bùn, tang vật biến mất, thủ phạm vô can…

Như đầu năm 2010, kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn bắt quả tang 2 vụ lâm tặc khai thác hàng chục mét khối gỗ quý. Vụ việc được báo chí lên tiếng và cơ quan chức năng - nghe nói cũng vào cuộc điều tra, nhưng sau đó thì… hòa cả làng.

Bên cạnh những kiểm lâm viên chịu đựng gian khổ, sống heo hút giữa rừng sâu, căng mình và hết mình bảo vệ rừng thì cũng có không ít cán bộ “đang làm việc trong các cơ quan có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng lại nằm trong các đường dây khai thác gỗ lậu hoặc tiếp tay cho lâm tặc…” - như lời trong đơn tố cáo của một cán bộ quản lý ở Vườn quốc gia Yok Đôn…

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục