Những năm gần đây, cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất lẫn tinh thần nên các bậc phụ huynh ở các đô thị đã dành sự quan tâm cho con cái nhiều hơn. Thay đổi tư duy không “ép” con học thêm học kỳ thứ ba, nhiều ông bố, bà mẹ cho con nghỉ ngơi hoàn toàn hoặc chọn giải pháp ôn tập nhẹ nhàng kết hợp vui chơi giả trí.
Không chỉ dành thời gian gần “cục cưng” nhiều hơn, đưa con đi tham quan, du lịch, cha mẹ còn giúp con rèn luyện kỹ năng sống, trải nghiệm thực tế để hướng con cứng cáp, trưởng thành nhanh hơn. Có thể nói những khóa học ngắn hạn như “lên rừng, xuống biển” hay du học hè đều hấp dẫn và ít nhiều đều mang đến niềm vui, sự trải nghiệm bổ ích cho con cái. Được giải phóng năng lượng, được vui chơi thỏa thích trong những tháng hè, trẻ sẽ có thêm năng lượng mới để bước vào năm học mới tự tin hơn. Nhưng đó là những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả và dễ dàng đáp ứng nhu cầu của con cái.
Vậy với những gia đình không có điều kiện tài chính thì sao? Khó khăn này không phải là rào cản thực sự nếu cha mẹ biết cách quan tâm, dành thời gian quý báu để giúp con có mùa hè bổ ích thực sự. Đôi khi chỉ cùng con đến thăm một trại trẻ mồ côi, cùng con chăm sóc những mảnh đời bất hạnh cũng giúp con hiểu cuộc sống, cảm nhận hạnh phúc đang có lớn dường nào. Đôi khi chỉ cùng con về thăm vùng quê nào đó, trải nghiệm những điều thú vị từ môi trường dân dã, hiểu rõ công việc nhà nông… cũng làm con thay đổi suy nghĩ, cảm nhận được những giá trị nhân văn xung quanh. Giản đơn nhưng đầy ý nghĩa khi các con biết thêm hương vị cuộc sống, trong đó biết nặng lòng khi nhìn thấy từng hạt gạo trắng tinh, củ khoai ngon ngọt… luôn thấm dẫm những giọt mồ hôi, nỗi cực nhọc của người vun trồng. Đừng đổ thừa môi trường giáo dục, trường học còn khiếm khuyết, chưa mang đến cho con mình đầy đủ kỹ năng sống, mà hãy tự hỏi cha mẹ đã giúp con trang bị thêm những gì cần thiết chưa?
Những đứa trẻ lớn lên ngại khổ cực, ngại vượt khó - vượt qua chính mình sẽ không thể thích ứng xã hội hiện đại đang phát triển với biến động, cạnh tranh cao. Chúng không có kháng thể tốt để thích nghi cuộc sống, phải chăng có một phần lỗi từ cách giáo dục của gia đình? Rèn giũa, bồi đắp nghị lực, sự dũng cảm để con cái mình tự tin, có thể giải quyết các vấn đề phát sinh trong cuộc sống phải từ khi con còn nhỏ và đòi hỏi một quá trình lâu dài, bền bỉ. Đó là đúc kết từ thực tế. Vì vậy, đừng trông chờ phép màu kỳ diệu đến từ một khóa học hè, rèn luyện kỹ năng sống… con mình sẽ lột xác. Tuy nhiên, mỗi sự chăm sóc, bồi đắp chất nhựa sống đa kháng thể cho con vào dịp hè cũng góp phần làm giàu tâm hồn, suy nghĩ của con. Như thế, chọn cách tiếp thêm năng lượng cho con sao cho bổ ích, phù hợp từng lứa tuổi rất cần sự chọn lựa, cân nhắc kỹ lưỡng. Và bên cạnh việc cho con cơ hội rèn luyện kỹ năng, mở mang trí tuệ, tâm hồn vào dịp hè, cha mẹ phải thường xuyên quan tâm, giúp chúng cân bằng giữa học hành và vui chơi. Có như thế trẻ mới phát triển toàn diện, biết cách sống và làm người đúng nghĩa.
Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy