
Trong dịp đến thăm và làm việc với Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN) mới đây, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã chỉ đạo: “Điện như lương thực cho sự phát triển kinh tế- xã hội, nếu thiếu điện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển đất nước” và “ngành điện phải đi trước một bước”. Ngành điện sẽ triển khai ra sao để đáp ứng đủ nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt, theo kịp với tốc độ tăng trưởng kinh tế ?
Tầm nhìn mới: điện hạt nhân
Tổng Giám đốc EVN Đào Văn Hưng cho biết, mục tiêu EVN phấn đấu đến năm 2010 đạt sản lượng điện thương phẩm 97 tỷ kWh (so với khoảng 60 tỷ kWh hiện nay), năm 2020 đạt sản lượng 260 tỷ kWh và đến năm 2025 đạt 380 tỷ kWh; điện năng bình quân đầu người từ 550 kWh/người/năm như hiện nay lên 2.600 kWh/người/năm vào năm 2020 và 3700 kWh/người/năm vào năm 2025.

Công nhân Công ty Điện lực 2 thi công đường dây điện cao thế. Ảnh: Đ.M.Q.
Hiện nay ở nước ta, nguồn điện năng chính là nhiệt điện than, nhiệt điện khí và thủy điện. Riêng thủy điện, sản lượng điện sẽ chiếm khoảng 40% toàn hệ thống. Như vậy thủy điện có một vai trò rất quan trọng trong vấn đề đảm bảo nguồn điện quốc gia. Tuy nhiên thực tế cho thấy thủy điện lại phụ thuộc vào nước. Một nhà máy thủy điện hiện đại bao nhiêu, công suất lớn cỡ nào nếu thiếu nước cũng đều vô nghĩa.
Trong những năm qua vào mùa khô, nhiều hồ chứa nước của các nhà máy thủy điện đã xuống thấp hơn mực nước chết rất nhiều. Đó là chưa nói đến việc các nhà máy thủy điện còn phải phục vụ việc tưới tiêu cho nông nghiệp. Theo tính toán của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, đến năm 2020 nhu cầu điện ở nước ta lên đến 201 tỷ kWh và 327 tỷ kWh vào năm 2030. Trong khi đó khả năng huy động tối đa các nguồn năng lượng nội địa chỉ đạt 165 tỷ kWh và 208 tỷ kWh cho các cột mốc nêu trên. Như vậy đến năm 2020 trở đi chúng ta vẫn còn “đói” điện trầm trọng.
Trong bối cảnh đó, điện hạt nhân được xem là phương án ưu thế cho ngành điện. Tháng 1-2006 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã ký Quyết định 01/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt “Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020” .
Một trong những nội dung quan trọng của quyết định này là Việt Nam sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân trong thời gian tới để đảm bảo an ninh năng lượng. Theo một cán bộ của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, điện hạt nhân đang đóng góp trên 16% sản lượng điện thế giới trong hơn hai thập kỷ qua.
Theo kế hoạch, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở nước ta sẽ được xây dựng với quy mô 2.000 – 4.000 MW, chiếm 5-9% tổng công suất phát điện quốc gia, nhà máy sẽ hoàn thành vào khoảng năm 2020. Những năm sau đó, công suất điện hạt nhân sẽ được nâng lên 25-30% trong toàn hệ thống.
Đột phá trong quản lý, kinh doanh
Với mục tiêu đảm bảo cung cấp đủ điện cho nền kinh tế quốc dân đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế- xã hội, ngành điện có chủ trương đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh, dùng lợi nhuận từ các hoạt động khác để phục vụ phát triển điện năng. Mới đây, sự ra đời của dịch vụ viễn thông là một ví dụ.
Theo kế hoạch, trong năm 2006, doanh thu từ viễn thông sẽ đạt 2.400 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, EVN sẽ tập trung phát triển nguồn điện mới. Hiện nay EVN đang khẩn trương hoàn thiện đề án tập đoàn điện lực và sẽ chuyển sang hoạt động theo mô hình này từ năm 2007.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã chỉ đạo: “Ngành điện phải xây dựng thành tập đoàn, đa dạng hóa ngành nghề, phải có ngay công ty tài chính để ngành điện có kênh huy động vốn, góp phần giải quyết những khó khăn hiện nay. Cần đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa Tổng Công ty Điện lực…”. Có thể nói, ngành điện Việt Nam đang đứng trước những cơ hội cũng như thách thức rất lớn trên bước đường phát triển và hội nhập.
* Hiện nay sản lượng điện cung cấp cho nền kinh tế quốc dân đạt 44,9 tỷ kWh, trong đó: công nghiệp-xây dựng chiếm 45,91%; quản lý- tiêu dùng dân cư chiếm 43,81%; khách hàng trực tiếp mua điện hiện có trên 8.430.080 người. |
ĐỖ TRÀ GIANG
Tin, bài liên quan:
Bài 4: Khởi động nhiều dự án tiết kiệm năng lượng
Bài 3: Chậm phê duyệt công tơ ba giá-tăng nguy cơ thiếu điện
Bài 2: Tiết kiệm điện-hiệu quả còn hạn chế
Bài 1: Lãng phí điện - căn bệnh mãn tính