Đến với những anh hùng

Bài 3: Vườn xưa lặng lẽ

Bài 3: Vườn xưa lặng lẽ

28 tuổi, Lâm Tương, người dân tộc Khmer đầu tiên ở Việt Nam được tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân . Trở thành đại biểu quốc hội ngay trong năm 1976, ông là một tấm gương sáng cho tuổi trẻ Sóc Trăng nói riêng, là niềm tự hào chung của 1,4 triệu đồng bào Khmer Nam bộ. 30 năm đã trôi qua, anh hùng Lâm Tương bây giờ vẫn sống đạm bạc trong ngôi nhà nhỏ bên bờ Nam sông Hậu thuộc sóc Cà Lăng A, xã Vĩnh Châu, huyện Vĩnh Châu tỉnh Sóc Trăng.

  • “Chiến thuật dao phay”
Bài 3: Vườn xưa lặng lẽ ảnh 1
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh về thăm gia đình Anh hùng Lâm Tương.

Nhắc đến anh hùng Khmer Lâm Tương, người ta nghĩ ngay đến “chiến thuật dao phay” trong kháng chiến chống Mỹ của ông. Cùng với đồng đội là Sơn Ton (cũng là AHLLVTND người Khmer), hai ông là nỗi khiếp sợ của Mỹ-ngụy mỗi khi chúng nghe nhắc đến tên.

Ngày ấy, không đồn giặc nào ở Vĩnh Châu có thể tránh khỏi bị tấn công, một khi đã có tay Lâm Tương nhúng vào. Một mình ông với con dao phay giắt ở lưng quần, Lâm Tương cắt dây bò xuyên từng lớp rào quanh các đồn địch. Đến vòng kẽm gai thứ 2, thứ 3, khi đã cảm thấy vừa tầm, Lâm Tương bắt đầu dùng dao phay đào một cái hố thật sâu đủ để né làn đạn như đang cày nát mặt đất.

Khi đã “yên vị” rồi, Lâm Tương mới bắt đầu ra tay quăng lựu đạn. Đúng tầm, chính xác và đảm bảo yếu tố bất ngờ, những quả lựu đạn của Lâm Tương làm bọn địch đang cố thủ trong đồn chết vật ra đất la liệt. Chúng cũng tổ chức bắn trả loạn xạ nhưng với cái hố cá nhân đã đào sẵn, Lâm Tương chỉ việc yên trí chém vè, chờ ngớt tiếng súng thì ra tay tiếp tục. Từ đấy “chiến thuật dao phay” được du kích Vĩnh Châu sử dụng triệt để và rất hiệu quả. Tết Mậu Thân, huyện đội Vĩnh Châu được lệnh đánh thẳng vào chi khu Vĩnh Châu để đè bẹp ý chí kháng cự của chúng.

Sau nhiều ngày bao vây, Lâm Tương quyết định cho anh em rút ra vòng ngoài để giảm bớt thương vong, đồng thời đánh phá  tỉnh lộ 38, cắt đứt con đường rút duy nhất của giặc. Kế đến, một mình Lâm Tương giắt dao phay bò vào… Kết quả trận này, ta giết được 180 tên địch, thu hàng trăm súng và Lâm Tương được phong tặng danh hiệu cao quý AHLLVTND.

  • Lặng lẽ nơi này
Bài 3: Vườn xưa lặng lẽ ảnh 2

Niềm vui tuổi già

Ở tuổi 41, anh hùng Lâm Tương phải nghỉ hưu do sức khỏe kém vì vết thương hành hạ. Lần giở vạt áo, ống quần lên cho chúng tôi xem, những vết sẹo chằng chịt, ông kể: “Mình dính tới 20 vết đạn khắp cả người nên mỗi khi trái gió thì đau nhức lắm, chịu không nổi. Sau giải phóng chỉ tham gia được đến 1983 thì phải xin nghỉ hưu, về vườn chăm sóc mấy con heo, con gà. Tội nghiệp vợ mình, chẳng có lấy một ngày vui vì nỗi lo giặc giã, cơm áo”.

Vấn một điếu thuốc giồng to bằng ngón tay cái, le lưỡi liếm phần giấy quyến cho dính, Lâm Tương nheo mắt châm lửa và rít một hơi dài. Luồng khói trắng bay lãng đãng lên mái nhà lỗ chỗ ánh nắng. Hàng xóm cho biết, do cả nhà 2 vợ chồng, 4 đứa con đi học và một đứa con bị tâm thần chỉ sống bằng đồng lương hưu 1,1 triệu đồng/tháng của Lâm Tương nên gia cảnh ông  hết sức túng bấn.

Trước mặt chúng tôi, vị anh hùng Khmer ngày nào bây giờ trông già yếu so với tuổi 63 của mình quá. Cuộc sống khó khăn, bệnh tật do vết thương tái phát làm ông mờ mắt, ho sù sụ. Ba mươi năm sau ngày đất nước giải phóng, đời sống của đồng bào Khmer Nam bộ đã được nâng lên một bước rất rõ rệt. Thế nhưng, riêng ông, một anh hùng đã vang danh sử sách, một cựu đại biểu quốc hội, một người con Khmer ưu tú của dân tộc… về cuối đời vẫn phải sống một cuộc sống còn thiếu thốn khiến chúng tôi ray rứt mãi...

MINH ANH-HỒNG DÂN

Bài 1: Tên anh tạc vào đá núi

Bài 2: Người bảy lần được gặp Bác Hồ

Tin cùng chuyên mục