Nông nghiệp nông thôn - trụ đỡ an sinh xã hội

Bài 3: Cơ chế và chính sách đồng bộ

Thời gian qua, nông nghiệp nông thôn (NNNT) đã xác lập được vai trò trụ đỡ an sinh xã hội quan trọng.  Tuy nhiên, sự hỗ trợ không đều trong suốt thời gian dài vừa qua cho khu vực NNNT đã làm giảm sức lực nông dân. Trong khó khăn chung, NNNT tuy cố vươn lên nhưng cần phải được trợ lực kịp thời bằng cơ chế chính sách để tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho nông dân.
Bài 3: Cơ chế và chính sách đồng bộ

Thời gian qua, nông nghiệp nông thôn (NNNT) đã xác lập được vai trò trụ đỡ an sinh xã hội quan trọng.  Tuy nhiên, sự hỗ trợ không đều trong suốt thời gian dài vừa qua cho khu vực NNNT đã làm giảm sức lực nông dân. Trong khó khăn chung, NNNT tuy cố vươn lên nhưng cần phải được trợ lực kịp thời bằng cơ chế chính sách để tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho nông dân.

Đối phó với biến đổi khí hậu

Là vùng sản xuất lớn nhưng nông nghiệp ở ĐBSCL phát triển chưa bền vững, nguồn lợi thủy sản có nguy cơ cạn kiệt, tình trạng mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, phèn hóa cục bộ, mưa lũ, hạn hán… Đặc biệt, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày càng diễn biến phức tạp, cơ giới hóa nông nghiệp còn yếu và manh mún, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên năng suất và chất lượng chưa cao. Hiện nay, toàn vùng mới sử dụng khoảng 34% giống xác nhận trong gieo sạ. Trong khi đó, hàng năm ĐBSCL cần khoảng 400.000 tấn giống lúa xác nhận, nhưng nguồn giống từ các viện, trường, trung tâm... chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu. Do đó, bên cạnh nguồn giống lúa được cung cấp từ các viện, trường... các tỉnh cần phải chủ động khảo nghiệm, chọn lọc các giống lúa chủ lực để đáp ứng nhu cầu sản xuất của địa phương.

Duy trì và phát triển các làng nghề ở ĐBSCL là giải pháp cần chú trọng để bảo đảm việc làm nông thôn. Trong ảnh: Làng nghề đan lưới Thơm Rơm (Cần Thơ) tạo nhiều việc làm. Ảnh: C.PHONG

Duy trì và phát triển các làng nghề ở ĐBSCL là giải pháp cần chú trọng để bảo đảm việc làm nông thôn. Trong ảnh: Làng nghề đan lưới Thơm Rơm (Cần Thơ) tạo nhiều việc làm. Ảnh: C.PHONG

TS Nguyễn Thị Lộc (Viện Lúa ĐBSCL) cho biết, để duy trì một nền nông nghiệp bền vững, việc xây dựng và áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) là một hướng đi nhằm bảo vệ cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng. Đến nay, Viện Lúa đã nghiên cứu đặc tính sinh học của các loài, dòng nấm ký sinh trùng nhằm tuyển chọn những loài, dòng nấm có tiềm năng trừ sâu hại cây trồng. Một số nhà khoa học khác cho rằng, ĐBSCL cần phải có một chính sách quy hoạch tổng thể, một cơ chế đặc thù cho nền nông nghiệp; đầu tư nâng cấp hệ thống các cống, tuyến đê sông, đê biển để vừa ngăn mặn, vừa phòng tránh thiên tai, lụt bão, nước biển dâng do biến đổi khí hậu.

Theo Ths. Lê Thị Xuân Lan, Đài Khí tượng Thủy văn Nam bộ, BĐKH sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sản xuất nông nghiệp ĐBSCL. Để ứng phó với BĐKH cần thực hiện một số giải pháp, chính sách cụ thể như áp dụng công nghệ, sử dụng năng lượng hiệu quả, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió); trồng rừng và bảo vệ rừng; cải tiến kỹ thuật tưới tiêu trong nông nghiệp; thay đổi kỹ thuật canh tác giống, thời vụ; nâng cấp công trình thủy lợi, giao thông.

Trong khi đó,  PGS.TS Nguyễn Hữu Chiếm (Trường ĐH Cần Thơ) kiến nghị: Để ứng phó với BĐKH cần có những vùng quy hoạch cụ thể để phát triển trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó, những vùng lũ ngập sâu (trồng lúa đông-xuân, hè thu với cá đồng, tràm hoặc khóm); vùng lũ kín (lúa đông xuân, khoai ngọt, rừng tràm, sen với cá đồng); vùng lũ ảnh hưởng triều (mô hình VACB, lúa đông xuân, lúa hè thu, cây màu, cá tra); vùng phức hệ ven biển (bần chua chống xói lở, lúa mùa, tôm, cua biển, cá đồng); vùng mặn cao (mắm và đước, tôm quản canh, cá đồng, cua biển); vùng bán đảo Cà Mau (tràm, cá đồng, ong mật, lúa đông xuân, cây màu, mía, khóm)…

Kênh tạo việc làm cần được tiếp sức

Phát triển làng nghề

Hiệp hội Làng nghề Việt Nam hiện đang triển khai 3 mô hình đào tạo phát triển các đơn vị làng nghề như mỗi làng một sản phẩm; gắn với vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao các trình độ lao động của người LĐNT đưa ra sản phẩm cao và năng suất lao động cao hơn, phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước. Mô hình được triển khai sẽ đồng thời giải quyết được bài toán thiếu nhân lực cho các làng nghề và góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống cho LĐNT.

Từ khi có đề án đào tạo nghề cho nông dân, nhiều chuyên gia nhận định, đề án giống như việc trao cho người nông dân chiếc cần câu. Từ đây, nông dân có thể tự thoát nghèo bằng đồng ruộng, chăn nuôi, cũng như vươn lên làm giàu. Song, cũng có không ít ý kiến tỏ ra lo ngại tính khả thi, bởi, mỗi năm đào tạo 1 triệu lao động nông thôn (LĐNT)  nhưng điều căn bản là sẽ dạy nông dân những nghề gì, làm thế nào để nông dân  phát huy được khi đã ra nghề? Bằng chứng cho thấy, thời gian qua, việc đào tạo nghề cho LĐNT, đặc biệt đối với các đối tượng bị thu hồi đất nông nghiệp còn tồn tại nhiều bất cập, dẫn đến hiệu quả chưa tương xứng với số tiền Nhà nước đầu tư hàng năm.

Hơn thế, chỉ tiêu đào tạo nghề LĐNT được giao về các tỉnh, thành phố, rồi từ đây, lại giao chỉ tiêu về các trung tâm đào tạo nghề. Điều này đã dẫn đến việc chạy theo số lượng cho đủ chỉ tiêu, trong khi chất lượng đào tạo còn bỏ ngỏ. Thực tế này đã khiến không ít lao động, dù đã qua đào tạo nghề nhưng không đáp ứng được yêu cầu từ phía các nhà tuyển dụng... Tại ĐBSCL đang có những phân vân về chương trình đào tạo nghề cho nông dân. Ông Trần Xuân Bình, Trưởng phòng Quản lý - Đào tạo nghề (Sở LĐ-TB-XH tỉnh Hậu Giang) thừa nhận: “Dù địa phương đã hết sức cố gắng trong đào tạo nghề nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Do tập quán và nếp nghĩ, nhiều nông dân nghĩ ở nhà làm một ngày kiếm 70.000 đồng – 100.000 đồng, đi học chỉ có 15.000 đồng hay 20.000 đồng/ngày, ở nhà làm thuê tiền nhiều hơn”.

Thực tế cho thấy, việc dạy nghề cho lao động ở nông thôn không phải chỉ giáo viên chính quy tham gia dạy nghề và cũng không phải dạy nghề theo kiểu hàn lâm ở trong trường. Ban chỉ đạo Trung ương yêu cầu phải bám sát thực tiễn từng vùng dân cư, từng địa phương. Huy động nhiều thành phần tham gia, như: hệ thống khuyến nông từ trung ương đến cơ sở cùng tham gia dạy nghề; công nhân, nông dân, nghệ nhân, doanh nhân... đã có kiến thức thực tiễn, bây giờ bổ sung thêm kiến thức sư phạm, sau đó về làm giảng viên. Đây chính là những hạt nhân dạy nghề cho nông dân ở địa phương.

Tuy nhiên, có một thực tế là số làng nghề, HTX  sản xuất ổn định, ăn nên làm ra ở ĐBSCL chưa nhiều. Yếu kém chung của nhiều làng nghề, HTX là thiếu vốn, thiếu thông tin, thiết bị - máy móc lạc hậu và sản phẩm ngày càng khó tìm đầu ra. Vài năm gần đây, Trung tâm khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp các tỉnh, thành trong vùng bắt đầu quan tâm tới việc hỗ trợ các làng nghề, HTX. Chương trình quy hoạch - phát triển làng nghề, HTX ở Tiền Giang đã thực hiện 5 năm. An Giang cũng đã có đề án đầu tư cho các làng nghề và các HTX vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy: Nếu thiếu giải pháp đồng bộ, đầu tư chưa thỏa đáng thì việc vực dậy các làng nghề, phát triển các HTX và doanh nghiệp nông thôn trong khu vực sẽ không đạt hiệu quả như mong muốn để tạo ra việc làm ổn định cho người lao động nông thôn.

MINH TRƯỜNG- CAO PHONG

>> Bài 1: Sức sống mới nông thôn

>> Bài 2: Hướng mở việc làm nông thôn

Tin cùng chuyên mục