Năm 1983, chúng tôi về Báo SGGP. Khi đó, Báo SGGP là nhật báo duy nhất của TPHCM. Tổng biên tập yêu cầu nâng chất văn hóa của tân văn, nghĩa là tăng cường chất lượng của thông tin. Chúng tôi vui mừng và phấn khởi. Tăng cường, nâng cao chất văn hóa trong báo chí cần có đội ngũ có học thức, có trình độ và bản lĩnh chính trị.
Báo SGGP trở thành một nơi tập hợp lực lượng vững mạnh. Những người từng là nhà giáo, tốt nghiệp các trường đại học: Sư phạm, Khoa học xã hội và Nhân văn; và đương nhiên có cả Trường Tuyên huấn báo chí lần lượt về đây.
Một đội ngũ làm báo mà báo chí cách mạng TPHCM tự hào và tin cậy. Đó là những nhà báo: Hải Nam, Hoàng Minh Phương, Trần Quang Thịnh, Lê Tiền Tuyến, Võ Hàn Lam, Hồng Sơn, Hoàng Văn Kháng, Tô Thùy Anh, Quốc Kế, Trần Lộc, Đức Quang, Hồ Nguyễn, Trịnh Thắng, Phương Thảo, Mai Lan... Đó là các văn nghệ sĩ: Hà Nam Dân, Khả Minh, Hoài Vũ, Cung Văn, Nguyễn Nhật Ánh, Cao Vũ Huy Miên, Dương Trọng Dật, Trần Văn Tuấn, Trần Thế Tuyển, Nguyễn Tường Lộc… (thơ văn); Minh Đăng Khánh, Lê Tường Long... (quốc tế), Trương Quang Lục... (âm nhạc), Nguyễn Đặng, Trương Thọ, Đồng Đức Thành, Thái Bằng… (nhiếp ảnh), Ngô Ngọc Ngũ Long, Bạch Tuyết, Kim Ửng, Việt Hà… (phê bình, lý luận)…
Báo SGGP từng được xem là “lò” đào tạo các nhà báo cho làng báo TPHCM và nơi lập nghiệp thành công cho những tác giả Văn hóa văn nghệ của TPHCM, khu vực và cả nước.
Từ hồi ở đài phát thanh, đài truyền hình và về Báo SGGP, tôi đều được phân công trực tự vệ đêm thứ bảy, chủ nhật và chiều 30 tết. Con gái tôi hỏi: “Bố làm tổ trưởng tự vệ có được ghi trong lý lịch?”. Tôi chỉ là người bình thường, yêu nghề. Nên chi, chuyện tôi tự hào là lẽ tự nhiên. Vì được làm việc với các thầy (nhà giáo làm báo), các văn nghệ sĩ nổi tiếng và nhận thấy Báo SGGP đã định hình và khẳng định là một tờ nhật báo có văn hóa, biết làm văn hóa bằng tân văn báo chí.
Tổng biên tập Tô Hòa thường yêu cầu tính chính xác tuyệt đối của báo chí, khi viết về gương tích cực và nhất là chống tiêu cực. Nhà báo Vũ Tuất Việt yêu cầu nâng chất văn hóa các bài viết “Viết phải có cái tình”; Tổng biên tập Cao Xuân Phách yêu cầu Báo SGGP phải là nơi tập hợp tiếng nói của giới trí thức, văn nghệ sĩ cả nước. Anh thường xuyên hỏi nên mời nhà trí thức nào, văn nghệ sĩ nào đến thăm báo và viết bài cho báo tuần này, tháng này. Tổng biên tập Phan Hồng Chiến mong muốn tính địa phương độc đáo, đặc sắc. Nhà thơ Dương Trọng Dật nhấn mạnh tính nhân văn…
Từ ngày ra số chủ nhật, báo hình thành trang Văn hóa văn nghệ khá đa dạng, phong phú. Do nhiều hoàn cảnh và lý do, nhiều số báo chúng tôi mời gọi và đặt bài của chính những người làm việc tại Báo SGGP. Trang Văn hóa văn nghệ Chủ nhật của SGGP đã mở rộng địa bàn, thu hút người đọc, là giai phẩm đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của tình hình các ấn phẩm Văn hóa văn nghệ chuyên ngành đang gặp khó khăn và ít nhiều làm cân bằng, nâng cao chất văn hóa trong các thể loại khác, ở cùng tờ báo, số báo, trang báo.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, người bạn lâu năm cùng chúng tôi làm việc tại ban Văn hóa văn nghệ, là thầy giáo, thanh niên xung phong, làm thơ, viết truyện… trở thành cây viết tùy bút, tản văn, bình luận văn hóa thể thao xuất sắc. Anh còn phụ trách mục Bút Sài Gòn và Trang Thiếu nhi… Nguyễn Nhật Ánh là cây bút có độc giả và là cầu nối cộng tác viên tuổi trẻ. Những ngày làm việc vất vả, Ánh nói như động viên tôi: “Ông chưa phải là nhà báo”! Tôi hiểu Ánh đòi hỏi gì, yêu cầu gì… Bây giờ, cứ đến dịp 21-6, Ánh nhắn tin: Nhớ cái bữa mất điện, tôi và ông đốt giấy báo, làm Trang Thiếu nhi với Nguyễn Tài và Xuân Trung quá! Trụ sở Báo SGGP đang xây mới. Mong nay mai sẽ có một phòng truyền thống!
Lại đến Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), nhớ lại và suy nghĩ, chúng tôi càng hiểu thêm những lời dạy của Bác Hồ với báo chí và Văn hóa văn nghệ Việt Nam: “Viết gì? Viết cho ai và viết như thế nào?”; “Văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
VŨ KHOA VŨ ÂN THY