Bài học thực sự

Sau chiến thắng trước Barcelona, báo chí Anh hồ hởi về việc Pep Guardiola cho rằng ông học được ở bóng đá Anh vài điều. Đến trận hòa Middlesbrough thì chẳng cần Pep nói, ai cũng thấy rõ ràng là Pep đã “nhận được bài học”.

Sau trận đấu đó, Pep than thở: “Ai cũng nói rằng chúng tôi nên đá phòng thủ - phản công như khi đánh bại Barcelona nhưng làm sao đá như vậy được khi đối thủ của chúng tôi không chịu tấn công. Bạn phải tấn công họ, nhưng vấn đề kế tiếp: khi họ phòng ngự đến 10 người, thì không dễ chút nào”.

Tờ Manchester buổi chiều cho rằng Pep chỉ nói lên một nửa vấn đề. Theo tờ báo này, bóng đá Anh không hẳn đã khó khăn hơn quá nhiều so với các giải đấu khác nhưng có những thứ mà Pep không quen trải qua. Các đội bóng yếu tại giải Ngoại hạng không phòng thủ để hạn chế bàn thua mà đó là cách chơi để họ có thể lật ngược thế cờ bất kỳ lúc nào. Đấy là một cách đối phó chứ không phải là giải pháp mang tính cam chịu. Nếu ở nơi khác, sau khi để thủng lưới 1 bàn, đối phương có khả năng vỡ trận thì Middlesbrough vẫn kiên trì phòng thủ để không thủng lưới thêm trước khi tìm bàn thắng gỡ hòa ở những phút bù giờ. Phải có lòng tin vào một chiến thắng trước Man.City thì đội bóng tân binh này mới kiên trì đến như vậy.

Có người gọi đấy là sức hấp dẫn của bóng đá Anh, nơi mà mỗi trận đấu đều có tầm quan trọng với các CLB do những yếu tố giải trí. Chính Pep thừa nhận, ông ta bị “sốc” ngay trận đầu tiên của mùa bóng khi Sunderland, đội hiện đang đứng cuối bảng xếp hạng, có bàn thắng ngay lần tấn công đầu tiên của mình. Nói cách khác, các đội bóng dù bị đánh giá yếu hơn vẫn sẵn sàng để tạo bất ngờ, nó buộc những đội như Man.City phải tập trung tối đa. Vấn đề là ở lối chơi thiên về kiểm soát bóng của Pep, đâu phải cầu thủ nào cũng đủ khả năng duy trì sự tập trung đó cả về lối chơi lẫn tinh thần.

Việt Khang

Tin cùng chuyên mục