Báo động mất đất nông nghiệp

Đầu năm 2008, theo điều tra của Bộ NN-PTNT, cả nước vẫn còn khoảng 4,1 triệu ha đất nông nghiệp. Thế nhưng trong một hội thảo diễn ra cách đây vài ngày, Bộ NN-PTNT khẳng định, năm 2010 cả nước chỉ còn lại có 3,6 triệu ha đất nông nghiệp. Ngay thời điểm đầu năm 2009, tại nhiều cuộc họp Bộ NN-PTNT đã đặt mục tiêu là phải giữ lại khoảng 3,8 triệu ha. Thậm chí mới đây, Chính phủ còn ra “tối hậu thư” cho Bộ NN-PTNT bằng mọi giá phải giữ được diện tích đất nông nghiệp đạt con số 3,8 triệu ha trong cả nước, để đảm bảo an ninh lương thực và tạo ra nguồn gạo xuất khẩu. Nhưng trong thực tế, nhiều chuyên gia còn hồ nghi rằng, tổng diện tích đất nông nghiệp thời điểm hiện nay có thể không đạt nổi 3,6 triệu ha vì nhiều địa phương điều tra chưa kỹ, báo cáo chưa chuẩn!

Thực tế ở nhiều nơi vẫn đang tiếp tục diễn ra nạn “cắm” các nhà máy, khu đô thị mới, khu du lịch… xuống những cánh đồng cò bay thẳng cánh. Đơn giản vì tỉnh nào cũng muốn có nguồn thu ngân sách cao để sớm trở thành tỉnh giàu, còn doanh nghiệp tăng lợi nhuận do sở hữu được các vị trí “đất vàng”.

Hiện nay dọc các tỉnh lộ, quốc lộ từ Nam ra Bắc, đâu đâu cũng gặp ngổn ngang những khu công nghiệp, khu đô thị mới, dự án sân golf, khu du lịch… mọc lên bên cạnh những cánh đồng lúa. Tình trạng vượt rào, xé quy hoạch diễn ra tràn lan và ẩn sau những dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp là những bất ổn xã hội do cơ chế thu hồi đất, giá cả đền bù.

Bộ NN-PTNT và Bộ TN-MT thừa nhận giai đoạn 1995 - 2000, cả nước hồ hởi khai hoang, mở mang đất lúa thì từ năm 2000 đến nay các địa phương lại đua nhau xà xẻo đất nông nghiệp. Đất lúa mất đi trong khi các dự án mới chỉ sử dụng hết khoảng 20% diện tích đất đã thu hồi, chuyển đổi.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã giao Bộ NN-PTNT chủ trì lập quy hoạch tổng thể diện tích cũng như khu vực trồng lúa quy mô quốc gia để trình Thủ tướng phê duyệt. Trong dự thảo về quản lý đất trồng lúa Bộ NN-PTNT đang đưa ra, có những nội dung tương đối mạnh tay: Sẽ quy định các doanh nghiệp nhận chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp phải đền bù giá gấp đôi giá đất thổ cư ở những vị trí “đất vàng” và cao hơn hẳn những vị trí đất nông nghiệp khác ở cùng khu vực đồng bằng thuận lợi. Bên cạnh đó, hành vi lấn chiếm, sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp sẽ bị khởi tố hình sự.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cho rằng, có thể phải quy hoạch tách biệt các vùng công nghiệp và vùng trồng lúa, đưa các nhà máy ra xa cây lúa. Không phải giữ đất trồng lúa là để hạn chế phát triển công nghiệp mà mục đích chính là quy hoạch hài hòa, giữ diện tích đất trồng lúa ở vùng đồng bằng phì nhiêu và nơi phù hợp xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị ở vùng đồi núi. Giữ đất trồng lúa là để đảm bảo mục tiêu cũng như vị thế xuất khẩu lương thực của Việt Nam, và quan trọng hơn, vì kế sách lâu dài là để đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện biến đổi khí hậu, dân số toàn cầu ngày càng gia tăng.

Những “bờ xôi ruộng mật” cứ tóp lại dần trên quy mô cả nước. Giải pháp mạnh mẽ là phải có ngay một quy hoạch cụ thể về những khu vực chỉ được sử dụng để trồng lương thực, không được phép chuyển đổi thành khu du lịch, khu đô thị mới, khu công nghiệp… và kèm theo là cơ chế giám sát hiệu quả và cả chế tài đủ rắn để giữ gìn mảnh đất sống cho cây lúa.

Phúc Hậu

Tin cùng chuyên mục