Giá trị cốt lõi từ toàn cầu hóa

Giá trị cốt lõi từ toàn cầu hóa

Chia sẻ hiện là một trong những giá trị mà toàn cầu hóa mang lại. Tại Việt Nam, giá trị chia sẻ từ toàn cầu hóa thường chỉ là những phần việc đòi hỏi sức lao động. Trong khi đó, thực tế trên lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam có giá trị và xứng đáng hơn một điểm đến của nhân công rẻ. Cuộc trò chuyện với Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam Vũ Minh Trí cho thấy điều đó.

Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam Vũ Minh Trí

* Trong thời gian gần đây, Microsoft Việt Nam có nhiều hoạt động với các doanh nghiệp, các tỉnh thành, cơ quan nhà nước, Chính phủ… Đây là động thái khác lạ so với Microsoft trước đây. Việc chủ động đến với khách hàng cho thấy Microsoft đang thay đổi chiến lược tiếp cận hay do sự thúc ép từ phát triển xã hội?

- Hầu hết các cơ quan nhà nước, Chính phủ, doanh nghiệp và người dân Việt Nam đều đã và tiếp tục sử dụng một vài sản phẩm hoặc dịch vụ của Microsoft như: Windows, Office, Windows Phone, Sharepoint, Skype, Email, OneDrive… Sự phổ biến của các công nghệ Microsoft tại Việt Nam cho thấy mối quan hệ hết sức chặt chẽ của Microsoft với khách hàng tại thị trường nội địa đã có từ rất lâu.

Sự khác biệt lớn nhất gần đây là sự chuyển mình của Microsoft với định hướng rõ ràng là nâng tính hiệu quả, năng suất lên một tầm cao mới với các sản phẩm và dịch vụ “Ưu tiên di động, Ưu tiên đám mây” (Mobile First, Cloud First). Định hướng này giúp Microsoft dẫn đầu trong việc đưa ra những công nghệ đáp ứng 4 xu hướng công nghệ lớn đang diễn ra trên toàn cầu là Di động, Điện toán đám mây, Mạng xã hội và Dữ liệu lớn. Việc theo kịp và tận dụng 4 xu thế này để phát triển và tạo lợi thế cạnh tranh cho đất nước và các doanh nghiệp là điều cực kỳ quan trọng và cấp bách.

* Ông có thể cho biết cụ thể những giá trị mà người dân sẽ được thụ hưởng?

- Việc đầu tư hạ tầng Điện toán đám mây sẽ giảm đáng kể chi tiêu công, sử dụng vào đầu tư công nghệ thông tin (CNTT), tăng hiệu quả đầu tư và tránh được lãng phí. Đối với người dân, điều này đồng nghĩa với việc tiền thuế đóng cho ngân sách nhà nước được sử dụng hiệu quả hơn. Một hạ tầng CNTT liên thông cũng giúp kết nối những dữ liệu quan trọng với nhau, giúp các lãnh đạo có được những thông tin tổng hợp để đưa ra các quyết định đúng đắn và kịp thời nhất.

Những ứng dụng CityNext của Microsoft và các đối tác tại Việt Nam chạy trên hạ tầng này sẽ giúp người dân tiếp cận các dịch vụ công dễ dàng, tiện lợi hơn từ các thiết bị cá nhân, đặc biệt là các thiết bị di động. Điều này sẽ giúp gia tăng tương tác 2 chiều và tính minh bạch giữa người dân và Chính phủ, nhờ đó, gia tăng mức độ hài lòng của người dân.

Nền tảng công nghệ này cũng cho phép các doanh nghiệp và người dân tham gia cung cấp các dịch vụ cho Chính phủ và các cơ quan nhà nước thúc đẩy sự phát triển đất nước. Một lợi ích rất quan trọng nữa cho người dân là sự an toàn, tính riêng tư và khả năng ứng phó với các cuộc tấn công mạng của toàn bộ hệ thống khi hạ tầng và các ứng dụng được xây dựng một cách chuyên nghiệp và có tầm nhìn chiến lược.

* Nhiều người hiểu, không có giá trị thì sẽ không có câu chuyện đầu tư, nhất là với các tập đoàn đa quốc gia. Microsoft liệu có triết lý riêng trong chuyện đầu tư tại Việt Nam?

- Tôi không đứng ở vị trí đại diện cho Tập đoàn để nói về triết lý đầu tư của Microsoft vào Việt Nam. Tuy nhiên, xin chia sẻ một số quan điểm trên cương vị là người đứng đầu Microsoft Việt Nam. Với việc đầu tư lớn vào thị trường Việt Nam và những hợp tác chiến lược với các bộ ngành và các doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta có thể thấy rõ ràng, cam kết của Microsoft với thị trường Việt Nam là một cam kết lâu dài.

Những “vấn đề” tại thị trường Việt Nam như vi phạm sở hữu trí tuệ còn rất nhiều, hạ tầng CNTT chưa phát triển và không đồng bộ, là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ máy tính nhiễm mã độc (malwares) và botnets, nguồn nhân lực công nghệ cao không được đào tạo bài bản và không được cập nhật những công nghệ mới… đã khiến nhiều hãng công nghệ lớn trên toàn cầu quyết định không đầu tư lớn vào thị trường này, hoặc thậm chí dừng đầu tư.

Chúng tôi nhìn thấy cơ hội từ những “vấn đề” này. Thay vì từ bỏ hay chỉ làm thương mại đơn thuần, Microsoft quyết định đầu tư, hợp tác cùng Việt Nam để giải quyết những vấn đề tồn đọng và phát triển cùng với sự lớn mạnh của đất nước.

* Giá trị chia sẻ từ toàn cầu hóa mà Việt Nam nhận được thường chỉ là những phần việc đòi hỏi sức lao động. Ý kiến của ông về nhận định trên như thế nào, và riêng Microsoft, đang chia sẻ với Việt Nam những giá trị nào?

- Nhận định trên sẽ đúng nếu như chúng ta cứ tiếp tục tự hào Việt Nam là điểm đến của những nhà đầu tư muốn có “nhân công rẻ”.  Đất nước và dân tộc Việt Nam có giá trị và xứng đáng nhận được nhiều hơn rất nhiều so với nhận định trên.

Tôi rất hào hứng và đánh giá rất cao định hướng và mục tiêu của Chính phủ, đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT vào năm 2020. CNTT là con đường tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, giúp thu hẹp khoảng cách với các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Những giá trị chia sẻ của Microsoft với Việt Nam đã, đang và tiếp tục sẽ không thay đổi. Đó là: Công nghệ, Công nghệ và Công nghệ.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!*

BÁ TÂN

Tin cùng chuyên mục