Bảo quản thực phẩm - chuyện nhiều tập...

Thời gian qua, dư luận rộ lên chuyện một số loại trái cây nhập khẩu để trong môi trường bình thường từ 6 đến 9 tháng sau vẫn chưa hỏng. Nhiều người tiêu dùng đặt vấn đề, có hay không việc sử dụng thuốc bảo quản một cách quá liều dẫn đến “tuổi thọ” của loại trái cây này được kéo dài. Nếu như vậy, khi sử dụng những loại trái cây này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe người tiêu dùng...

Về phía cơ quan chức năng, một quan chức cấp khá cao lại khẳng định, một số loại trái cây như lê hoặc táo nếu bảo quản tốt có thể để vài tháng, thậm chí cả năm cũng không hỏng (!?) Đến nay, câu chuyện xem ra vẫn chưa đi đến hồi kết. Chỉ biết rằng, không ít tiểu thương khi nghe phát biểu này đã cười mỉm (!?) còn người tiêu dùng thì hoang mang vì nhiều chuyên gia dinh dưỡng đã khuyến cáo thực phẩm dù được bảo quản trong điều kiện tốt, nhưng sau 6 tháng đến 1 năm thì chất lượng đã giảm nhiều, thậm chí đã biến chất... vì thế tốt nhất nên dùng thực phẩm tươi sống hoặc bảo quản trong thời gian ngắn.

Ai đúng, ai sai đến nay chưa ai dám đưa ra kết luận cuối cùng, còn người tiêu dùng thì lại thêm một lần nữa phải lo tìm cách bảo vệ chính mình.

Xưa, ông bà ta cũng có nhiều cách để bảo quản thực phẩm lâu dài như thịt thì gác bếp, cá thì phơi khô làm mắm, một số loại rau như cải, cần, cà... thì muối dưa... Những cách lưu trữ thực phẩm của ông bà ta ngày xưa đúng hay sai, nên hay không nên đến nay vẫn chưa có cơ quan chức năng nào có thể khẳng định, chỉ biết rằng nó đã tồn tại hàng trăm năm qua trong dân gian và nay không ít người tiêu dùng Việt Nam vẫn sử dụng các loại thực phẩm được bảo quản theo cách trên.

Ngày nay, tủ lạnh được xem là nơi bảo quản dài hạn thực phẩm các loại, thậm chí một số thực phẩm còn được các bà nội trợ bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh vô thời hạn. Những loại nào nên bảo quản trong tủ lạnh, bảo quản trong bao lâu là tốt nhất? quá thời hạn nào thì không nên sử dụng...? Hàng loạt câu hỏi luôn thường trực trong suy nghĩ của người tiêu dùng, nhưng rồi cũng chưa có một cơ quan chức năng nào ban hành những tài liệu chính thống để hướng dẫn người tiêu dùng và cuối cùng người tiêu dùng vẫn phải tự mày mò tìm hiểu.

Với những tiểu thương, người buôn bán các mặt hàng thực phẩm, mỗi người có một cách để bảo quản hàng của mình sao cho luôn giữ được sự tươi ngon trong thời gian lâu nhất có thể. Người thì bảo quản kiểu cha truyền con nối theo cách dân gian và cũng không ít tiểu thương sử dụng các chất hóa học để bảo quản, còn người tiêu dùng thì may nhờ rủi chịu.

Chúng ta có cả hệ thống các cơ quan chức năng quản lý từ xuất nhập khẩu, an toàn vệ sinh thực phẩm, quản lý thị trường, bảo vệ thực vật... ấy vậy mà câu chuyện thiết thực nhất với người dân hàng ngày là cái ăn, bảo quản thực phẩm ra sao cho tốt, cách thức nhận biết thực phẩm còn thời hạn sử dụng... vẫn để người dân mày mò tự tìm hiểu là chính. Còn hàng lậu, hàng kém chất lượng, hàng quá hạn sử dụng... vẫn bày bán khá công khai tại nhiều chợ trên cả nước.

Trách nhiệm thuộc về ai, câu trả lời quá khó, người tiêu dùng khi gặp vấn đề do sử dụng những thực phẩm kém chất lượng chỉ biết tự trách mình lỗi tại ta, lỗi tại ta.

Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy

Tin cùng chuyên mục