Bài học về buông lỏng quản lý

Với khẩu hiệu “tự do hóa triệt để nền kinh tế” mà quên mất vai trò quản lý và kiểm soát của Nhà nước, suốt một thời gian dài nước Mỹ đã để cho các thể chế tài chính gồm các tập đoàn tài chính và các ngân hàng muốn làm gì thì làm. Kết quả là họ đưa nước Mỹ đến bờ vực của cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng kể từ năm 1930 trở lại đây. Theo lý thuyết, khủng hoảng tài chính tất yếu sẽ kéo theo khủng hoảng của nền kinh tế.

Đối với nước ta do hội nhập chưa sâu nên cuộc khủng hoảng tài chính ở nước Mỹ chưa tác động nhiều đến nền tài chính và kinh tế của nước ta nhưng cần “chỉ ra những yếu kém của nền kinh tế” như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nêu ra trong diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X.

Một trong những yếu kém cần sớm nhận biết và khắc phục là buông lỏng vai trò quản lý Nhà nước đối với nền kinh tế. Nhiều năm qua chúng ta chỉ chú trọng mời gọi đầu tư, thông thoáng các chính sách để đạt cho được tốc độ phát triển cao mà buông lỏng vai trò quản lý của Nhà nước dẫn đến những thiệt hại, những bất cập cho nền kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiều dự án đầu tư được cấp phép một cách dễ dàng mà không qua thẩm định chặt chẽ về khả năng tài chính và công nghệ để bảo đảm rằng nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính và công nghệ hiện đại cùng với bảo vệ môi trường khi đầu tư vào nước ta. Kết quả, có nhà đầu tư chỉ xí phần những khu đất đẹp để rồi chờ cơ hội bán giá cao cho các nhà đầu tư khác kiếm lợi. Có nhà đầu tư đã đưa thiết bị và công nghệ lạc hậu vừa tiêu tốn nhiều năng lượng vừa gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường và đây là thiệt hại kép cho nền kinh tế - xã hội của đất nước.

Vì sao lại là thiệt hại kép bởi rằng tiêu tốn nhiều năng lượng có nghĩa chúng ta phải cung cấp nhiều điện năng cho họ hoạt động cũng có nghĩa chúng ta phải tốn kém xây dựng thêm nhiều nhà máy điện, hoặc phải cắt bớt phần điện lẽ ra phải phục vụ cho dân sinh thì phải để cung cấp điện cho họ. Thiệt hại thứ 2 là ô nhiễm môi trường do các nhà đầu tư gây ra. Và thiệt hại này là cực lớn sẽ ảnh hưởng lâu dài đến môi trường sống và sức khỏe của nhân dân - điều không thể mang tiền bạc mà đổi lại được.

Do buông lỏng quản lý, nhiều tài sản của Nhà nước đã bị thất thoát, quyền lợi của người lao động bị xâm hại trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.

Do buông lỏng quản lý, nhà nông gặp phải nạn phân bón giả, người dân mua phải thuốc chữa bệnh giả, sữa và thực phẩm nhiễm độc, cây xăng lừa gạt người tiêu dùng…

Hiển nhiên rằng chúng ta đã đạt được không ít thành quả trong phát triển, nhưng nhìn lại với tinh thần thực sự cầu thị thì rõ ràng trong phát triển kinh tế chúng ta còn có những yếu kém cần sớm nhận biết và khắc phục. Cần nâng cao hơn nữa vai trò quản lý và kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động của nền kinh tế.

KS Trần Quốc Khải

Tin cùng chuyên mục