TPHCM được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều dòng kênh chạy qua lòng thành phố như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Tân Hóa - Lò Gốm... Tuy nhiên, sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, do điều kiện kinh tế khó khăn, lượng người nhập cư TPHCM đông nên không ít người dân đã chọn ven những con kênh này làm nơi cư ngụ. Dần dà, những dòng kênh xanh khi xưa trở thành những dòng nước đen với những căn nhà tạm bợ được dựng lên ven kênh... đã tạo ra sự nhếch nhác cho bộ mặt đô thị của thành phố.
Từ giữa những năm 1990, chính quyền thành phố đã quyết tâm cải tạo bộ mặt đô thị, trả lại dòng nước trong xanh của những con kênh cho người dân. Với quyết tâm của chính quyền, sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân, kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè với đường Trường Sa, Hoàng Sa, dòng nước trong xanh đang dần trở lại, những đàn cá tung tăng bơi lội đã xuất hiện trên những dòng nước đen năm xưa. Đường Võ Văn Kiệt bên dòng kênh Đôi, kênh Tẻ đã thay cho những khu nhà ổ chuột và giờ đây con đường này đã tạo cảm hứng sáng tác cho biết bao nghệ sĩ nhiếp ảnh với nhiều tác phẩm tuyệt đẹp ra đời.
Cách đây hơn 10 năm, với quyết tâm tiếp tục cải tạo bộ mặt đô thị, góp phần thay đổi cuộc sống người dân ven kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp đô thị TPHCM (HUUI) được thành lập nhằm triển khai nhiệm vụ quan trọng: Cải thiện các công trình dân sinh và hạ tầng xã hội trên địa bàn các quận thông qua nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thế giới. Hơn 10 năm thực hiện một khối lượng công việc khá lớn, HUUI đã hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra. Đặc biệt, trong những ngày cả nước vui mừng kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì việc khánh thành Dự án cải tạo kênh và đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm được xem là hành động thiết thực góp phần chào mừng ngày lễ lớn của đất nước.
Dự án đã xây dựng 12 cây cầu bắc qua kênh nhằm tăng vẻ mỹ quan và giải quyết giao thông cho cộng đồng; 11.815m đường giao thông được thực hiện kết nối các tuyến đường huyết mạch của cửa ngõ phía Tây thành phố; 4 khu cảnh quan tổng diện tích 14.120m2 được bố trí dọc 2 bên kênh nhằm tạo không gian vui chơi giải trí, sinh hoạt cộng đồng; gần 8.000m cống bao được lắp đặt phục vụ thu gom nước thải, kiểm soát tình trạng ngập lụt của lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm; toàn bộ tuyến kênh Tân Hóa - Lò Gốm gần 7km được nạo vét 300.000m3 bùn, khơi thông dòng chảy, tạo sự thông thoáng môi trường, không khí trong lành; hệ thống chiếu sáng công cộng và tín hiệu giao thông hiện đại được lắp đặt, vận hành từ trung tâm điều khiển; 40 giếng tách dòng được đầu tư xây dựng, phục vụ tách hệ thống nước thải và nước mưa để thu gom vào hệ thống xử lý nước thải theo quy chuẩn riêng biệt, tránh xả thải ra kênh gây hại môi trường.
Những ngày này, nếu đi qua kênh Tân Hóa - Lò Gốm, người dân sẽ thấy rõ được sự thay da đổi thịt 2 bên dòng kênh đen, nhếch nhác và ô nhiễm năm xưa. Thay vào đó là dòng nước trong xanh với những hàng cây đang từng ngày vươn mình lớn lên cùng sự phát triển của thành phố và đất nước. Người dân TPHCM nói riêng và cả nước nói chung mong rằng trong tương lai không xa, bộ mặt đô thị thành phố sẽ tiếp tục được đầu tư, cải tạo, nâng cấp để TPHCM xứng đáng là trung tâm kinh tế, đô thị lớn của cả nước cũng như vươn ra tầm khu vực và thế giới.
Sài Gòn Giải Phóng Thứ bảy