
(SGGP-12G).- Một người bạn cho biết, ở huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) có 2 cuốn sách chữ Thái cổ được viết trên lá cây. Biết đây là vốn quý không chỉ của riêng gia đình có sách hay của người Thái, mà còn rộng hơn nữa là vốn quý văn hóa nên tôi quyết định luồn rừng, đi tìm hiểu thực hư.
Gian nan tìm sách cổ

Ông Kha Văn Lĩnh cẩn thận mở 2 cuốn sách cổ
Tôi vượt trên 100km lên thị trấn huyện Con Cuông. Một anh bạn bảo “có nghe nói” về cuốn sách, nhưng “hình như” là ở khu vực xã Chi Khê. Tôi phóng xe tiếp trên 10km đến xã Chi Khê. Bí thư Đoàn xã này bảo có nghe nói, nhưng không phải ở xã này mà là xã Cam Lâm.
Lại tiếp tục phóng xe thêm 20km nữa. Có người nói cậu Vi Khằm Hường - Bí thư Đoàn xã này có lần đã thấy 2 cuốn sách viết trên lá cây. Vì Hường đi cơ sở nên tôi phải đợi cậu ta gần 3 tiếng đồng hồ. Gặp nhau, Hường bảo người biết rõ sách cổ đang ở đâu là anh Kha Văn Sơn ở bản Cống.
Anh Sơn là cháu của ông Lang Ngọc Miện - chủ nhân của 2 cuốn sách. Tôi mừng thầm trong bụng. Tìm vào nhà anh Sơn ở bản Cống, anh cho biết cách đây một thời gian, có mấy anh làm bên văn hóa dưới huyện Con Cuông lên mượn, không biết đã trả cho… vợ anh chưa (vì anh hay vắng nhà nên không để ý).
Trước đây, anh Sơn đã vào xin ông bác để cho các anh ấy mượn về nghiên cứu. Anh lục tìm khắp nơi trong nhà nhưng không thấy. Hỏi dò được điện thoại hỏi anh Hậu, anh Hậu nói anh không mượn, có lẽ là anh Hiền mượn.
Chúng tôi tiếp tục lần tìm được điện thoại anh Hiền để hỏi, được anh cho biết đã trả lại cụ Miện. Vậy là có địa chỉ cụ thể. Nhưng muốn vào bản Cam phải có người đưa đi. Cuối cùng, anh Kha Văn Sơn đồng ý đưa tôi đi, với điều kiện tôi phải ở lại nhà anh ăn cơm trưa và “thăm” rượu mấy người bạn.
Vào bản Cam
Quả tình nếu không có anh Sơn dẫn đường thì không biết một mình tôi có vào nổi bản Cam hay không. Đường vào bản với những dốc đứng và cua gấp rất nguy hiểm. Xe máy đang phải cài số 1 và 2 để lên dốc thì bất ngờ lại bổ nhào xuống dốc. Hai tay luôn phải ghì tay lái, chỉ cần lơ là một chút là tai nạn như chơi.
Cuối cùng, sau khi đánh vật với các khúc cua, dốc đứng và cuốc bộ thì bản Cam cũng xuất hiện trước mắt chúng tôi. Bản nằm sâu dưới một thung lũng. Tìm đến nhà cụ Lang Ngọc Miện thấy không khí yên ắng đến lạ kỳ. Anh Sơn cho biết mọi người đều đang ở trong rẫy. Lên trên nhà sàn thấy một mình cụ Miện ở nhà. Nhưng cụ đang ốm rất nặng, chỉ có ánh mắt là nhìn khách, còn miệng và toàn thân không thể cử động.
Anh Sơn cho biết cụ ốm do tuổi già, vì cụ sinh năm 1918. Anh Sơn nói tôi ngồi chờ. Một hồi sau anh và Lang Thị Suồi - cháu nội cụ Miện về. Suồi bảo có lẽ do để sách ở nhà không yên tâm nên bố mang vào rẫy. Từ nhà vào rẫy nơi anh Lang Ngọc Huê đang làm mất gần một ngày đường. Vì trời đã về chiều nên không thể đi vào rẫy được, anh Sơn sẽ cho người “bắn tin” để anh Huê nếu đem theo sách thì ngày hôm sau mang về.
Không còn cách nào khác tôi cùng anh Sơn trở về, trong lòng không khỏi thất vọng. Trên đường về chúng tôi gặp anh Lô Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Cam Lâm. Anh Hoa cho biết, khi cụ Miện còn khỏe, anh có được cụ cho xem và nghe nói ít nhiều về 2 cuốn sách chữ Thái cổ viết trên lá cây. Loại lá cây để viết chữ mỏng như lá mía, bây giờ không thấy xuất hiện trong những cánh rừng gần nhà nữa. Anh nhớ 2 chuyện được viết trong sách là chuyện Ma càu hang, tức là con chó chín đuôi. Con chó này đã có công đánh giặc giữ yên bản làng. Chuyện thứ hai là Tạo Khun Lai và nàng U Piêm. Chuyện này nói về tình yêu trai gái. Anh Hoa chỉ biết có vậy và… hết.
Bất ngờ và hãy còn bí ẩn
Về đến trung tâm xã thì trời tối. Vừa mệt vừa thất vọng, chúng tôi ghé vào một nhà dân bên đường ngồi uống nước. Vừa lúc ấy ông Kha Văn Lĩnh, Chủ tịch UBND xã, đi ngang qua. Ông hỏi thăm và biết chuyến đi vào bản Cam của chúng tôi. Sau hớp nước, ông chậm rãi bảo: “2 cuốn sách… đang ở nhà tôi”! Thật mừng không để đâu cho hết. Hóa ra ông Lĩnh cũng là cháu gọi cụ Miện bằng bác. Khi cụ Miện bị ốm, sợ gia tài quý của dòng họ không được bảo quản chu đáo nên ông Lĩnh đã xin bác cho mang về nhà mình cất giữ.
Ông Lĩnh đưa chúng tôi về nhà ở trong bản Cống. 2 cuốn sách được ông cất giữ rất cẩn thận với nhiều lớp gói, bọc bằng giấy và vải. Cuốn thứ nhất dày 10cm tính cả “bìa” là 2 thanh gỗ nẹp 2 bên, chiều dài của lá 50cm và chiều rộng trên dưới 3cm (vì lá có chỗ rộng, chỗ hẹp), tổng cộng có 60 lá.
Cuốn thứ hai có chiều rộng 14cm tính cả “bìa”, chiều dài lá 30cm và chiều rộng cũng trên dưới 3cm, tổng cộng có 130 lá. Các lá được liên kết với nhau bằng 2 sợi dây xâu qua 2 lỗ trên thân lá. Loại lá cây dùng để viết chữ, theo phỏng đoán của mọi người rất có thể là lá nhọt làn (lá non của cây làn). Chữ được viết kín trên cả 2 mặt lá.
Ông Lĩnh cho biết, mặc dù biết đây là cuốn sách cổ quý nhưng ông cũng thú thực là không biết “đầu” chữ nằm hướng nào và “đuôi” chữ nằm hướng nào. Ông và gia đình, dòng họ mong các nhà nghiên cứu, các chuyên gia về chữ Thái cổ sớm nghiên cứu về 2 cuốn sách này, từ đó có biện pháp gìn giữ một vốn văn hóa độc đáo của người Thái, cũng là góp phần làm phong phú thêm văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Duy Cường