LTS: Sau khi dư luận phê phán hoạt động dịch vụ tổ chức tiệc ăn uống trong nhiều hang động trên vịnh Hạ Long vì có nguy cơ gây xâm hại di sản thiên nhiên, UBND TP Hạ Long vừa ra thông báo chấm dứt hoạt động dịch vụ này. Bạn đọc Báo SGGP tiếp tục nêu thêm ý kiến về vấn đề phải quan tâm hơn nữa việc giữ gìn, tôn tạo di sản và tài nguyên du lịch.
Thụ hưởng phải gắn với giữ gìn, tôn tạo
Ngành du lịch từng có khẩu hiệu rất hay: “Không lấy gì ngoài những tấm ảnh, không để lại gì ngoài những dấu chân”, để nhắc nhở du khách chú ý giữ gìn các giá trị, các nét đặc sắc ở các điểm tham quan, du lịch. Khi hướng dẫn tham quan các hang động ở Phong Nha, Hạ Long, các hướng dẫn viên thường dặn dò du khách không khắc chữ, lấy các thạch nhũ trong hang động; hay ở nhiều nơi khác, du khách cũng được nhắc nhở không hái hoa, bẻ cành, không sờ các hiện vật cổ. Thế nhưng vẫn có không ít người rất thiếu ý thức khi xâm hại sự nguyên vẹn của các di tích, mảng xanh ở các điểm tham quan.
Ở di tích nhà tù Côn Đảo, bức tường nào cũng chi chít, nham nhở các chữ viết, hình vẽ, có chỗ còn bị cào xước bằng vật cứng làm di tích loang lỗ nham nhở. Ở tòa tháp Chăm trên núi Nhạn (Phú Yên), rất nhiều hòn gạch cổ bị khắc chữ hay viết bằng bút xóa tên người, số điện thoại, chữ ký và những câu tạp nham. Người ta muốn chứng minh sự hiện diện của bản thân tại nơi đó, nhưng hóa ra chính họ đã lưu lại dấu tích kém văn hóa của mình cho người khác nhìn thấy. Các hành vi ảnh hưởng đến môi trường cũng xảy ra khá phổ biến ở các điểm du lịch, như ăn uống rồi xả rác xuống bãi biển, sông rạch, đường đi…
Nhiều du khách cho rằng đi đến đâu thì nên thưởng thức hoặc tìm mua đặc sản ở đó. Điều đó rất hợp lý nếu các đặc sản đó được buôn bán hợp pháp. Thế nhưng có trường hợp du khách cố tìm cho bằng được những đặc sản “độc” tức là rất hiếm, rất đắt, nhất là những loại sản vật bị cấm buôn bán, như thịt thú rừng, trứng rùa biển, các sản phẩm từ động vật hoang dã bị cấm săn bắt (như móng cọp, mật gấu, lông đuôi voi, ngà voi, sừng trâu bò rừng…). Họ cho rằng thưởng thức được hoặc mua được những thứ đó mới thể hiện “đẳng cấp”, “sành điệu” nhưng thực ra cũng là bộc lộ sự nghèo nàn về mặt ý thức và văn hóa trong việc hưởng thụ.
Du khách tham quan hang động tại Hạ Long
Do đó, cần có những quy định chặt chẽ và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các hành vi ảnh hưởng đến môi trường và sự nguyên vẹn của di tích, xâm hại tài nguyên du lịch. Việc thụ hưởng phải luôn gắn với việc gìn giữ, tôn tạo. Cần quan tâm nhắc nhở, vận động du khách bảo vệ vệ sinh, môi trường ở nơi tham quan. Bản thân các doanh nghiệp du lịch nên chú ý đến loại hình du lịch trải nghiệm, trong đó gắn hoạt động tham quan với hoạt động gìn giữ, tôn tạo môi trường ở điểm tham quan như nhặt rác, trồng cây xanh, phát tờ rơi bảo vệ môi trường…
VÂN TÂM (quận 3, TPHCM)
Có định hướng trong khai thác tài nguyên du lịch
Du lịch là một ngành kinh tế có định hướng tài nguyên một cách rõ rệt, du lịch chỉ có thể phát triển trên cơ sở khai thác các giá trị tài nguyên du lịch. Khai thác các di tích lịch sử - văn hóa để phục vụ cuộc sống là cách để giá trị của các di tích được tỏa sáng. Thời gian gần đây, xu hướng khai thác các giá trị di tích lịch sử - văn hóa phục vụ du lịch, lấy nguồn lực từ du lịch để bảo tồn các di tích, được xem là một việc làm thiết thực trong phát triển du lịch văn hóa cũng như công tác bảo tồn.
Bên cạnh những yêu cầu về kinh nghiệm, về đội ngũ, về trình độ khoa học công nghệ trong lĩnh vực bảo tồn, công tác bảo tồn các giá trị văn hóa đòi hỏi kinh phí cho hoạt động thu thập, nghiên cứu di sản, bảo vệ, tu sửa, tôn tạo. Nhưng nguồn kinh phí dành cho hoạt động bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa từ ngân sách nhà nước và hợp tác quốc tế thường rất hạn hẹp so với nhu cầu thực tế, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả của công tác bảo tồn văn hóa. Trong bối cảnh đó, nguồn thu từ du lịch sẽ là đóng góp quan trọng cho hoạt động bảo tồn của chính những giá trị văn hóa.
Như vậy, có thể thấy mối quan hệ tương hỗ mật thiết giữa bảo tồn với phát huy di tích lịch sử văn hóa và giữa bảo tồn, phát huy di tích lịch sử văn hóa với hoạt động phát triển du lịch. Đây là mối quan hệ biện chứng cần được nhìn nhận một cách khách quan và đầy đủ để xây dựng định hướng khai thác có hiệu quả các giá trị di tích lịch sử văn hóa phục vụ phát triển du lịch, xây dựng các chính sách phù hợp để du lịch có thể có những đóng góp tích cực và trách nhiệm nhất cho hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa.
TRỊNH THỊ HIỀN
(Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM)