
Với vẻ tĩnh lặng và hết sức bình thường, những động “lắc” mà chúng tôi có dịp thâm nhập bên ngoài giống như các cơ sở kinh doanh khác. Tuy nhiên, những gì chúng tôi chứng kiến thì rất khác so với mọi dự đoán. Những tụ điểm kinh doanh thác loạn này đang biến tướng hết sức phức tạp, ẩn chứa nhiều hiểm họa cho xã hội và có nguy cơ bùng phát, vượt khỏi tầm kiểm soát…
- Kinh doanh siêu lợi nhuận

Một dân đi “bay” chuyên nghiệp cho biết, một viên thuốc lắc có hình cá heo bán tại Thái Lan hoặc Campuchia giá khoảng 70.000 đồng, khi về đến TPHCM giá rẻ nhất cũng lên đến 150.000 đồng. Sau hàng loạt các vụ đánh sập nhiều đường dây cung cấp ma túy, thuốc lắc khiến giá trên thị trường tăng lên “chóng mặt”. Để có được một viên lắc “thứ thiệt”, dân ghiền phải mất 250 – 400 ngàn đồng.
Một cán bộ Công an TPHCM nhận định, lợi nhuận từ thuốc lắc chỉ đứng sau heroin nhưng lại dễ vận chuyển, dễ phi tang hơn nhiều. Việc mua bán loại tân dược nguy hiểm này mặc dù không công khai nhưng nói như dân chơi thuốc lắc là “dễ như mua thuốc lắc”.
Bởi chỉ cần nhấc máy “alô”, dân “bay” đêm sẽ có hàng mang đến phục vụ tận “động lắc”. Chỉ tính riêng 2 đêm chúng tôi theo chân những con lắc, đã có hơn 30 viên thuốc đến tay con lắc thông qua hình thức này.
Có một luật bất thành văn của kẻ cung cấp thuốc lắc và dân ghiền lắc đó là các đường dây, đầu mối cung cấp thuốc lắc cho dân “bay” đêm hoạt động suốt đêm.
Dân ghiền lắc có thể gọi bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu cũng được phục vụ. Nhưng phần lớn các số điện thoại này sẽ “ngoài vùng phục vụ” từ sau 8 giờ sáng. Vì sao? Một con lắc tiết lộ rằng các đường dây đang dè chừng lực lượng công an nên phải hoạt động “nửa công khai nửa bí mật” như vậy.
“Bãi đáp” được cho là khá an toàn của dân “bay” đêm hiện nay ngoài các vũ trường, quán bar (chơi trong giờ “vàng”, tức trước 0 giờ) còn có các tụ điểm karaoke, khách sạn. Thông thường để qua mặt sự kiểm tra đột xuất của các lực lượng chức năng, phần lớn các động lắc là khách sạn không để dàn âm thanh trong phòng mà chỉ đợi đến khi có khách mới mang lên lắp ráp, đấu nối. Dĩ nhiên phòng ốc loại này cũng đã được thiết kế cách âm hoàn hảo. Khi dân lắc đã vào, khách sạn chỉ việc thu tiền phòng (khoảng từ 700 ngàn đến 1 triệu đồng/1 đêm cho nhóm lắc 5 đến 10 người) và... chịu khó canh cửa.
Trong phòng lắc, cửa đóng then cài lại, được trang bị tận răng tất cả mọi thứ mà dân lắc yêu cầu (nước suối, bia, sữa tươi, nước tăng lực và cả bao cao su…). Một dân lắc chuyên nghiệp nói “bay” đêm ở khách sạn thì an toàn nhưng không “ép phê” bằng đi các tụ điểm karaoke vì dàn âm thanh ở khách sạn kém hơn.
Cũng chính vì vậy mà các tụ điểm như Karaoke M.T. trên đường Đinh Tiên Hoàng, L.M. ở quận 6, một loạt động lắc karaoke ở quận 11 luôn kín phòng dù giá mỗi giờ khá cao (từ 120 đồng/giờ trở lên) và thông thường đã vào động lắc thì phải chấp nhận bị “nhốt” đến sau 9, 10 giờ sáng hôm sau mới được chủ quán “thả” ra.
Đặc biệt những động lắc này chỉ tiếp nhận khách quen hoặc nhóm khách có người là dân lắc “bảo kê”. Đã là dân đi “bay” đêm, không một con lắc nào chơi thuốc vài tiếng, thời gian dành cho mỗi đêm “lắc, giật” ít nhất phải 10 giờ đồng hồ. Với giá “phổ thông” nhất hiện nay là 120 ngàn đồng/giờ, 30 ngàn đồng một lon bia, 20 ngàn đồng một chai nước suối, chỉ tính riêng trong một đêm đi “bay” cùng dân lắc, cả bọn chúng tôi đã “cúng” cho động lắc gần 4 triệu đồng cho một căn phòng rộng hơn chục mét vuông.
Tính sơ sơ chỉ cần 3 phòng lắc được trang bị âm thanh, cách âm tốt cũng cho thu nhập cả chục triệu đồng/đêm. Còn tại khách sạn loại bình dân, cho thuê phòng cao lắm 300 ngàn/đêm, nhưng chỉ cần 5 con lắc vào một phòng cũng có thể kiếm trên một triệu đồng chưa kể các dịch vụ khác… Chính vì vậy, bất cứ đâu, bất cứ khi nào có điều kiện, những người “có gan” cũng sẵn sàng biến cơ sở kinh doanh của mình thành “động lắc”.
Thiếu tá Trần Đức Tài, Phó trưởng Công an quận 1, trong buổi trao đổi thông tin với báo chí cho biết, quận 1 ngoài 16 vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, thì có đến 64 quán bar, karaoke và rất nhiều nhà hàng, quán ăn. Theo ông, những nơi này đều có khả năng biến thành vũ trường, sàn nhảy. Trước 24 giờ, nơi đây là quán ăn, quán cà phê nhưng sau 24 giờ chỉ cần dẹp bàn ghế là đã trở thành “sàn nhảy” dù diện tích không lớn.
Ông đưa ra ví dụ là quán Sahara, chỉ rộng chưa đến 100 mét vuông nhưng trong lần kiểm tra gần đây nhất có đến gần 300 khách đang “nhún nhảy” trong quán. Với những biến tướng này, lực lượng chức năng rất khó kiểm tra, phát hiện xử lý. Điều đáng nói là thế giới lắc và những biến tướng của nó không chỉ dừng lại ở mỗi chuyện “lắc” mà nguy hại hơn đó là sự băng hoại những giá trị đạo đức, lối sống của bộ phận giới trẻ mà chúng tôi đã đề cập trong loạt bài này. Điều đáng ngại hơn, loại hình kinh doanh này đang lan tỏa, bùng phát trên diện rộng…
- Lắc đến bao giờ...?
Theo một thống kê chưa đầy đủ, toàn thành phố hiện có khoảng 50 vũ trường, gần 1.000 quán cà phê bar, karaoke cùng một lượng rất lớn hệ thống nhà hàng quán ăn. Có bao nhiêu trong những điểm này có thể trở thành những tụ điểm ăn chơi, những “động lắc”? Dù chỉ vài đêm “bay” cùng dân lắc, bây giờ chỉ cần nhìn sơ qua phòng ốc, chúng tôi cũng có thể nhận biết được rằng khách sạn này có phải là điểm mà dân chơi lắc thường đến hay không.
Có lẽ trên thế giới hiếm có loại khách sạn bình dân nào lại được thiết kế cách âm một cách chuẩn mực như một số khách sạn tại TPHCM. Đối với những quán karaoke, vũ trường, sau khi thành phố có qui định ngưng hoạt động sau 0 giờ, hầu hết các quán đều thực hiện đúng qui định và sau đó đối phó bằng cách đóng cửa, tắt điện đồng thời “nhốt” khách đến 8, 9 giờ sáng hôm sau nhằm qua mặt lực lượng chức năng.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng TPHCM đã nhiều lần ra quân dọn dẹp tệ nạn này và đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Chỉ trong 4 tháng đầu năm nay, các cơ quan nội chính đã khám phá 493 vụ liên quan đến ma túy, trong đó thu giữ trên 9.000 viên ma túy tổng hợp. Riêng chuyên án của Phòng Cảnh sát Phòng chống ma túy Công an thành phố đã bắt giữ 3 đường dây cung cấp thuốc lắc xuyên quốc gia với hơn 40.000 viên, 2 kg ma túy tổng hợp cùng nhiều khuôn ép.
Công an quận Bình Thạnh phá liên tiếp một số “động” thuốc lắc, nhưng xem ra vẫn chưa thấm vào đâu so với thực trạng đang tồn tại. Lãnh đạo Công an quận 10 thì nêu một khía cạnh khó khăn khác. Trước đây, lực lượng công an quận đã phát hiện những điểm biến tướng trong số 356 điểm kinh doanh cà phê, karaoke trên địa bàn, sau khi xử lý đã kiến nghị Phòng Kinh tế quận rút giấy phép, đình chỉ hoạt động.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, cũng tại địa chỉ này, một tấm bảng hiệu khác lại được trưng lên. Việc nâng cấp lên thành công ty TNHH do Sở Kế hoạch Đầu tư cấp phép, cơ quan chức năng cấp quận chỉ thực hiện chức năng kiểm tra và nếu phát hiện vi phạm mới lập biên bản phạt, kiến nghị lên cơ quan chức năng cấp trên xử lý.
Làm gì để ngăn chặn loại “dịch” mới đang làm băng hoại giá trị đạo đức của một bộ phận lớp trẻ? Hẳn đã đến lúc các ngành hữu quan cần có những giải pháp cấp bách, đồng bộ, quyết liệt để tấn công vào “mặt trận” nóng bỏng này. Thực tế đang cảnh báo những tín hiệu rất xấu nếu tệ nạn này phát tác trên diện rộng...
NHÓM PV TSXH