Giải pháp duy nhất

Không phải mọi đội bóng đang tụt dốc đều thay HLV và cũng không phải mọi sự sa thải HLV đều dẫn đến các kết quả tốt, đạt được mục đích.

Không phải mọi đội bóng đang tụt dốc đều thay HLV và cũng không phải mọi sự sa thải HLV đều dẫn đến các kết quả tốt, đạt được mục đích. Leicester có thể khác hẳn khi không còn Ranieri nhưng Middlesbrough thì chưa có gì thay đổi khi cho Karanka nghỉ việc. Mùa trước, Newcastle cũng thay HLV, nhưng vẫn phải xuống hạng dù đó đều là những tên tuổi nổi tiếng là McClaren và Benitez.

Nhưng đôi khi, thay HLV chính là giải pháp duy nhất để đối diện với hoàn cảnh quá khó khăn. Gọi là giải pháp cũng được mà gọi là “không còn chọn lựa nào khác” cũng thế. Theo phân tích, áp lực của một cuộc đua vô địch, hoặc trong một trận đấu có ý nghĩa quyết định, dù cũng ghê gớm nhưng ngược lại nó cũng đem đến cho cầu thủ sự phấn khích. Trong khi đó, chấp nhận thất bại, sống chung với nó là trạng thái hoàn toàn khác. Cầu thủ của một đội bóng thất bại, dù sao cũng có nhiều cách để tự giải tỏa nhưng với các HLV, họ phải tăng thêm áp lực trên đôi vai mỗi ngày. Thế nên, việc sa thải có khi là sự giải thoát. Ít ra, sẽ có một người khác  với trạng thái tâm lý tốt hơn, tinh tường hơn để giúp cho cầu thủ tin tưởng hơn.

Cái việc Arsenal lần đầu tiên thua 4 trong 5 trận ở giải ngoại hạng là một kiểu trạng thái thất bại mặc dù cho đến thời điểm này, Arsenal chưa mất các cơ hội quan trọng. Rõ ràng, áp lực mà HLV Wenger và các học trò đang đối diện là hoàn toàn mới mẻ. Nó khiến cho họ, nếu ở trận đấu tới mà có thắng, thì chưa chắc sức ép đã vơi đi. Niềm tin của các cầu thủ đang bị thử thách. Đây không phải là lần đầu Arsenal phải nỗ lực ở cuối mùa để vào tốp 4 nhưng nếu những cuộc đua trước đó luôn có sự phấn khích đi kèm thì lần này, áp lực thất bại lại đè nặng hơn qua từng vòng đấu khi mà viễn cảnh tệ nhất trong 20 năm qua ở quá gần họ.

Câu hỏi đặt ra: liệu có cần đến “giải pháp duy nhất” hay không?

Việt Khang

Tin cùng chuyên mục