
(SGGPO).– Sáng 21-6, tại Hà Nội, Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) tổ chức tọa đàm 70 năm báo Vui sống, tờ báo đầu tiên về sức khỏe của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
Thiếu tướng Vũ Quốc Bình, Cục trưởng Cục quân y cho biết, báo Vui sống là tờ báo đầu tiên của Quân Y cục – Bộ Quốc phòng, ra đời ở thời điểm đất nước mới giành độc lập và ngày 23-9-1945 thực dân Pháp quay trở lại Nam bộ. Bộ đội và một phần dân phải rời thành thị và tổ chức kháng chiến ở nông thôn, miền núi. Bệnh sốt rét đã cướp đi nhiều sinh mạng của quân và dân ta. Trong thời kỳ đó, Việt Nam là nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, dân trí thấp. Cả nước lúc đó có hơn 100 bác sĩ, tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Ở các tỉnh có nơi chỉ có một y sĩ chăm sóc sức khỏe cho hàng vạn dân…
Lúc đó, các thầy thuốc nổi tiếng nhất trí: chỉ có con đường truyền bá kiến thức về vệ sinh, về các phương pháp phòng và chống bệnh tật, vận động toàn quân, toàn dân sống theo nếp sống lành mạnh là ăn sạch, uống sạch, ở sạch; vận động mọi người nằm màn, diệt ruồi, chuột, diệt muỗi, đồng thời cải thiện việc ăn uống nhằm bồi dưỡng cơ thể, tăng sức đề kháng của cơ thể đối với bệnh tật. Muốn làm được công tác truyền bá vệ sinh và y học nhất thiết phải có một công cụ tuyên truyền hiệu quả, đó là cho ra đời 1 tờ báo.

Ảnh tư liệu Báo Vui sống
Bác sĩ Vũ Văn Cẩn- Cục trưởng Cục Quân y (sau là Bộ trưởng Bộ Y tế) đã quyết định xuất bản tờ báo với tên gọi Vui sống.
Chủ nhiệm báo đầu tiên là bác sĩ Vũ Văn Cẩn, Chủ bút đầu tiên là bác sĩ Phạm Ngọc Khuê, Thư ký tòa soạn là bác sĩ Từ Giấy.
Từ năm 1948, Chủ nhiệm báo là bác sĩ Từ Giấy, Thư ký tòa soạn là nhà thơ Thanh Huyên. Số lượng phát hành cao nhất 2 vạn bản năm 1951, 1952 (khi đó mặt bằng xuất bản các tuần báo ở Việt Nam chỉ đạt số lượng 3.000 bản). Lúc đầu báo ra hàng tuần, sau khi tản cư lên Ấm Thượng, Thanh Ba, Phú Thọ, do điều kiện khó khăn thiếu thốn mọi bề, mãi đến tháng 7-1947 báo Vui sống tiếp tục xuất bản, lúc này báo ra hàng tháng.
Có mặt tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng Từ Linh, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học quân sự - Bộ Quốc phòng, con trai cố GS Từ Giấy kể lại, ngày 19-5-1950, đoàn đại diện Ban chấp hành Hội những người viết báo Việt Nam thời đó gồm Xuân Thủy - báo Cứu quốc, Lưu Văn Lợi – báo QĐND, Từ Giấy - báo Vui sống được tới chúc thọ Bác Hồ 60 tuổi. Tối hôm đó, Bác gặp riêng đoàn đại biểu quân đội. Khi Người hỏi về tình hình sinh hoạt của các đơn vị bộ đội, một chiến sĩ bật dậy báo cáo với Bác rất sôi nổi, đại ý “các đơn vị bộ đội chúng cháu rất thích tờ báo Vui sống, chúng cháu thường mong đợi và mỗi lần nhận được báo gửi về, chúng cháu mừng lắm. Tờ báo đã đem lại niềm vui, hứng khởi cho chúng cháu. Báo Vui sống lại để lại trong độc giả tình cảm mến mộ đặc biệt đó.
GS Nguyễn Tụ, nguyên Phó giám đốc Học viện quân y nhớ lại, báo Vui sống ra đời từ tháng 6-1946, cũng là giai đoạn ông vào ngành quân y, được phục vụ cán bộ chiến sĩ từ chiến khu Cao Bằng, Bắc Kạn về, hầu hết bị ngã nước do nước độc. “Lúc đó nhiều bệnh sốt rét, kiết lị, ngoài da.. rất khó chữa. Tờ báo ra đời thời điểm đó với mục tiêu tuyên tuyền các phương pháp chữa bệnh và tân y học, với cách hỏi-đáp rất hài hước nên hấp dẫn vô cùng với chiến sĩ ta. Tờ báo thành công cụ để giải thích bệnh tật cho chiến sĩ, chỉ cần đọc báo là góp phần phòng được bệnh”-GS Nguyễn Tụ kể lại.
Nét đặc biệt của tờ báo là có rất nhiều cộng tác viên là những trí thức, văn nghệ sỹ lớn. Báo với phong cách thân thiện, dí dỏm, dễ đi vào lòng người, vì vậy mục tiêu tuyên truyền rất hiệu quả. “Tờ báo đã góp phần giữ vững và nâng cao sức khỏe cho quân đội. Là công cụ để các đơn vị quân đội phòng bệnh cho chiến sĩ. Từ khi có báo Vui sống, giờ đọc báo tập thể ở đơn vị sôi động hẳn lên, nhiều chiến sĩ mượn về đọc kỹ hơn những điều thầm kín”, GS Nguyễn Tụ hồi tưởng.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại buổi tọa đàm
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đến với cuộc tọa đàm vì cụ thân sinh ra ông là quản đốc xưởng giấy của Cục quân y, cấp giấy cho báo Vui sống. “Bản thân tôi cũng là một “lều báo”, đã có vài lần đạt giải thưởng báo chí quốc gia”, ông dí dỏm. Với ông, báo Vui sống hồi đó thực sự là một ngôi sao băng của báo chí cách mạng Việt Nam. Với ông, thời đó thật gian khó, nhiều lúc đói hoa mắt vì không có gì ăn, nhưng tất cả đều vui sống mà GS Từ Giấy, báo Vui sống là biểu tượng cho lòng vui sống, lạc quan đó.
Từ hiện tượng báo Vui sống cách đây 70 năm, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, nên chăng vẫn cần có ấn phẩm báo chí kiểu như Vui sống. “Để phòng bệnh cho quân đội, cho nhân dân, thì phải có các phương tiện như Vui sống dễ gần, thân thiện, dân dễ hiểu. Yếu tố vui, dí dỏm là hồn cốt của tờ báo đặc biệt này. Anh em chiến sĩ thích vì vui. Còn nếu báo chí đến với chiến sĩ hàn lâm, hành chính, khô khan, nghị quyết trong hoàn cảnh anh em chiến sĩ lại không được đọc mạng nhiều thì hiệu quả không cao. Rất cần một sản phẩm báo chí vui vẻ để dễ hấp dẫn anh em, làm cho anh em vui lên, sống khỏe, nhân rộng tình người, từ đó góp phần bảo vệ Tổ quốc vững chắc”, ông Vũ Khoan gợi ý.
PHAN THẢO