Ông bà ta xưa đã có câu Đi một ngày đàng, học một sàng khôn ý muốn khuyên mọi người nên thường xuyên ra ngoài, giao lưu, học hỏi, học từ thực tế cuộc sống, từ những người xung quanh... từ đó trưởng thành hơn.
Ngày xưa, được ra khỏi làng, được qua làng bên đã hiếm, còn được chu du thiên hạ, được vào Nam ra Bắc lại càng hiếm hơn. Vì vậy, khi những người đi xa về làng, bà con hàng xóm thường háo hức tụ tập để được nghe kể về những điều hay, điều lạ ở bên ngoài.
Nay, việc không ra khỏi làng, khỏi xóm mới là hiếm. Người ta ra Bắc vào Nam là chuyện thường, đi Âu đi Mỹ cũng đã không còn xa lạ và chính từ những chuyến đi để mở rộng tầm mắt, để học hỏi ấy mà người Việt Nam đã học được rất nhiều điều hay, điều lạ của xứ người.
Không dừng lại ở những chuyến đi cưỡi ngựa xem hoa, ngày nay không ít gia đình Việt Nam đã cho con du học tại nhiều nước trên thế giới. Mục tiêu du học rất đa dạng. Người cho con đi học để mở mang kiến thức, học điều hay về phục vụ đất nước, cũng không ít người cho con đi để rồi tìm cách định cư ở nước ngoài, cũng có người đưa con ra nước ngoài vì học trong nước không lên lớp nổi, đi để lấy tiếng oai có con du học, để khỏi bị bạn bè chê bai... Còn cách thức đi cũng phong phú không kém, người thì săn tìm học bổng, người thì vung tiền cho con đi... Đến nay, chưa có con số chính xác có bao nhiêu du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, bao nhiêu người đi bằng tiền túi của bố mẹ, bao nhiêu người tự tìm học bổng du học, bao nhiều phần trăm những du học sinh ấy về nước làm việc, hiệu quả làm việc ra sao, nếu ở lại thì bằng cách nào và hiện đang làm gì...? Hàng loạt câu hỏi được đặt ra mà chưa có cơ quan nào có thể trả lời.
Bên cạnh không ít du học sinh Việt Nam đã và đang làm rạng danh đất nước về thành tích học tập, không ít du học sinh về nước làm việc và đang có những đóng góp cho đất nước thì không ít du học sinh Việt Nam cũng đang nổi tiếng ăn chơi, tiêu tiền. Thậm chí có những người tìm mọi cách kể cả bất hợp pháp để được định cư.
Đã đi ra ngoài thì chắc chắn sẽ học được nhiều thứ, nhưng cái quan trọng là học được gì, tốt hay xấu, và mục đích của việc học là gì? Điều này phụ thuộc rất nhiều vào trình độ, nhận thức và quan điểm của mỗi cá nhân, gia đình... Và cho dù trình độ, nhận thức và quan điểm... có khác nhau thì tất cả cũng sẽ có chung mục tiêu là học những điều hay, điều tốt, thu thập thật nhiều kiến thức khoa học công nghệ, kinh nghiệm của các nước phát triển... từ đó phát huy hết khả năng của mỗi cá nhân, phục vụ cho cuộc sống của chính mình, gia đình mình và cao hơn là đóng góp sức lực, trí tuệ của mình cho quê hương, đất nước.
Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy