Mùa hè không còn ý nghĩa

“Mẹ ơi, đừng bắt con học thêm vào mùa hè!”, “Mẹ ơi, con chỉ thích nghỉ hè và được đi chơi thôi!”... Những lời thỏ thẻ của con trẻ có khiến chúng ta - người lớn phải động lòng, day dứt hay trăn trở? Kết thúc một năm học với lịch học ở trường, học thêm và thi cử dày đặc, học sinh các cấp từ tiểu học đến THPT phải chịu đựng bao áp lực, căng thẳng. Vậy mà, hè đến có bao nhiêu cô cậu học trò ở các đô thị lớn được thụ hưởng một kỳ nghỉ đúng nghĩa? Để chạy đua vào các lớp đầu cấp, trường điểm, trường có thương hiệu, nhiều phụ huynh bắt con học ngày học đêm. Ước vọng của cha mẹ là nỗi khổ của con cái và nhiều em chẳng có lựa chọn khác. Đó là học, học và tranh tài ở các cuộc thi, khảo sát năng lực đầu vào…

Ngay buổi họp phụ huynh kết thúc năm học, nhiều trường đã ấn vào tay phụ huynh kế hoạch ôn tập hè. Trường “lên dây cót” nếu không cho con ôn tập thì vào năm học mới các em quên hết kiến thức, không theo kịp chương trình. Như thế, thay vì thiết kế chương trình sinh hoạt hè, giúp học sinh có thêm sân chơi lý thú thì nhiều trường vẫn theo lối mòn - lên kế hoạch mở lớp ôn tập là chính. Không đăng ký cho con học hè ở trường, nhiều phụ huynh tất tả đi tìm chỗ học thêm ở nhà thầy cô hoặc trung tâm có uy tín. Để tận dụng thời gian hè, nhiều phụ huynh cho con học đủ các môn từ toán, lý, hóa, văn… đến Anh văn. Khát vọng đầu tư từ khi con còn nhỏ để con học giỏi, thi đậu đại học đã ăn vào tiềm thức, suy nghĩ của nhiều phụ huynh. Trừ một bộ phận phụ huynh có nhận thức, suy nghĩ tiến bộ và có điều kiện cho con tham gia các khóa học hè, học năng khiếu, kỹ năng sống - trải nghiệm... còn lại, phần đông chỉ muốn con học hè, kể cả học trước chương trình để tự hào vì con đạt được thứ hạng cao, học giỏi.

Điều đáng nói nữa là nhiều sân trường rộng mênh mông nhưng các hoạt động ngày hè có ý nghĩa, bổ ích lại rất ít, thậm chí im ắng. Sau chỉ 1 tháng nghỉ hè, từ tháng 7, nhiều trường ở TPHCM và Hà Nội đều lên kế hoạch học hè với nội dung ôn tập và điều này chẳng khác nào gián tiếp “bắt ép” học sinh học tiếp học kỳ 3. Đối với học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn thì sân chơi bổ ích với các chương trình vui chơi giải trí, học thêm kỹ năng sống là cái gì đó… xa xỉ mà các em ít có cơ hội được thụ hưởng.

Trong khi kỳ hè chỉ kéo dài 3 tháng thì gần đây lại bị cắt xén bởi quy định mới ban hành của Bộ GD-ĐT “tựu trường từ ngày 1-8”. Như thế, mùa hè còn vỏn vẹn 2 tháng và thời gian 60 ngày đó có đủ để các em tái tạo sức lực, lấy lại năng lượng đã hao mòn suốt năm học căng thẳng? Từ nhiều năm nay, ngày khai giảng đầu tháng 9 đã mất đi ý nghĩa của ngày tựu trường, gặp lại bạn bè, thầy cô vì học sinh phải đi học sớm, trước từ nửa tháng đến 1 tháng. Vì sao chúng ta đang hô hào đổi mới giáo dục, chú trọng dạy người hơn dạy chữ, tạo điều kiện cho học sinh trang bị kỹ năng sống, trải nghiệm cuộc sống nhưng lại có tư duy cắt xén ngày hè, bắt học sớm hơn cả tháng? Không thể lấy lý do sinh hoạt hè nhưng chủ yếu là ôn tập, nhồi nhét kiến thức hoặc dạy trước chương trình để che đậy bệnh thành tích đã ăn mòn niềm tin của xã hội.

Đừng lấy mất mùa hè của các em! Hãy để các em được nghỉ ngơi, thư giãn và thụ hưởng niềm vui thơ ngây với những tiếng cười trong trẻo, không vướng bận toan tính của người lớn. Đó là thông điệp đáng suy ngẫm!

SÀI GÒN GIẢI PHÓNG THỨ BẢY

Tin cùng chuyên mục