Bắt đầu từ ngày 7-7-2010, Luật Điện ảnh và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh có hiệu lực. Nghị định số 54/2010/ NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành thực hiện luật trên quy định: tỷ lệ số buổi chiếu phim truyện Việt Nam trên hệ thống các rạp phải đạt ít nhất 20%, khoảng thời gian từ 18 đến 22 giờ trong ngày. Đây là một điều đáng mừng đối với điện ảnh Việt Nam, nhưng cũng thực sự là một băn khoăn lớn không riêng của ngành điện ảnh...
Còn nhớ, đầu những năm chín mươi thế kỷ trước, khi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ký ban hành tăng thời lượng phát sóng phim truyền hình Việt Nam trên sóng của truyền hình trung ương, các nhà làm phim truyền hình đã kêu: làm sao có đủ phim để phát. Thế nhưng, đến nay rất nhiều phim truyền hình dài tập củaViệt Nam phải chờ đợi để phát sóng. Từ thực tế đó cho thấy khi có một chính sách đúng sẽ kích thích sản xuất và sáng tạo. Tuy nhiên, để phim Việt kéo mọi người đến rạp hôm nay là điều không dễ.
Nội lực đang hao mòn
Với nhiều quốc gia, điện ảnh là một ngành công nghiệp, bởi để sản xuất ra một bộ phim phải huy động rất nhiều ngành nghệ thuật, công nghệ tiên tiến, trí tuệ, con người và đặc biệt là tiền. Vào năm 2010 này, tất nhiên kinh phí nhà nước đầu tư cho ngành điện ảnh đã tăng nhiều lần, nhưng vẫn chỉ như “muối bỏ bể”. Các hãng phim lớn của nhà nước vẫn chỉ sản xuất mỗi năm vài phim cầm chừng, vì không đủ kinh phí. Các hãng phim tư nhân thì mạnh ai nấy làm.
Hiện nay cả nước có trên 20 hãng phim, song vẫn không có nổi một trường quay cho đúng nghĩa. Năm 2010, để làm một số bộ phim về đề tài lịch sử chuẩn bị kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, nhiều đoàn làm phim đã phải thuê trường quay của nước ngoài, nếu quay trong nước thì chủ yếu là ngoại cảnh. Các cơ sở khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ cho điện ảnh cũng còn quá nghèo nàn và lạc hậu. Cho đến nay, hầu như các bộ phim nhựa của ta quay xong phải đi làm hậu kỳ ở nước ngoài mới đảm bảo chất lượng chiếu.
Điều quan trọng nhất để phát huy nội lực điện ảnh Việt Nam là vấn đề con người cũng còn bất cập. Thế hệ đạo diễn tài năng, làm việc nghiêm túc như Phạm Văn Khoa, Hồng Sến, Hải Ninh, Bạch Diệp... thì đã ở tuổi bát thập, hoặc ra người thiên cổ từ lâu.
Thế hệ đạo diễn được đào tạo bài bản tại Liên Xô, hiện đang là trụ cột tại các hãng phim lớn, gặp thời buổi khó khăn của điện ảnh, nên quá lâu không được đào tạo lại, tham khảo, tham quan cách làm phim hiện đại của các cường quốc điện ảnh tiên tiến… nên sức làm việc thiếu năng động, tư duy cũng không còn sắc sảo và họ sắp đến tuổi nghỉ hưu. Lớp đạo diễn trẻ chưa có dấu hiệu sẽ khởi sắc trong tương lai... Đội ngũ diễn viên rất đông đảo nhưng chẳng có bao nhiêu gương mặt xuất sắc, tâm huyết vì nghề.
Song hành là các khâu kịch bản, duyệt kịch bản, làm phim theo đơn đặt hàng của nhà nước về sự kiện này, kỷ niệm kia còn rất yếu. Điều đặc biệt nghiêm trọng, căn bệnh trầm kha của điện ảnh nhiều năm nay, là sự cẩu thả, không nghiêm túc, dễ dãi trong làm phim, từ phim nhựa đến phim truyền hình…
Từ những phác họa trên, có thể thấy diện mạo ngành điện ảnh Việt Nam đang thiếu tài năng và thiếu tính chuyên nghiệp. Với một “thể trạng” không khỏe mạnh, mỗi năm sản xuất được trên dưới chục bộ phim thì làm sao có thể phủ rạp trên toàn quốc với thời lượng 20%. Đây thực sự là bài toán khó cho ngành điện ảnh Việt Nam.
Cần một tầm nhìn và cơ chế mới
Theo thống kê mới nhất, nước ta hiện có số dân trên 86 triệu người, trong đó trên 60% dân số là trẻ, nhưng cả nước hiện chỉ có 100 rạp chiếu phim. Nhìn sang Thái Lan, với dân số trên 60 triệu đã có 500 rạp chiếu phim. Thực ra, các rạp chiếu phim của ta chỉ tập trung ở một số đô thị lớn. Ngay thành phố Hà Nội, sau khi mở rộng với số dân hơn 6,2 triệu người, thì đến nay cũng chỉ có hơn 10 rạp chiếu phim, mà không phải rạp nào cũng đông người xem. Chỉ hai địa chỉ: Trung tâm Chiếu phim quốc gia và hệ thốâng rạp của Megastar tại Trung tâm Thương mại Vincom luôn đông khách, phần lớn là lớp trẻ.
Mươi năm gần đây, các rạp chiếu phim được đầu tư xây mới, hiện đại nhưng lại đánh mất lớp khán giả trung niên và cao tuổi. Đó là chưa nói đến lớp khán giả đông đảo và tiềm năng là khu vực nông thôn. Nhiều phim “bom tấn” của nước ngoài ra mắt rất kịp thời ở Việt Nam, nhưng cũng chỉ có một bộ phận giới trẻ đến rạp xem mà thôi. Vấn đề cấp thiết ở đây là làm sao kéo mọi tầng lớp khán giả đến rạp, cần một tầm nhìn, một chiến lược mới về điện ảnh của nhà nước và sự quan tâm của toàn xã hội.
Từ khi Việt Nam gia nhập WTO, chúng ta cam kết mở cửa để các sản phẩm điện ảnh vào Việt Nam. Làm thế nào để điện ảnh Việt Nam phát triển trong bối cảnh hiện nay? Rõ ràng, cần có một hoạch định chiến lược phát triển lâu dài với những bước đi cụ thể cho điện ảnh. Song hành cùng sự đầu tư của nhà nước, bản thân ngành điện ảnh phải tự tạo ra nội lực để tồn tại và chiến thắng ngay trong thị trường trong nước và xa hơn nữa...
CAO MINH