
Trong kháng chiến chống Mỹ, ông đã dẫn đường thành công khoảng 80 trận đánh, góp phần bắn hạ 60 máy bay địch. Trong thời bình, ông là một doanh nhân thành đạt, có công biến một khu nhà trọ tồi tàn thành khách sạn 3 sao, doanh thu nhiều tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, ông còn là cây bút sung sức với hàng ngàn trang viết trên nhiều thể loại: tiểu thuyết, ký, kịch bản phim…
Dẫn đường để phi công ta bắn hạ 60 máy bay địch
Lê Thành Chơn sinh năm 1942 trong một gia đình nông dân ở An Giang, nhưng quê quán lại ở dải đất miền Trung đầy nắng gió. 10 tuổi cậu bé Chơn đã vào bộ đội. Năm 1954, khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, Lê Thành Chơn lên đường ra miền Bắc. Như có duyên nợ với bầu trời, ông được tuyển vào lực lượng không quân và trở thành phi công chiến đấu. Cùng đồng đội, ông đã nhiều lần lái máy bay chiến đấu Mig 17 nghênh chiến với đủ loại máy bay hiện đại của Mỹ, bảo vệ bầu trời Tổ quốc.

Ông Lê Thành Chơn (giữa) nhận giải thưởng Đào Tấn.
Trò chuyện với chúng tôi trong một buổi chiều lắc rắc mưa giữa trung tâm TPHCM, Trung tá Lê Thành Chơn bồi hồi nhớ lại: “Trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 10-1972, cuộc đọ sức trên không trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết. Với tinh thần dũng cảm, trí sáng tạo tuyệt vời, các chiến sĩ không quân Việt Nam đã giáng trả những đòn quyết liệt”.
Dừng lại chút, ông đưa ra con số với niềm tự hào ánh lên trong khóe mắt: “Tỷ lệ máy bay giữa Việt Nam và Mỹ trên bầu trời lúc đó là 1-16. Thế nhưng tỷ lệ tổn thất tương đương lại là 1-2,63”. Đó quả là một con số có khả năng làm kinh ngạc bất cứ nhà quân sự kinh điển nào trên thế giới vì nó cho thấy rằng không phải cứ mạnh là thắng!
Trong thời gian làm hoa tiêu không quân, Trung tá Lê Thành Chơn đã dẫn đường thành công khoảng 80 trận đánh, góp phần quan trọng để phi công ta bắn rơi 60 chiếc máy bay của địch. Đặc biệt, ông nổi tiếng với kỹ thuật tìm địch trong lúc rada bị nhiễu sóng và giúp phi công trên bầu trời chuyển từ thế bị động sang chủ động, từ chỗ bị truy đuổi thành mũi nhọn tấn công quân thù.
Bài học đầu tiên trên thương trường bắt đầu từ... toilet!
Ông không ngần ngại khi nói với chúng tôi về điều đó, ngược lại rất tâm đắc với bài học quý đầu tiên rút ra từ cái… toilet trong cuộc đời làm kinh tế của mình.
Năm 1989, trong một tình huống không hề mong đợi, ông được phân công quản lý khách sạn Sài Gòn. Cả khách sạn không có lấy một cái máy điều hòa, nước chảy lênh láng, hôi hám như một nhà trọ rẻ tiền. Ông nản chí. May sao, lúc ấy nhiều đồng đội đã từng đồng cam cộng khổ với ông khuyên can nên ông quyết tâm không rút lui.
“Phải tiếp tục chiến đấu chống lại cái xấu, cái đen tối và bảo vệ cái đẹp, sự trong sạch như mình đã chiến đấu trước đây”- với tâm niệm đó, ông bắt tay vào xây dựng lại từ đầu. “Hồi đó, có người gọi tôi là “ông giám đốc mãi dâm” vì khách sạn này đầy rẫy gái mãi dâm. Nghĩ mà xót xa, nhưng đó là sự thật”-ông tâm sự một cách chân thành. Đẩy lùi tệ nạn này ra khỏi khách sạn là một “cuộc chiến” cam go, nhưng với tinh thần người lính, một lần nữa, ông đã chiến thắng.
Bán toàn bộ kho chén, đĩa được 3 triệu đồng, cộng với 500.000 đồng vốn của khách sạn, ông “cắn răng” đầu tư xây dựng một căn phòng với nhiều tiện nghi, tuy chưa phải là sang trọng nhưng tạm chấp nhận được để đón khách nước ngoài. Vừa mừng vui, vừa hồi hộp, ông đón hai vị khách nước ngoài vào xem phòng.
Xem xong, hai vị khách lập tức bỏ đi. Ngạc nhiên quá, bằng vốn tiếng Anh còn ít ỏi lúc đó, ông chạy theo hỏi cho ra lẽ. Hai vị khách cho biết mọi thứ trong phòng đều tốt, duy chỉ có cái… toilet là không thể chấp nhận được. “Chúng tôi coi trọng cái toilet không kém những thứ khác!”-Câu nói của vị khách người nước ngoài làm ông đau thắt vì 3,5 triệu đồng vét túi đầu tư kể như mất toi chỉ vì cái toilet chưa được đánh giá cao, xây dựng sơ sài kiểu “một cái lỗ, hai cục gạch” do quan niệm ăn nhiều, ngủ nhiều chứ “cái việc ấy” có bao nhiêu.
Nhưng đồng thời, câu nói đó cũng mở ra cho ông một tia sáng mới. Ông giám đốc lập tức tìm sang khách sạn Caravelle để tham khảo xem cái toilet hiện đại phải như thế nào. Lúc đó ông mới ồ lên: Hóa ra lâu nay mình làm giám đốc khách sạn mà chưa hiểu gì về… khách sạn!
“Lúc đó lương bổng thấp lắm, nhưng tôi vận động anh em mỗi người đóng góp một tháng lương, riêng tôi góp gấp đôi. Được tất cả 1 triệu đồng, tôi đầu tư xây dựng lại một cái toilet thật lịch sự. Vừa hoàn thành, có hai vị khách người Hà Lan vào xem phòng là đồng ý ngay. Lúc đó giá mỗi ngày đêm là 5USD, họ ở 3 ngày, vị chi là 15USD. Đó là những đồng ngoại tệ đầu tiên mà chúng tôi có được từ quyết tâm kinh doanh của mình”.
Trong nhiều năm liền, Công ty cổ phần Khách sạn Sài Gòn ăn nên làm ra, đời sống cán bộ - công nhân viên được nâng lên rõ rệt. Có lúc doanh thu đạt trên 15 tỷ đồng với nhiều loại dịch vụ: khách sạn, lữ hành, nhà hàng, giải trí… Công ty đã được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Năm 1995, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Lê Thành Chơn được bầu chọn là một trong 10 giám đốc khách sạn giỏi nhất cả nước.
Doanh nhân đam mê... cầm bút

Kíp sĩ quan dẫn đường đã góp phần vào chiến công bắn rơi 43 máy bay Mỹ của Trung đoàn không quân tiêm kích 927 (người ngồi ở bìa trái là Lê Thành Chơn). Ảnh: TƯ LIỆU
Vừa quản lý và điều hành doanh nghiệp, Lê Thành Chơn vừa thực hiện niềm đam mê to lớn của mình: cầm bút. Ông có một bút lực dồi dào với hàng ngàn trang viết, “tả xung hữu đột” trên nhiều “mặt trận” như: tiểu thuyết, ký, kịch bản phim…
Ông là tác giả nhiều tập bút ký viết về những trận chiến trên không và phi công như: Đọ cánh; Người anh hùng chưa được tuyên dương; Tầm cao; Bầu trời ước vọng; Tia chớp giữa bầu trời; Người phi công tài hoa; Hoàng tử của bầu trời… Các tiểu thuyết như: Huyền thoại đất phương Nam; Bản án tản thất quân dụng (đã đăng nhiều kỳ trên báo SGGP); Đối mặt.
Bộ tiểu thuyết Canh năm gồm 2 tập, dài 1.700 trang vừa được xuất bản viết về thời kỳ đổi mới mà bối cảnh chính là ngành du lịch. Ông còn “khoe” rằng đã viết được 1.000 trang trong tổng số khoảng 2.000 trang của bộ tiểu thuyết sử thi chiến đấu trên không mang tên “Khối mây hình lưỡi búa”.
Ngoài ra, ông cũng đã hoàn thành nhiều kịch bản phim như: “Lợi nhuận” viết về thị trường chứng khoán; kịch bản 13 tập chuyển thể từ tiểu thuyết Bản án tản thất quân dụng và nhiều kịch bản phim tài liệu khác mà ngay bản thân ông trong một lúc cũng không thể nào nhớ hết.
Không chỉ viết văn, Lê Thành Chơn còn là cộng tác viên thân thuộc của nhiều tờ báo, nhất là về đề tài người lính, phi công. Gần đây, ông còn tham gia viết bài về thị trường chứng khoán với tư cách một chuyên gia am hiểu cho Báo Sài Gòn Giải Phóng. Ở lĩnh vực nào, ông cũng đều hoàn thành với tinh thần và trách nhiệm cao của một người lính.
Tác phẩm đầu tiên của chiến sĩ - doanh nhân Lê Thành Chơn lại là một truyện ngắn viết bằng tiếng… Hoa. Truyện ngắn có tựa đề “Người chính ủy của tôi” được ông viết trong chưa đầy một ngày khi đang học tập tại Trung Quốc. Khoảng 10 ngày sau khi gửi đi, “đứa con đầu lòng” của ông được đăng trên báo Quân giải phóng của Quân đội nhân dân Trung Hoa. “Nhuận bút là 3 nhân dân tệ. 1 nhân dân tệ mua được 10 kg táo. Lúc đó, tôi mua táo về cho cả lớp ăn một bữa… nhớ đời” - ông bật cười sảng khoái trong dòng hồi ức thật xa xăm nhưng ngỡ như vẫn còn nóng hổi. |
NHÓM PHÓNG VIÊN