Sáng 27-9, tại phiên họp của Ủy ban Xã hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, nội dung sửa đổi, bổ sung lần này hướng đến mục tiêu bảo đảm người dân được tham gia bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng phù hợp; bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu chăm sóc sức khỏe, yêu cầu chuyên môn, cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám chữa bệnh và khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế; tạo thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh những vướng mắc, bất cập, hạn chế cần được điều chỉnh đã được nêu rõ trong báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Luật về các nội dung: đối tượng tham gia bảo hiểm y tế; phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế; đa dạng hóa các gói bảo hiểm tế và quy định liên kết với bảo hiểm y tế thương mại; đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; hợp đồng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; giám định bảo hiểm y tế; quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu lưu ý, một số nội dung đề xuất sửa đổi có tác động trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và việc cân đối quỹ bảo hiểm y tế, ngân sách nhà nước.
Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định về cơ chế bảo đảm quyền lợi của người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế; cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá nhiều chiều khi mở rộng phạm vi được hưởng, cũng như đối tượng tham gia bảo hiểm y tế trong mối tương quan với khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế.
Liên quan phạm vi, thẩm quyền, trách nhiệm trong lĩnh vực bảo hiểm y tế, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) đề nghị sửa đổi theo hướng phân định rõ đội ngũ y tế có trách nhiệm đánh giá, chỉ định điều trị. Bảo hiểm y tế có trách nhiệm kiểm soát chi, để đảm bảo phù hợp với năng lực thực tiễn.
“Đánh giá, kiểm soát, chỉ định điều trị là quá trình thường xuyên xảy ra trong quá trình khám, chữa bệnh, từ khi kê đơn, lựa chọn phác đồ điều trị. Sau đó đến khâu kiểm soát chi thì bảo hiểm y tế mới tham gia. Quy định hợp lý về vấn đề này sẽ giải quyết được một trong những vấn đề khúc mắc nhất đối với Luật Bảo hiểm y tế hiện tại”, ĐB Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh.
Bày tỏ đồng tình với mục đích sửa đổi luật, tuy nhiên ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) thẳng thắn nhận định, những sửa đổi về nội dung, điều khoản cụ thể trong dự thảo chưa đảm bảo thực hiện được các mục đích đã đề ra trong dự thảo luật.
“Cần nghiên cứu kỹ lưỡng để sửa đổi một cách có thực chất, đi đến cùng các vấn đề cốt lõi về mức đóng, mức hưởng bảo hiểm y tế, cân đối quỹ, khám chữa bệnh ban đầu, cơ chế dịch vụ thanh toán bảo hiểm y tế”, ĐB Phong Lan bình luận.
Sau 15 năm triển khai thi hành Luật Bảo hiểm y tế, hiện đã có 93,3 triệu người (tương ứng 93,35% dân số) tham gia bảo hiểm y tế.