Bảo tàng tình nghĩa

Bảo tàng tình nghĩa

Đêm nào cũng vậy, cứ nhắm mắt lại là bên tai ông lại vẳng lên tiếng kêu rên đau đớn của đồng đội sau những đòn roi tra tấn của kẻ thù; rồi hình ảnh những con chuột to tựa bắp vế, chỉ rình đêm xuống là chui ra từ muôn ngóc ngách của nhà lao ra mà gặm chân tay, khoét mắt tù binh… Những khi trở trời, vết thương cũ lại hành hạ ông đau nhói. Cứ mỗi đêm trằn trọc hay một lần cơ thể đau đớn trôi qua, ông Lâm Văn Bảng (SN 1943) lại thêm quyết tâm…

  • “Bảo tàng tư” giữa vùng chiêm trũng

Bảo tàng tình nghĩa ảnh 1

Ông Lâm Văn Bảng tự hào bên những kỷ vật vô giá của “Bảo tàng tình nghĩa”.

Ngôi nhà 2 tầng rộng hơn 2.000m2 của ông Lâm Văn Bảng ở thôn Nam Quất xã Nam Triều huyện Phú Xuyên tỉnh Hà Tây là nơi trưng bày, lưu giữ hơn 2.000 hiện vật vượt không gian, thời gian. Khiêm tốn với cái tên “Phòng truyền thống chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày” nhưng đây quả không khác gì một bảo tàng tư nhân có một không hai ở Việt Nam.

Khu vực một của nhà truyền thống là đền thờ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống cho độc lập tự do của Tổ quốc, được xây nổi giữa một cái ao nhỏ, mô phỏng nhà lao Phú Quốc nằm lẻ loi giữa trùng khơi. 9 phòng trưng bày còn lại, có phòng ngoài trời, có phòng trong nhà. Những kỷ vật to có, nhỏ có.

To nhất là quả bom Mỹ ném xuống cầu Giẽ (Phú Xuyên, Hà Tây), nhỏ là những chiếc đinh của kẻ thù ác ôn đã đóng vào đầu những chiến sĩ cách mạng kiên trung mà khi quy tập mộ liệt sĩ ở nhà lao Phú Quốc, ông và đồng đội đã lấy ra từ hộp sọ của đồng chí, đồng đội. Những hiện vật thấm đầy máu như chiếc chảo mà giặc dùng đun nước hoặc đun dầu cho sôi lên rồi dội vào đầu tù nhân; những chiếc cùm chân, dùi cui, búa đục răng người, vồ tra tấn...

Đối trọng với những hiện vật dùng để tra tấn dã man các chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Phú Quốc là chiếc xẻng mòn vẹt lưỡi do các chiến sĩ kiên trung đào hầm vượt ngục, chiếc thùng đựng rác là nơi họ ngồi thu lu trong đó để tìm cách trốn thoát, những bộ sách học chính trị trong tù, những lá cờ Đoàn, cờ Đảng, tài liệu tuyên truyền cho cách mạng… mà các tù nhân Phú Quốc đã lén lút cất giấu phục vụ cho hoạt động cách mạng của họ ngay trong nhà tù đế quốc.

Cách trưng bày sinh động ấy của ông minh chứng thật rõ ràng một sự thật: bất chấp mọi thủ đoạn tra tấn tàn ác, dã man của kẻ thù, chí khí chiến đấu, niềm tin vào cách mạng của những người cộng sản vẫn luôn chói sáng.

  • Kỷ vật phong phú

Đã 20 năm dằng dặc trôi qua, ông Bảng vẫn miệt mài lần theo dấu chân đồng đội để sưu tầm kỷ vật. Khi còn công tác, mỗi năm có vài ngày phép ít ỏi, người ta thì tranh thủ để nghỉ ngơi, để đỡ đần vợ con, còn ông thì lại tất bật với những kiếm tìm, vận động. Nay về hưu cũng vậy, thay vì vui thú điền viên, ông dành gần như trọn quỹ thời gian của mình để xuôi ngược khắp Bắc - Trung - Nam, tìm đến nhà đồng đội mà sưu tầm hiện vật cho phòng trưng bày.

Ông bảo: những kỷ vật thấm đầy máu ấy, đối với mỗi người, đều là đồ gia bảo nên khi thuyết phục họ hiến cho “bảo tàng” là một việc vô cùng khó khăn. Lắm khi ông thuyết phục được đồng đội thì vợ của bạn lại không đồng ý, khi được vợ bạn cho phép thì con cái họ lại không gật đầu. Thế nên công sức mà ông Bảng bỏ ra để có được chừng ấy hiện vật, thật không kể sao cho xiết.

Cho tôi xem lá cờ Đảng đỏ thắm, khâu bằng miếng vải chỉ to bằng bàn tay, ông bồi hồi: “Đây là một tài sản quý báu bởi nó là sức sống, là kỷ vật nuôi dưỡng niềm tin để chúng tôi bền chí và kiên cường đấu tranh với kẻ thù. Lá cờ còn là minh chứng cho lòng trung thành của chúng tôi với Đảng”.

Chuyện trường kỳ kháng chiến để có lá cờ Đảng trong phòng truyền thống thật trần ai. Sau đợt trao trả tù binh bên dòng Thạch Hãn vào tháng 7-1973, đồng chí, đồng đội cùng có những ngày nếm mật nằm gai trong nhà tù Phú Quốc, mỗi người mỗi ngả; mãi đến năm 1995 họ mới được gặp lại nhau. Lúc đó, ông Nguyễn Văn Dư (Hồng Dương, Thanh Oai, Hà Tây) - người được giao gìn giữ lá cờ - cũng có mặt. Khi ông Bảng ngỏ ý muốn xin kỷ vật độc đáo ấy để làm phong phú hiện vật của phòng truyền thống, ông Dư đã kịch liệt phản đối: “Sống thì tôi giữ, khi chết, lá cờ cũng xuống mồ theo tôi”.

Biết bạn vì quý kỷ vật thiêng liêng ấy nên biểu lộ có phần thái quá, ông Bảng không những không giận mà còn đi đi lại lại năm lần bảy lượt, mỗi lần tới thăm lại tỷ tê một chút để ông Dương thấy hết ý nghĩa của việc đưa lá cờ về an cư tại phòng trưng bày cho nhiều người có cơ hội được chiêm ngưỡng, được sống lại ký ức hào hùng... Mưa dầm thấm lâu, cuối cùng, sự chân thành của người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” đã khiến ông Dư thay đổi quyết định.

Lại có kỷ vật mà ông phải lặn lội vào tận Khánh Hòa đến 4 lần mới rước về được như bộ bấm móng tay của ông Lương Đình Dũng. Trong tù, đó là đồ dùng chung, rất thân thuộc của tất cả anh em đồng chí; khi mang nó về, gia đình ông Dũng - một gia đình cách mạng có 4 người bị giam ở nhà tù Phú Quốc, 2 người trong số đó đã hy sinh - xem như báu vật và đặt trang trọng lên bàn thờ tổ tiên.

Cảm động trước sự bền bỉ và tấm lòng vì việc chung, không chút vụ lợi của ông Bảng, ông Dũng khấn lạy tổ tiên và trao tặng bộ bấm móng tay bé nhỏ mà đầy ý nghĩa ấy cho phòng truyền thống. 4 lần đi đi về về trên lộ trình hơn 3.000km chỉ để mang về... bộ bấm móng tay nhỏ xíu và cũ kỹ, còn kỳ công nào hơn thế?

Tự túc hoàn toàn trong suốt hành trình 20 năm bôn ba sưu tầm kỷ vật, với đồng lương ít ỏi của một công chức ngành giao thông, lại mang đủ thứ bệnh tật trong người, lắm khi ông Bảng tưởng mình không vượt qua nổi. Nhưng rồi khát vọng lưu giữ ký ức hào hùng của một thời gian khổ cùng cực mà phơi phới niềm tin vào lý tưởng đã giúp ông “chân cứng đá mềm”…

  • Kỷ niệm tràn đầy

Những kỷ niệm đau thương thời bị giam hãm trong nhà tù của giặc luôn tràn đầy trong tâm trí người cựu chiến binh, Giám đốc “Bảo tàng tình nghĩa” Lâm Văn Bảng. Ông lặng đi khi nhớ lại lần bị thương trong đợt tiến công Sài Gòn, những mảnh đạn pháo làm ông bị thủng bụng, băm nát chân tay. Ông bị địch bắt và bị giam ở khám Chí Hòa rồi bị dẫn về địa ngục trần gian Phú Quốc.

Trong ký ức của ông, hình ảnh những bầy chuột đói, đêm đêm túa ra từ muôn ngóc ngách của nhà lao cắn thịt tù binh mà vì bị xiềng xích, không ai phản kháng được ngoài những tiếng kêu rên trong đêm hoang lạnh vẫn còn nguyên vẹn. Lắm khi mệt mỏi và đau đớn tê dại, nhiều người thiếp đi. Sáng dậy mới hay mình mẩy người nào người ấy đều bê bết máu. Chỉ vào vết lõm dưới ống chân mình, ông cười, khoe: “Hòm thư di động của tôi đấy”.

Thì ra, mỗi lần đi thay băng gạc, ông lại bí mật quấn thư của tổ chức mang ra nơi bí mật, rồi từ đó, các đồng chí của ông ở trại khác lại ra lấy chỉ thị về trại mình và ngược lại, thu lượm tin tức của các trại khác. Nếu bị địch phát hiện có nghĩa là phải đánh đổi bằng tính mạng; biết vậy nhưng chẳng ai màng lo lắng. Không mua chuộc được những người con kiên trung của Đảng, bọn giặc lại giở những thủ đoạn tra khảo hết sức dã man: nào đục răng, móc mắt, đẽo bánh chè, nào phơi nắng, dìm vào vạc nước sôi, nhốt

180 người vào những chuồng cọp có chiều ngang 3m, dài 9m... Vẫn không có gì lay chuyển được ý chí chiến đấu của những người lính cụ Hồ. Trong những đợt nổi dậy chống đánh đập tù binh, chống chào cờ Mỹ, chống đi lao động, chống bớt khẩu phần ăn, có những người đã tự mổ bụng mình như ông Nghị (Hà Tây), ông Kim (Bắc Ninh), ông Cự (Nghệ An)... để biểu thị quyết tâm.

  • Nghĩa tình thắm mãi

Giờ đây, “Phòng truyền thống chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày” của ông Bảng là nơi hội tụ của những tấm lòng, những con người đã một thời gan góc, xả thân vì đất nước. Đều đặn vào mỗi thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, họ lại chẳng quản đường xá xa xôi, thu xếp thời gian tìm về mái nhà chung.

Không đơn thuần đến để “ôn cố tri tân”, các cựu tù Phú Quốc xưa còn đến để lắng nghe, để hiểu và tìm cách giúp đỡ nhau trong cuộc sống hiện tại: xây nhà tình nghĩa cho ông Phong (Bắc Giang), quyên góp tiền giúp ông Huê (Thường Tín, Hà Tây) nuôi 2 con bị nhiễm chất độc da cam. Riêng ông Bốn (Chương Mỹ, Hà Tây) - chủ doanh nghiệp mây giang đan xuất khẩu - thì tạo công ăn việc làm cho con em đồng đội...

Tiếng nói cười rộn rã và tình người ấm áp luôn đầy ắp trong cái bảo tàng độc đáo nhất Việt Nam này. 

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

 

Tin cùng chuyên mục