Như Mourinho vừa trải lòng, ông giờ không còn là “người đặc biệt” mà đã là “người điềm tĩnh”. Sự khác biệt nằm ở chỗ: không còn 24/24 giờ với bóng đá nữa mà có thể về nhà, tắt tivi, không quan tâm chuyện bóng bánh.
Tâm sự của Mou trên tờ France Football khiến người ta nhớ đến cuộc trải lòng gần nhất của HLV Wenger cũng trên tạp chí uy tín về bóng đá này. Đại ý, bóng đá với “giáo sư” là thánh đường, là nơi không thể đặt ra cho mình bất cứ giới hạn hay ý niệm cụ thể nào. Đơn giản: Bóng đá là sống, sống là bóng đá.
Nhưng cách suy nghĩ ấy dường như không còn tồn tại. Sự đam mê của một HLV có nhiều bao nhiêu cũng không đủ truyền cảm hứng cho thế hệ cầu thủ mới, những người mà thời gian giao tiếp trên mạng xã hội nhiều hơn là để đầu óc thấm nhuần các triết lý sâu xa về bóng đá. Các khái niệm về lòng trung thành, sự tận tụy cũng vì thế mà không thể bám rễ bền lâu trong tim họ. Các HLV thuộc trường phái cũ luôn muốn mình kiểm soát đội bóng, là ông chủ phòng thay đồ. Nhưng cầu thủ thế hệ hiện tại, xem đó không phải là tiêu chí để họ cống hiến vì đội bóng.
Mourinho đã nhận cú sốc rất lớn ở mùa giải trước, khi rời Chelsea, ông đã gọi các cầu thủ là “những con chuột”. Mùa này, người ta thấy hình bóng ấy ở cuộc chia tay Ranieri-Leicester. Tất nhiên, người ta cũng liên tưởng ngay đến câu chuyện của Arsenal và HLV Wenger hiện tại.
Nếu đó là xu hướng thì rất khó cưỡng lại. Cầu thủ là những người thuộc thế hệ mới, HLV thì ngày càng già đi nên rốt cục, người phải thay đổi lại chính là những nhà cầm quân. Đó chính là những gì mà Mourinho đang cố mô tả về bản thân mình sau những ngày tháng bão tố vừa qua.
Còn Wenger? Thật rất khó để ông thay đổi. Thế nên, tương lai của Arsenal phụ thuộc vào tính truyền thống trong phòng thay đồ còn nhiều hay ít. Chỉ có cầu thủ nào cảm nhận được nó thì mới phù hợp với ông Wenger.
Việt Khang