Bảo tàng dành cho ai?

Hầu hết các bảo tàng ở TPHCM đều nằm ở vị trí trung tâm thành phố, là nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh quý báu về lịch sử đất nước. Điều đáng buồn là dù các bảo tàng được đầu tư không ít nhưng rất nhiều du khách vẫn không mặn mà. Du khách quốc tế đa phần đi theo tour sắp sẵn đã đành, ngay người Việt cũng thờ ơ, không có thói quen đến bảo tàng…
Bảo tàng dành cho ai?

Hầu hết các bảo tàng ở TPHCM đều nằm ở vị trí trung tâm thành phố, là nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu, hình ảnh quý báu về lịch sử đất nước. Điều đáng buồn là dù các bảo tàng được đầu tư không ít nhưng rất nhiều du khách vẫn không mặn mà. Du khách quốc tế đa phần đi theo tour sắp sẵn đã đành, ngay người Việt cũng thờ ơ, không có thói quen đến bảo tàng…

Đìu hiu bảo tàng

Ở các nước phát triển, bảo tàng là điểm đến hấp dẫn đặc biệt, là nơi để du khách có cái nhìn sâu hơn về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử… mang lại nguồn thu đóng góp vào sự phát triển kinh tế du lịch. Giá vé vào cửa các bảo tàng như Louvre (Pháp), British Museum, National Gallery, Tate Modern (Anh), Metropolitan Museum Of Art (Mỹ)... không hề rẻ. Từng đi khá nhiều bảo tàng nước ngoài, ông Châu Phước Hiệp, Phó Giám đốc Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cho biết: “Chỉ qua các nước bạn lân cận như Campuchia, muốn vào bảo tàng phải bỏ ra 12USD (khoảng 240.000 đồng), còn biết tiếng Camphuchia thì 8USD (khoảng 160.000 đồng) nhưng bảo tàng ở đây vẫn luôn đông khách. Vậy mà các bảo tàng ở  nước ta, cụ thể ở TPHCM, vé vào cổng thường chỉ từ 2.000-5.000 đồng/khách trong nước, 15.000 đồng/khách nước ngoài, thậm chí nhiều nơi miễn phí vé nhưng số lượng khách đến tham quan bảo tàng không đáng kể.

Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh được đầu tư khang trang, trưng bày khoa học, thu hút đông khách trong và ngoài nước tham quan. Ảnh: An Dung

Chúng tôi đến thăm Bảo tàng Lực lượng vũ trang miền Đông Nam Bộ (247 Hoàng Văn Thụ, Q.Tân Bình), bên ngoài trông khá khang trang, nhưng vào bên trong mới thấy vắng vẻ đến buồn. Nhìn quanh chỉ có 2-3 bạn trẻ tham quan, không khí vắng tanh, thiếu sáng, những tấm hình bà mẹ Việt Nam được treo đơn sơ, có bức chú thích, có bức không, các hình ảnh trưng bày kém hấp dẫn trong không gian mờ tối. Những vật dụng như chiếc radio, máy cassette nếu không nhìn sát mặt kính thì khó thấy. Được biết ở đây còn tái hiện địa đạo Củ Chi, nhưng vào đến nơi thì thật hụt hẫng vì không dám vào, bởi đèn, quạt, bảng hướng dẫn đều không có. Chị Ngạn, đang công tác tại đây cho biết: “Bảo tàng này thông thường một tuần chỉ có khoảng 2-3 đoàn, khách lẻ rất ít. Do vắng khách nên bảo tàng chỉ mở một số đèn và quạt nhỏ để tiết kiệm”.

Còn tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1), dù tọa lạc trong khuôn viên Thảo Cầm viên, với vị trí thuận tiện, giá vé chỉ 2.000 đồng/khách nhưng lượng khách tham quan vẫn thưa thớt. Chị nhân viên bán vé cho biết, khách tham quan bảo tàng này đa số là học sinh, sinh viên, du khách khá ít. Chúng tôi đến vào những ngày thứ ba, thứ tư trong tuần, quan sát từ 9g đến 16g30 thấy chỉ chừng 100 khách. Với những khách có nhu cầu chụp ảnh, bảo tàng sẽ phụ thu 40.000 đồng/máy. Chúng tôi dạo quanh bảo tàng mới thấy, dù bảo tàng nổi tiếng với “xác ướp hoa cải”, phòng triển lãm và thưởng thức múa rối nước, hay những triển lãm chuyên đề trưng bày các hiện vật quý… nhưng hầu như chưa đủ thu hút khách tham quan.

Không gian vắng vẻ tại Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ

Tại Bảo tàng TPHCM (65 Lý Tự Trọng, Q.1), chị Dương, nhân viên Phòng Tuyên truyền Giáo dục, cho biết: “Bình quân ngày thường lượng khách đến từ 200-300 lượt. Vào các ngày thứ bảy, chủ nhật có khoảng 500 khách. Khi có các đoàn du lịch đến tham quan, lượng khách đông hơn, chừng 1.000 khách”. Tuy nhiên, chúng tôi quan sát từ 14g-16g vào ngày thường thấy khách thưa thớt, chừng 10-15 người ở các phòng trưng bày và một nhóm 4-5 người chụp ảnh cưới. Theo chị Dương, đến tham quan chủ yếu là người nước ngoài và du khách. Thỉnh thoảng có các đoàn khách ở các tỉnh, thường xuyên nhất là 2 tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, bởi 2 tỉnh này có sự liên kết với Bảo tàng TPHCM. Khách nước ngoài đến chủ yếu với mục đích tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu văn hóa, lịch sử. Tuy nhiên, hầu như khách trong nước lại đến với mục đích chụp ảnh.

Nỗ lực tìm cách hút khách

Thực tế, không phải bảo tàng hiện nay không có công chúng thưởng lãm, không hấp dẫn du khách. Có mặt tại Bảo tàng TPHCM vào một buổi sáng cuối tuần, chúng tôi bắt gặp các em học sinh và giáo viên Trường Tiểu học Quốc tế Việt Úc đang chăm chú nghe người hướng dẫn thuyết minh. Với những nét mặt ngạc nhiên, hào hứng, các em hí hoáy viết từng chú thích về các hiện vật và đua nhau đặt những câu hỏi với người hướng dẫn. Em Bùi Mê Li (học sinh lớp 3/2 Trường Tiểu học Việt Úc) nói: “Em rất thích vào bảo tàng để được xem những điều ngày xưa em chưa biết. Vào hè, tuần nào em cũng được tham gia các hoạt động ngoại khóa, trong đó được đi nhiều bảo tàng trong thành phố”.

Làm thế nào để hấp dẫn du khách là câu hỏi mà hầu như bảo tàng nào cũng loay hoay tìm hướng đi. Theo bà Mã Thanh Cao, Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, năm nào bảo tàng cũng có kế hoạch sưu tập, nhưng các quy định phải thực hiện nghiêm túc, các bảo tàng nhà nước thường mất cơ hội vì phải thông qua nhiều ban bệ xét duyệt, những hiện vật có tính chất tức thời, người ta cần bán, mình cần nhưng mua được hay không lại phải qua nhiều quá trình… “Hiện nay, trong tình trạng khó khăn chung nhưng nguồn đầu tư tài chính của thành phố cho các bảo tàng đã có sự ưu tiên trong công tác sưu tầm. Tuy nhiên, các dự án lớn đầu tư cho các bảo tàng cải tạo mở rộng đã diễn ra hơn 1 năm nay nhưng vẫn chưa hoàn thành. Vì kinh tế của thành phố đang có nhiều khó khăn nhất định nên chúng tôi cũng đành phải chịu. Lượng khách của chúng tôi khoảng 300.000 người/năm, hàng năm tăng từ 15-25%. Khách đến tham quan đông nhất thường là vào thời gian vàng từ tháng 9 đến hết tháng 12, vì đầu kỳ Giáng sinh, người nước ngoài thay vì về nước như nhiều năm trước thì gần đây họ lại thích du lịch, dịch chuyển”.

Ông Châu Phước Hiệp nhận định: “Người dân ta ít đi bảo tàng, một phần do chưa có thói quen, phần khác do phân khúc thị hiếu về nội dung và hình thức chưa quảng bá tốt và bảo tàng chỉ phù hợp một số đối tượng. Đừng đổ hết lỗi cho các nhân viên bảo tàng bởi “lực bất tòng tâm”. Tài chính luôn là vấn đề nan giải và khó khăn, dù cái tâm chúng tôi rất muốn cải tiến và đẩy mạnh hơn nữa cho bảo tàng nhưng còn rất nhiều hạn chế. Chúng ta không thể đánh giá bảo tàng này hơn bảo tàng kia được, bởi mỗi nơi đều có một yếu tố khác nhau như đối tượng khách, cách trình bày, nội dung, ý nghĩa, chuyên môn khác nhau. Và riêng TPHCM có rất nhiều bảo tàng, trong đó còn có bảo tàng tư nhân với mỗi lĩnh vực, ý nghĩa gửi gắm phong phú khác nhau, không đồng nhất”.

Mới đây, website du lịch hàng đầu thế giới TripAdvisor đã công bố danh sách các bảo tàng nổi tiếng nhất khu vực và thế giới. Trong đó, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh Việt Nam là những bảo tàng thu hút hàng đầu Châu Á với thứ hạng cao, lần lượt là 4, 6 và 11 trên danh sách 25 bảo tàng. Đó là một tín hiệu đáng mừng thể hiện sức hút của bảo tàng Việt Nam với thế giới. Riêng Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh ở TPHCM là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam được đưa vào hệ thống hơn 60 “Bảo tàng vì hòa bình” của Tổ chức UNESCO với hơn 15.000 hiện vật, hình ảnh cùng hàng ngàn thước phim tư liệu về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bảo tàng này là một trong những địa chỉ du lịch tại TPHCM luôn có lượng khách đến tham quan đông nhất.

Thiên Trang - Thủy Ngân - Võ Thắm

Tin cùng chuyên mục