Bài 8: Nở hoa trong lòng địch

Lấy súng địch giết địch
Bài 8: Nở hoa trong lòng địch

Lặng lẽ binh vận

Khâu then chốt của công tác binh vận là tổ chức cơ sở nội tuyến - lực lượng cách mạng bí mật vận động cách mạng và chiến đấu trong lòng địch. Nội tuyến phải luôn luôn có tư tưởng tiến công địch, tự tạo ra thời cơ hành động, từ nhỏ đến lớn, từ thấp đến cao. Cơ sở nội tuyến được xây dựng công phu trong nhiều năm chỉ để hành động trong một thời điểm quyết định: phối hợp với lực lượng chính trị và vũ trang bí mật, bất ngờ đồng loạt nổ súng tấn công tiêu diệt gọn địch từ ngay trong hàng ngũ của chúng.

Lấy súng địch giết địch
 
Vờ làm hỏng xe thiết giáp để khỏi phải cùng binh lính thuộc chi đoàn 3/9 Thiết đoàn 9 Thiết giáp M113 tại căn cứ Cả Bảo (ấp Cái Tắc, Cần Thơ) đi cứu viện ở Kiên Lương, tỉnh Rạch Giá, nội tuyến Nguyễn Văn Kiêm (Tư Kiêm) nhào vào ăn thua cùng đám binh lính còn lại của căn cứ đang lúm xúm nhậu và đánh bài. Kế hoạch hợp đồng tác chiến đã bàn xong, chỉ còn 2 tiếng nữa là tới giờ nổ súng - 19 giờ, ngày 1-2-1968. Tư Kiêm đã chờ đợi thời khắc này từ 3 năm nay. Tim anh rộn ràng. Anh cảm tưởng nếu ngồi không mà chờ đợi thời gian trôi ngược, 2 tiếng đồng hồ có lẽ còn dài hơn 3 năm – thời gian anh đã ẩn mình trong lòng địch.

Chiều đó, địch tăng cường một đại đội bảo an đóng ở Tầm Vu lên bảo vệ căn cứ trong lúc Chi đoàn 3/9 đi chi viện. Sát giờ nổ súng, trong khi đám lính trong căn cứ đang lúm xúm nhậu và đánh bài, thượng sĩ Kiêm lại tỏ ra bực dọc vì phải bỏ dở cuộc vui, đi “xem xe pháo thế nào mà lại hỏng, nhỡ Việt cộng vô thì tiêu”. Nhân lúc xung quanh trống vắng, anh khum người, nhẹ nhàng thọc thanh sắt kéo ra cục bông gòn ban nãy đã nhét vô ống dẫn xăng vờ cho xe hỏng.

Sửa xong xe, anh Kiêm vui vẻ ra mặt. Ghé trạm xăng kêu cảm tình Nguyễn Văn Tưởng: “Đổ đầy đầy chút!” Ở kho vũ khí, thấy anh xông xáo: “Chất nhiều nhiều chút. Lính đi hết trơn rồi, đêm nay nhỡ tụi Việt cộng vô còn có cái mà… tiếp!”, người phát vũ khí không nghi ngờ, cấp cho anh 5 thùng lựu đạn và đầy xe đạn các loại. Vậy là xăng và vũ khí đầy nhóc. Thượng sĩ Kiêm thầm nghĩ: “Của tụi mày sẽ tặng lại tụi mày!” Vẫn còn chút thời gian, anh trở vô chúc rượu cho tụi lính say bí tỉ.

Chưa được xét khen thưởng, giải quyết chính sách binh vận, những gì cựu nội tuyến Tống Viết Hiền (74 tuổi, ngụ TPHCM) giữ được chỉ là những ký ức.

Đúng 19 giờ, lấy cớ vô nhà vệ sinh, anh Kiêm đi thẳng ra xe nổ máy. Lựu đạn hai bên hông xe, anh quăng tới tấp ngăn đám lính đu theo. Xe cán qua cửa rào, anh Kiêm ngừng xe, trèo lên pháo tháp xe dùng khẩu 12,7 ly nã vào căn cứ 1 thùng đạn rồi chạy xe ra khoảng 200m, rước lực lượng bên ngoài gồm 7 người vô đánh chiếm. Xe M113 trở đầu, súng quay ngược lại bắn dội vào căn cứ địch. Chỉ trong hơn 10 phút, lực lượng ta đã bình địa khu căn cứ, tiêu diệt hoàn toàn đại đội bảo an. 

Anh Kiêm và 7 đồng chí trên xe hợp đồng bàn phương án tiếp tục đánh. Bất chợt, đồng chí chỉ huy đề ra phương án khác, ngoài phương án đã bàn lúc trước. Tuân lệnh thủ trưởng, anh Khiêm chạy xe đánh mở cửa (đánh gỡ vỏ bên ngoài cho lực lượng ta vô) xuống hướng Rạch Gòi, Tầm Vu. Khi xe chạy ngang chợ trong khu dân cư, bất chợt anh Kiêm nghe nổ dữ dội trong xe, lửa bùng lên, cháy phủ toàn xe. Lúc này, anh mới biết, xe cháy bởi súng địch nổ như xé giẻ từ nóc nhà hai bên đường.

“Xe bánh xích M113 bên trên trụi lủi, vốn không phải là loại xe có chức năng đánh trong thành phố, nên khi địch ném lựu đạn, anh em không có chỗ che chắn. Xe cháy bùng bùng. 6 đồng chí đã hy sinh.” – anh Kiêm bồi hồi nhớ lại. Khi đó, còn lại đồng chí Bảy Cồ bị thương nhẹ và anh Kiêm ở phía trước cầm lái bị thương nát hết mình mảy. Ngọn lửa càng lúc càng bừng bừng sau lưng. Khung cảnh lúc bấy giờ, một chiếc xe M113 chạy ngoằn nghoèo trên đường phố. Đoạn đường này cũng không có lực lượng của ta tiếp ứng, hỗ trợ. Trong khi địch đã báo động và cho lính bủa vây kín dưới đường, phục kích trên các điểm cao. Và trên đầu, hai chiếc trực thăng quần thảo, thả pháo sáng.

Trong giờ phút sinh tử, anh Kiêm suy nghĩ: ở lại trên xe sẽ chết. Còn lúc này mất bình tĩnh, nhảy ngay ra ngoài, xuống đường, chắc chắn cũng sẽ chết vì địch đang ở thế chủ động, đang bình tĩnh ngắm bắn. Không còn cách nào thoát khỏi, anh Kiêm lết mình lên tháp pháo, quay ngược khẩu đại liên, bắn liên thanh dội một lượt về phía địch gây áp đảo. Trong giây phút chúng hoảng loạn, anh và Bảy Cồ cùng hô “nhảy!” rồi phóng ra khỏi xe. Mỗi người chạy vào một con hẻm, mạnh ai nấy chạy về điểm hẹn để trở lại vùng giải phóng.

40 phút cuộc khởi nghĩa đã gây náo động chi khu Cái Tắc, làm cho địch phải co cụm lại.

Nội công, ngoại kích

Đồn cả Đê là đại đội trọng pháo, có nhiệm vụ trợ chiến cho trung đoàn 11, sư đoàn 7 ngụy lấn chiếm vùng giải phóng và giữ vành đai cửa ngõ hướng Tây Sài Gòn. Lúc bàn cách đánh đồn sao cho hiệu quả nhất, đồng chí Lê Tâm, chỉ huy trưởng trận đánh, trình bày mục đích: “đánh tiêu hao” lực lượng địch, bảo tồn và bồi dưỡng cho lực lượng ta. Nội công, ngoại kích, tạo yếu tố bất ngờ; đánh nhanh, thắng nhanh. Cách đánh: đánh cắt đứt phân nửa đồn về phía trước, chớp nhoáng trong 3 phút rồi rời khỏi trận địa, rút về cứ an toàn. Sở dĩ đánh tiêu hao vì địch trang bị hỏa lực mạnh, ta còn yếu, chưa đủ tay súng, một người phải đánh với 3 người của chúng.

Nghe qua, anh Tống Viết Hiền (quê Bến Tre) rất phân vân. Gần 3 năm là cơ sở nội tuyến, anh hiểu rõ nội tình của địch. Anh mạnh dạn đề xuất: đánh tiêu diệt gọn toàn bộ tại chỗ. Theo anh, nếu đánh tiêu hao, cắt phân nửa địch để đánh rồi rút nhanh, lực lượng ta sẽ không tổn thất trong trận địa. Nhưng khi rút về, ta sẽ không tránh khỏi tổn thất vì phía sau địch còn chỉ huy, điện dài, bãi cối. Địch sẽ bắn pháo theo và kêu lực lượng tiếp viện các nơi bao vây hoặc truy kích.

Thể hiện lòng quyết tâm, anh Hiền bày tỏ: “Tôi đảm bảo tạo mọi điều kiện, sẽ bí mật mở cửa mở và giữ cửa mở đưa lực lượng ta vào tận trong đồn. Ta trước tiên đánh vào chỉ huy sở, điện đài và chiếm công sự ở các phía, hình thành thế bao vây tiêu diệt và kêu gọi địch đầu hàng. Chúng bị đánh bất ngờ sẽ hoang mang rối loạn, dù địch trang bị hỏa lực mạnh bao nhiêu và đông bao nhiêu đi nữa, cũng không đối phó kịp.” Cùng phương án này, anh Hiền đề xuất thêm 2 phương án khác đảm bảo thắng lợi.

Phương án của anh Hiền được cấp trên chấp nhận. Giờ G là 0 giờ 30 ngày 28-8-1963. 

Đến giờ hành động, anh Hiền chiếu đèn pha, ra ám hiệu tịnh tầm xa. Anh chiếu tiếp đèn pin – ám hiệu cho lực lượng ta tiến quân tiền nhập. Bắt được tín hiệu, phút sau, anh Hiền và anh em đặc công giáp mặt nhau tại vọng gác 1. Trong nháy mắt, quân ta đã áp sát bờ thành, lực lượng lọt vào bên trong chốt. Địch không hề hay biết. Anh Hiền cùng đồng đội tiến nhanh vào trung tâm bắn chết tụi lính gác và tên trưởng an ninh. Đặc công ta xuất kích, dùng bộc phá, tiểu liên liên tục đánh vào hầm chỉ huy truyền tin, nhà ngủ sĩ quan, trại lính… 

Chỉ một phút sau địch đã tê liệt. Tương quan lực lượng thay đổi, có lợi thế cho ta. Ta triển khai đánh chiếm hết các công sự phía trước và bên phải đồn. Cơ sở Nguyễn Văn Tài do anh Hiền xây dựng, đã phối hợp lực lượng cánh trái của ta chiếm lĩnh công sự phía trái và phía sau. Cánh quân hình thành thế bao vây. Địch bị ta đánh bất ngờ, hốt hoảng rối loạn hàng ngũ, không thực hiện được phương án phòng thủ. Chỉ trong 5 phút, ta đã tiêu diệt, bắt sống gọn địch, làm chủ hoàn toàn trận địa. 20 phút tiếp theo, ta đã thu, phá hủy hoàn toàn phương tiện chiến tranh của đồn này và rút lui về mật khu an toàn. Địch bị cắt đứt liên lạc, pháo binh địch từ các chi khu và phân chi khu không phán đoán được tình hình để yểm trợ truy kích. Sáng sau, một trung đội địch tới kiểm tra trận địa, bị vấp phải mìn ta gài lại, lớp chết, lớp bị thương.

Bị đánh đau, tinh thần hoang mang dao động. Cuối cùng, binh sĩ lần lượt từng nhóm tự động đào ngũ, mang vũ khí về với cách mạng. Đồn bót địch tại địa phương có hiện tượng co cụm lại, bọn địch bớt hống hách xách nhiễu nhân dân. Riêng đồn cả Đê không tái xây dựng lại, xóa sổ luôn tới ngày giải phóng.

Nuôi quân 3 năm, dùng 1 giờ. Cơ sở nội tuyến được xây dựng công phu trong nhiều năm chỉ để hành động trong một thời điểm quyết định. Liệu có thể xây dựng cơ sở trong nửa ngày, qua 2 lần gặp mặt?

Đường Loan

>> Bài 9: Thế chấp mạng sống

>> Bài 7: “Vợ” của… nhiều người

>> Bài 6: Anh Dũng nhận ra anh hùng

>> Bài 5: Quân ta đối diện quân mình

>> Bài 4: Thoát chết gang tấc

- Bài 3: Trong đỏ, vỏ xanh

>> Bài 2: Đơn thân trong lòng địch

>> Bài 1: Sống giữa hai làn đạn

Tin cùng chuyên mục