Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương: Hiệu quả từ ứng dụng sinh trắc vân tay

Bình Dương hiện có hơn 1,3 triệu người trong độ tuổi lao động, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tính đến cuối tháng 6-2023 là gần 1 triệu người, tham gia BHYT hơn 2,4 triệu người. Vì vậy, việc ứng dụng công nghệ sinh trắc để cải tiến thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân khi làm thủ tục BHXH là rất cần thiết.
Người dân làm thủ tục BHXH tại bộ phận một cửa, BHXH tỉnh Bình Dương
Người dân làm thủ tục BHXH tại bộ phận một cửa, BHXH tỉnh Bình Dương

Chủ động phát hiện giả mạo giấy tờ

Theo cơ quan BHXH tỉnh Bình Dương, hàng năm thị trường lao động trên địa bàn có sự dịch chuyển rất lớn, lên tới khoảng 60% tổng số người tham gia BHXH, nên vào các ngày đầu tháng, đầu quý, người lao động (NLĐ) đến nộp hồ sơ rất đông (đặc biệt là NLĐ đến nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần), tạo áp lực lớn cho các đơn vị trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ BHXH, BHYT. Từ tháng 11-2022, việc thí điểm sinh trắc vân tay trên CCCD gắn chip thông qua thiết bị sinh trắc vân tay được ứng dụng tại khu vực tiếp nhận hồ sơ, đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động chuyên môn của đơn vị.

BHXH tỉnh Bình Dương đã bố trí riêng quầy thực hiện sinh trắc phục vụ người dân đến nộp hồ sơ, có cán bộ hướng dẫn thực hiện các quy trình tại bộ phận một cửa, tiến hành đối chiếu và thực hiện sinh trắc vân tay với CCCD gắn chip, cắt giảm khâu rà soát giấy tờ, xác minh lý lịch. Bình quân mỗi ngày, BHXH tỉnh sinh trắc cho hơn 200 trường hợp; tính chung từ khi triển khai thí điểm đến nay đã có khoảng 20.000 người nộp hồ sơ được xác thực sinh trắc, chủ yếu là hồ sơ đề nghị hưởng BHXH một lần, cấp lại sổ, ghép - gộp sổ BHXH. Thông qua công nghệ sinh trắc, cơ quan BHXH đã phát hiện 3 trường hợp sử dụng CCCD gắn chip nghi ngờ là giả để đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần, tổng số tiền lên đến gần 200 triệu đồng. Sự việc được báo cho cơ quan công an xác minh, điều tra.

Người dân làm thủ tục tại BHXH tỉnh Bình Dương

Người dân làm thủ tục tại BHXH tỉnh Bình Dương

Anh Nguyễn Văn Tầm (40 tuổi, làm việc tại KCN Nam Tân Uyên, tỉnh Bình Dương), cho biết, đầu năm 2023, khi liên hệ BHXH tỉnh Bình Dương cấp lại sổ BHXH, anh được yêu cầu thực hiện sinh trắc vân tay với CCCD gắn chip, xác định hồ sơ không bị giả mạo khá nhanh, sau đó hướng dẫn đến quầy tiếp nhận hồ sơ, với thời gian thực hiện chỉ khoảng 10 phút, trong khi trước đây, mất nhiều giờ chờ đợi. Đây là cách làm rất hiệu quả, cần được nhân rộng để người dân liên hệ làm thủ tục tại BHXH các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn được phục vụ tốt hơn.

Tiếp tục cải tiến công nghệ

Thực tế triển khai cho thấy, công nghệ sinh trắc đã hỗ trợ cán bộ tiếp nhận hồ sơ xác định danh tính công dân khá nhanh và phát hiện kịp thời được tình trạng giả mạo giấy tờ tùy thân của người nộp hồ sơ, hạn chế tình trạng gian lận để trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Với việc ứng dụng công nghệ mới trong quá trình triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), đến nay, Bình Dương đã có hơn 1,3 triệu người có thể sử dụng CCCD gắn chip khi đi khám chữa bệnh BHYT, rút ngắn thời gian làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ còn từ 6-10 giây, trong khi trước đây phải mất khoảng 10 phút.

Tuy nhiên, do thí điểm, nên công nghệ sinh trắc trên CCCD gắn chip trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, đặt lịch làm việc trực tuyến đã bộc lộ một số vướng mắc. Cụ thể, một số trường hợp có dấu vân tay bị mờ, mất dấu vân tay hoặc lỗi dấu vân tay của CCCD gắn chip, dẫn đến thực hiện sinh trắc không thành công, khiến người dân và cả cán bộ lúng túng, mất nhiều thời gian. Đặc biệt, số lượng thiết bị được trang bị chưa đáp ứng đủ so với số lượng người dân nộp hồ sơ, là nguyên nhân chính khiến người dân phải chờ đợi lâu trong quá trình sinh trắc, chưa kể các trường hợp hệ thống hỗ trợ sinh trắc lỗi hoặc chậm kết nối, xác thực thông tin trên CCCD gắn chip và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên có trường hợp không thể thực hiện quy trình sinh trắc.

Người dân nộp hồ sơ làm thủ tục BHXH

Người dân nộp hồ sơ làm thủ tục BHXH

Theo bà Lê Minh Lý, Giám đốc BHXH tỉnh Bình Dương, BHXH Việt Nam cần sớm trang bị thiết bị sinh trắc cho toàn bộ viên chức, NLĐ tại bộ phận một cửa để hỗ trợ cán bộ tiếp nhận hồ sơ trong việc xác thực danh tính của người dân, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi lạm dụng, chiếm đoạt tiền BHXH. Cùng với đó, cần nâng cấp phần mềm nghiệp vụ để lưu lại thông tin sinh trắc, số lượt sinh trắc để có cơ sở kiểm tra, đối chiếu trong quá trình giải quyết hồ sơ và phục vụ việc thống kê, báo cáo.

Thực hiện Nghị định số 42/2023/NĐ-CP ngày 29-6-2023 của Chính phủ về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng, từ ngày 14-8, BHXH tỉnh Bình Dương sẽ tổ chức chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng theo mức hưởng mới. Theo thống kê, tỉnh Bình Dương có 35.197 người được điều chỉnh tăng từ 12,5-20,8%; trong đó có 31.227 người được điều chỉnh tăng 12,5% và 3.970 người được điều chỉnh tăng 20,8%. Với các ứng dụng mới đang được triển khai, ngành BHXH tỉnh Bình Dương kỳ vọng sẽ giảm thời gian chờ đợi, tránh phiền hà cho người dân trong quá trình làm thủ tục hưởng quyền lợi theo quy định.

Tin cùng chuyên mục