Bảo tồn và phát triển

Ở bất kỳ quốc gia nào, quy mô nhỏ hơn là ở bất kỳ thành phố nào cũng vậy, luôn tồn tại mâu thuẫn giữa việc bảo tồn và phát triển.

Quá trình hình thành và phát triển của đô thị nào cũng mang trong nó yếu tố văn hóa, lịch sử. Chính vì vậy, trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa, cần bảo tồn, giữ lại cái gì luôn là vấn đề làm đau đầu các nhà quy hoạch, quản lý đô thị.

Tại Việt Nam, đô thị cổ Hội An được Unesco công nhận là Di sản Văn hóa thế giới bởi nó còn giữ được những nét kiến trúc độc đáo, ghi đậm dấu ấn của sự hình thành đô thị này. Ngay cả Thánh địa Mỹ Sơn, trải qua hàng ngàn năm trơ gan cùng tuế nguyệt, trải qua bao bom đạn chiến tranh, đến nay, nói một cách thẳng thắn thì nơi đây chỉ còn lại là phế tích, ấy vậy mà những nhà nghiên cứu văn hóa vẫn say mê đến để tìm tòi nghiên cứu và Unesco cũng công nhận đây là Di sản Văn hóa của nhân loại.

Sài Gòn - TPHCM còn quá trẻ (trên 300 năm) nếu so với nhiều làng mạc, đô thị khác của Việt Nam. Tuy nhiên, trong hơn 300 năm ấy, nơi đây đã ghi lại biết bao dấu ấn trong quá trình phát triển của nó. Nếu như những dấu tích của thuở khai thiên lập địa đến thành Gia Định đã gần như không còn, có chăng chỉ là những địa danh được người dân nơi đây truyền lại cho đến nay như Bến Nghé, Bến Thành, Thị Nghè, kênh Tàu Hủ... Từ khi Pháp đô hộ, Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn đã mang đậm dấu ấn của Pháp. Từ quy hoạch đến các công trình kiến trúc đã tạo nên nét rất riêng cho vùng đất này và từ đó tạo nên tính cách cũng như đặc trưng văn hóa cho người Sài Gòn.

Trải qua 30 năm dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Sài Gòn đã có những thay đổi nhằm phục vụ cho các mục đích của chính quyền sở tại. Mặc dù được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông khi đó, nhưng Sài Gòn vẫn giữ được gần như nguyên vẹn so với thời Pháp thuộc.

Sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước 30-4-1975, Sài Gòn được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh, cũng từ đây, thành phố này đã có những thay đổi mạnh mẽ. Đặc biệt, từ khi Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường thì TPHCM trở thành đầu tàu kinh tế, trung tâm kinh tế lớn nhất nước.

Trước sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của các nước, TPHCM đã và đang có những bước chuyển mình để theo kịp đà phát triển của thế giới. Chính vì vậy, bên cạnh cải cách cơ chế, xây dựng môi trường đầu tư, phát triển xã hội... thì phát triển hạ tầng là yêu cầu bắt buộc. Hơn 10 năm trở lại đây, hạ tầng TPHCM đã có những thay đổi vượt bậc để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Ở nội thị, nhiều cao ốc đã mọc lên, ở ngoại ô đường sá được mở rộng, nhiều khu đô thị mọc lên... và trong quá trình hiện đại đô thị ấy, không ít công trình mang dấu ấn lịch sử - chí ít là trong ký ức của một bộ phận người dân thành phố - đã phải ra đi.

Nhiều tòa cao ốc mọc lên tại nơi trước đó là những công trình kiến trúc, những tòa nhà đã tồn tại hàng trăm năm qua bao biến cố lịch sử của vùng đất này. Những người hoài cổ thì tiếc nuối, những người muốn xây dựng một thành phố hiện đại thì giải thích rằng phải chấp nhận hy sinh để phát triển...

Cuộc tranh luận chắc sẽ khó có hồi kết thúc. Nhưng có một sự thật là nếu chúng ta cứ đập cũ xây mới, đến bao giờ TPHCM sẽ đuổi kịp các thành phố ở các nước phát triển? Có lẽ không ai dám trả lời câu hỏi này. Vậy đến TPHCM có gì khác so với đến các thành phố lớn của các nước phát triển. Về mức độ hiện đại, chắc chắn chúng ta không bằng và rất khó, nếu không muốn nói là không thể đuổi kịp các thành phố lớn ở các nước phát triển.

Vậy điều gì sẽ giúp TPHCM hấp dẫn mọi người đến, có lẽ đấy là lịch sử, là đặc trưng văn hóa của thành phố này. Một thành phố có những địa danh của thời phong kiến để lại, có đặc trưng của kiến trúc Pháp cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, có hơi hướng phong cách của văn hóa Mỹ và là thành phố với những con người của đất nước Việt Nam thống nhất.

Chúng ta có cả hệ thống, bộ máy làm công tác quy hoạch, quản lý đô thị với đủ các học hàm học vị, được đào tạo từ trong nước đến nước ngoài... chẳng có lý do gì để nói hệ thống ấy không biết nên bảo tồn cái gì, nên phát triển ở đâu, mọc cao ốc chỗ nào, công trình kiến trúc nào nên phá đi... Vấn đề người dân mong muốn là hệ thống, bộ máy ấy hãy vì cái chung, vì sự phát triển lâu dài của thành phố, để sau này con cháu chúng ta còn biết về lịch sử, dấu ấn của nơi chúng sinh ra và lớn lên.

Đừng để khi nhận ra thì đã quá trễ, đừng để lịch sử phán xét chúng ta.

Sài Gòn Giải Phóng Thứ Bảy

Tin cùng chuyên mục