Băn khoăn về hiện trạng phim trên mạng

Lúng túng về phạm vi điều chỉnh của luật

Vấn đề phổ biến phim trên internet hiện vẫn còn khá mới mẻ và chưa được quy định rõ ràng trong pháp luật. Đối với các hoạt động điện ảnh, hiện nay thuộc sự điều chỉnh của Luật Điện ảnh, tuy nhiên, về mặt chủ thể phạm vi điều chỉnh của Luật Điện ảnh cũng chưa thật sự rõ ràng.

Lúng túng về phạm vi điều chỉnh của luật

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ và sức lan tỏa đến chóng mặt của internet, rất nhiều tổ chức, cá nhân đã thông qua con đường này để đưa sản phẩm của mình đến với công chúng, không chỉ là những sản phẩm hàng hóa mà còn là những sản phẩm media, nghệ thuật. Trong đó, phim ảnh, đặc biệt là các thể loại phim ngắn, phim sitcom hay các video clip trong thời gian qua được truyền tải phổ biến khá nhiều qua internet, không hẳn là với mục đích kinh doanh mà nhiều trường hợp chỉ đơn thuần là sự chia sẻ niềm vui, niềm đam mê với cộng đồng. Người thực hiện tìm thấy được cách truyền bá rộng rãi các sản phẩm của mình nhanh chóng và đơn giản.

Khoản 1 Điều 51 Luật Điện ảnh lại quy định việc “chiếu phim, phát sóng phim chưa có giấy phép phổ biến của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh hoặc chưa có quyết định phát sóng của người đứng đầu đài truyền hình, đài phát thanh - truyền hình” là một trong những hành vi vi phạm Luật Điện ảnh. Như vậy, việc làm phim của một nhóm tự phát rồi sau đó đăng tải lên internet để chia sẻ cho bạn bè có thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Điện ảnh và liệu rằng có thuộc trường hợp vi phạm như trên hay không?

Theo Điều 2 Luật Điện ảnh năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì đối tượng áp dụng của luật này bao gồm các “tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động điện ảnh tại Việt Nam”.

Luật Điện ảnh hoàn toàn không có quy định nào giải thích về “cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh” hay “cá nhân có liên quan đến hoạt động điện ảnh” là những ai? Họ có buộc phải là những người có kiến thức nhất định về điện ảnh, ví dụ như phải tốt nghiệp các trường đào tạo về sân khấu điện ảnh, hay chỉ đơn thuần là những cá nhân có thực hiện hoạt động điện ảnh? Vì luật không quy định rõ nên việc xác định nhóm đối tượng làm phim một cách tự phát, theo đam mê nghệ thuật, tự bỏ tiền túi làm kinh phí sản xuất mà không phải là cơ sở sản xuất điện ảnh chuyên nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Điện ảnh là rất khó. Từ đó, cũng rất khó có cơ sở để buộc nhóm đối tượng này phải tuân thủ theo Luật Điện ảnh.

Ngoài ra, việc xác định thể loại của các tác phẩm được đăng trên internet vẫn còn nhiều tranh cãi và nhập nhằng giữa các khái niệm “phim”, “sản phẩm”, “video clip”.

Theo khoản 3 Điều 4 Luật Điện ảnh, “phim” được định nghĩa là “tác phẩm điện ảnh bao gồm phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình”. Nếu căn cứ vào định nghĩa này thì hoạt động làm phim của các nhóm tự phát như hiện nay chỉ có thể được xem xét dưới dạng tiểu phẩm, video clip hay là đoạn phim ngắn chứ không thể được hiểu là phim với định nghĩa đầy đủ như trên. Bản thân Cục Điện ảnh cũng lúng túng khi không có quy định nào nhắc tới phim được đăng tải trên các kênh trực tuyến.

Quản lý thế nào cho phù hợp thực tế?

Về vấn đề phổ biến phim, theo khoản 9 Điều 4 Luật Điện ảnh thì phổ biến phim được hiểu là “việc đưa phim đến công chúng thông qua chiếu phim, phát sóng trên truyền hình, đưa lên mạng internet và phương tiện nghe nhìn khác”. Như vậy, đưa lên mạng internet cũng là một hình thức phổ biến phim. Tuy nhiên khi quy định về phổ biến phim trên internet thì luật chỉ quy định chung chung rằng “việc phổ biến phim trên internet phải thực hiện theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Trong khi đó, khoản 1 Điều 37 Luật Điện ảnh chỉ bắt buộc “phim Việt Nam do cơ sở sản xuất phim sản xuất, phim nhập khẩu” phải có giấy phép phổ biến phim của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về điện ảnh thì mới được phát hành, phổ biến.

Như vậy, việc làm phim của các nhóm tự phát đối với các tiểu phẩm, các đoạn phim ngắn, video clip… có bắt buộc phải xin giấy phép phổ biến phim hay không? Và nếu phải xin giấy phép thì xin ở đâu? Cơ quan nào có trách nhiệm quản lý việc phổ biến phim trên internet? Những câu hỏi này vẫn chưa có lời giải đáp khi mà quy định của luật vẫn còn nhiều kẽ hở.

Nhìn nhận từ thực tế, mỗi ngày, trên YouTube nói riêng mà các trang mạng internet nói chung có tới hàng ngàn video được người dùng đăng tải. Việc đưa phim lên mạng để chia sẻ cho bạn bè hay cộng đồng mạng là hết sức bình thường. Nếu buộc các video này phải đi kiểm duyệt và xin giấy phép là rất nhiêu khê và không mang tính khả thi.

Thiết nghĩ, cần phải có những sửa đổi nhằm xác định rõ giới hạn, phạm vi điều chỉnh của Luật Điện ảnh và có những quy định cụ thể để điều chỉnh các hoạt động phổ biến, đăng tải phim, video clip trên internet sao cho hiệu quả và phù hợp với thực tế.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng Luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục